Kỳ họp tháng 5, Chính phủ thảo luận và cho ý kiến về sắp xếp các đơn vị cơ quan chuyên môn cấp tỉnh

(VOH) - Chiều 30/5, Quốc hội tiếp tục thảo luận tình hình kinh tế - xã hội năm 2018, đầu năm 2019. Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân nói thêm về phương án sáp nhập sở, ngành.

Khẳng định lao động việc làm là một trong những yếu tố quyết định đối với thành công của việc cơ cấu lại kinh tế, phát triển văn hóa xã hội, đại biểu Nguyễn Thị Quyên Thanh – đoàn Vĩnh Long cho rằng: So với khu vực ASEAN, năng suất lao động của Việt Nam thấp hơn, chất lượng đào tạo cũng không bằng, chưa đáp ứng được nhu cầu tuyển dụng và thực tiễn xã hội. Đáng chú ý là con số lao động trình độ đại học thất nghiệp chiếm tỷ lệ 9,58%, khoảng trên 120.000 người. 

"Chính phủ quan tâm xây dựng, hoàn thiện cơ chế chính sách; Xây dựng kế hoạch tổng thể gắn kết chặt chẽ giữa giáo dục đào tạo, lao động và việc làm nhằm phát triển nguồn nhân lực phù hợp với điều kiện Việt Nam với cơ cấu, trình độ hợp lý, phù hợp với bối cảnh hội nhập để giải quyết hiệu quả hơn nữa nhu cầu nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nhằm tăng năng suất lao động, dẫn đến phát triển hài hòa kinh tế, văn hóa, xã hội, sớm đưa nền kinh tế đi vào quỹ đạo tăng trưởng nhanh và bền vững", đại biểu Quyên Thanh đề nghị.

Quốc hội tiếp tục thảo luận tình hình kinh tế - xã hội năm 2018, đầu năm 2019

Tình hình kinh tế-xã hội đầu năm 2019 tiếp tục chuyển biến tích cực. Ảnh: TTXVN

Theo đại biểu Vũ Thị Nguyệt – đoàn Hưng Yên: Hiện nay hệ thống bệnh viện công ở nước ta đang đảm nhiệm khoảng 90% khối lượng khám chữa bệnh cho các tầng lớp nhân dân. Bộ Y tế là một trong những bộ tiên phong trong đổi mới cơ chế tài chính, với mục tiêu đổi mới tổ chức, sắp xếp lại bộ máy, sử dụng nguồn lực tài chính hợp lý để hoàn thành nhiệm vụ được giao. Tuy nhiên trong quá trình thực hiện đã nảy sinh nhiều vướng mắc, bất cập như: Chính phủ và các bộ ngành Trung ương vẫn chưa ban hành các văn bản hướng dẫn chi tiết về cơ chế tự chủ đối với ngành y tế.

Đại biểu Vũ Thị Nguyệt kiến nghị: "Chính phủ, Bộ Y tế cần sớm ban hành các văn bản chi tiết về việc thực hiện tự chủ toàn diện từ tài chính, nhân lực tới cơ chế hoạt động, tạo hành lang pháp lý thống nhất, rõ ràng, đồng bộ để các đơn vị có căn cứ thực hiện. Sớm kiện toàn quy trình thủ tục, giám định quyết toán bảo hiểm y tế để giảm thời gian cũng như công sức của các bên liên quan. Đẩy nhanh lộ trình tính đúng, tính đủ giá dịch vụ y tế, trao quyền cho các bệnh viện, trong đó có cho phép bệnh viện được ban hành mức giá thu dịch vụ y tế tính đủ 7/7 yếu tố cấu thành giá".

Nhắc đến những vấn đề còn tồn tại của ngành giáo dục, đại biểu Thái Trường Giang – đoàn Cà Mau chỉ ra mối quan hệ thầy trò ngày càng lỏng lẻo, đạo đức xã hội suy giảm.

Về bê bối của kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia 2018, ông cho rằng đã cho thấy gian lận thi cử không phải những trường hợp nhỏ lẻ mà có quy mô tinh vi, phức tạp, diễn ra ở nhiều địa phương do những người có chức quyền và tiền trong và ngoài ngành giáo dục thực hiện. "Tiêu cực trong thi cử 2018 là giọt nước tràn ly buộc ngành giáo dục phải xem xét và đánh giá lại hiệu quả thực chất của việc nhập 2 kỳ thi tốt nghiệp phổ thông trung học và tuyển sinh đại học. Phải xem lại phương pháp coi thi, phương pháp chấm thi nhằm hạn chế thấp nhất tiêu cực trong thi cử. Nếu như trước kia tiêu cực trong thi cử chỉ diễn ra nhỏ lẻ thì ngày nay lại chuyển thành gian lận có tổ chức, có quy mô lớn hơn, tinh vi hơn; diễn ra ở nhiều địa phương do những người có chức quyền và tiền trong và ngoài ngành giáo dục thực hiện", đại biểu Trường Giang ý kiến.

Thông tin thêm về phương án sáp nhập sở, ngành, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân – cho biết: Đến nay, đã có 4 tỉnh thí điểm sắp xếp cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh như Bạc Liêu, Bắc Ninh, Hà Giang, Lào Cai, thì đã giảm được 5 cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh; Về cấp huyện, đã có 15 tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức thí điểm sắp xếp cơ quan chuyên môn của huyện, đã giảm được 185 phòng, chuyên môn.

"Để đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho địa phương, theo Nghị quyết 18 của Hội nghị Trung ương 6 và kết luận số 34 của Bộ Chính trị, đây là vấn đề mới và phức tạp trong việc tổ chức sắp xếp lại cơ quan chuyên môn của cấp tỉnh và cấp huyện trong thời gian tới, được xã hội rất quan tâm. Do đó, lãnh đạo Chính phủ đã tổ chức rất nhiều cuộc họp để tạo sự thống nhất cao giữa các bộ ngành Trung ương và các địa phương. Chính phủ sẽ thảo luận và cho ý kiến về việc sắp xếp các đơn vị cơ quan chuyên môn thuộc cấp tỉnh và cấp huyện trong buổi họp Chính phủ thường kỳ tháng 5 sẽ diễn ra vào chiều 31/5/2019".