Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa 14 – Dấu ấn của nhiệm kỳ

(VOH) - Sau gần một tháng làm việc với tinh thần khẩn trương, trách nhiệm, nghiêm túc và hiệu quả, chiều 17/11 Kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa 14 bế mạc.

Quốc hội đã thông qua 07 luật, 13 Nghị quyết và cho ý kiến 04 dự án luật; xem xét các báo cáo về kinh tế - xã hội, tài chính, ngân sách, công tác phòng, chống tham nhũng và nhiều báo cáo khác. Kỳ họp cũng đã dành thời gian để các đại biểu góp ý kiến vào các dự thảo văn kiện trình Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.

Một trong những điểm nhấn đáng chú ý của Kỳ họp thứ 10, chính là những nội dung trong phiên chất vấn và trả lời chất vấn diễn ra trong 2 ngày rưỡi.

Đặc biệt trong phiên chất vấn lần này, Quốc hội không tập trung vào một số Bộ trưởng như các kỳ họp trước, mà chất vấn tất cả lĩnh vực theo tinh thần của Nghị quyết Quốc hội ban hành cho cả nhiệm kỳ và một số nội dung của nhiệm kỳ trước. Do đó gần như tất cả các Bộ trưởng, các thành viên Chính phủ, các Phó Thủ tướng và cả Thủ tướng cũng đều tham gia trả lời.

Các đại biểu quan tâm nhiều đến nguyên nhân gây ra mưa lũ, sạt lở đất ở miền Trung, công tác quản lý không gian mạng, vấn nạn chặt phá rừng, công tác biên soạn sách giáo khoa còn bất cập, vấn đề tự chủ cho các đơn vị sự nghiệp công lập, cùng với giải pháp phòng chống Covid-19 thời gian tới, công tác dự báo và phục hồi kinh tế sau dịch Covid-19 và những năm tiếp theo.

Từng nội dung cụ thể đều được các Bộ trưởng, các Phó Thủ tướng lần lượt trả lời và nhận được sự đánh giá cao của các đại biểu Quốc hội.

Đại biểu Nguyễn Thanh Hiền, đoàn Nghệ An nhận định: “Điều rất đáng ghi nhận là các bộ trưởng, các tư lệnh các lĩnh vực rất quan tâm đến chất vấn, nên nắm rất chắc các vấn đề đã được chất vấn lâu nay. Các đồng chí mạnh dạn đi thẳng vấn đề, trả lời trúng vấn đề đại biểu nêu. Nhiều vấn đề có thể làm rõ và giúp cho đại biểu nhìn nhận một cách đầy đủ….”

đại biểu quốc hội
Các đại biểu nhấn nút biểu quyết Nghị quyết kỳ họp thứ 10.

Nhiều đại biểu cũng đánh giá cao trách nhiệm của các thành viên Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ trong việc thực hiện những lời hứa, cam kết trước Quốc hội, trước cử tri và Nhân dân.

Theo đó, hầu hết các Nghị quyết được Quốc hội ban hành đều được Chính phủ cùng các bộ ngành tiếp thu và triển khai nghiêm túc. Tại kỳ họp lần này, dù các Bộ trưởng, các Phó Thủ tướng phụ trách lĩnh vực đã tham gia trả lời chất vấn của các đại biểu, nhưng đến cuối phiên Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đã giành nhiều thời gian để tiếp thu những ý kiến đóng góp trên tinh thần cầu thị đồng thời thông tin lại những vấn đề mang tính vĩ mô được các đại biểu quan tâm.

“Thủ tướng nghiêm túc tiếp thu các ý kiến của các đại biểu, cử tri cả nước. Tập trung chỉ đạo khắc phục các tồn tại để hoàn thành tốt nhiệm vụ năm 2020 và giai đoạn 2016-2020 và tạo nền tảng vững chắc trong giai đoạn sắp tới. Chính phủ sẽ đánh giá nguyên nhân của các đợt mưa lũ vừa qua để có giải pháp hạn chế thời gian tới” - Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chia sẻ.

Cùng với nhiều đại biểu khác, đại biểu Trương Trọng Nghĩa, đoàn TPHCM cũng cho rằng: “Phát biểu của Thủ tướng đã tổng kết lại, tổng hợp lại thể hiện quyết tâm của Chính Phủ. Tuy rằng Thủ tướng không thể trả lời đầy đủ hết câu hỏi nhưng việc Thủ tướng lắng nghe như vậy thì nhân dân, cử tri và đại biểu sẽ đánh giá cao…”

Cùng với nội dung các phiên chất vấn, kỳ họp cũng đã đánh giá cao sự điều hành kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội của Chính phủ trong suốt nhiệm kỳ 2016-2020, nhất là năm 2020 dù bị ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19 nhưng nước ta vẫn tăng trưởng dương từ 2-3%.

Trong suốt nhiệm kỳ có 15/19 chỉ tiêu đạt và vượt, 4 chỉ tiêu không đạt. Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát và duy trì ở mức thấp, giá cả hàng hóa diễn biến tương đối ổn định. Tốc độ tăng tổng sản phẩm trong nước GDP giai đoạn 2016-2019 đạt khá cao (bình quân 6,8%/năm).

Đại biểu Quốc hội Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam chỉ ra những điểm sáng của kinh tế Việt Nam trong nhiệm kỳ qua: “Điểm sáng đầu tiên là công tác phòng chống tham nhũng có nhiều kết quả tích cực giúp nhà đầu tư có thêm niềm tin, tạo môi trường kinh doanh lành mạnh. Chính phủ phát động thành công 3 đợt cải cách hành chính cắt giảm hàng ngàn thủ tục. Chủ trương xây dựng Chính phủ kiến tạo được đẩy mạnh”.

Trong số 7 luật được thông qua tại Kỳ họp thứ 10 thì Luật Cư trú (sửa đổi) được nhiều đại biểu thảo luận và còn có ý kiến khác nhau. Trong đó hầu hết đều cho rằng cần thiết sửa đổi và ban hành cho phù hợp với tình hình thực tiễn, nhưng có những ý kiến đề nghị nên cân nhắc về thời gian triển khai.

Tuy nhiên, khi trả lời các đại biểu, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm khẳng định tất cả mọi công việc đã và đang thực hiện khẩn trương đúng tiến độ và sẵn sàng triển khai ngay từ 1/7/2021 khi luật có hiệu lực: “Đồng thời với Luật Cư trú, sẽ triển khai Căn cước công dân từ ngày 1/7. Hiện nay thông tin về cơ sở dữ liệu dân cư đã có 90%, chỉ còn 10% phúc tra lại và đưa vào hệ thống máy và dự kiến cuối năm 2020 sẽ hoàn thành. Chúng tôi mạnh dạn và đề nghị thực hiện ngay được”.

Trong Kỳ họp thứ 10, sau 2 buổi thảo luận với nhiều ý kiến và hầu hết các ý kiến đều đồng tình, ngày 16/11 Quốc hội cũng đã chính thức thông qua Nghị quyết triển khai chính quyền đô cho TPHCM.

Nhiều ý kiến đại biểu cho rằng, việc cho phép TPHCM thực hiện tổ chức chính quyền đô thị là giảm ùn tắc về thể chế, khơi thông nguồn lực, làm tăng năng suất cho đầu tàu kinh tế cả nước.

Theo đại biểu Phạm Văn Hòa, đoàn tỉnh Đồng Tháp việc cho phép TPHCM triển khai thực hiện mô hình chính quyền đô thị là một xu thế tất yếu, phù hợp với đặc điểm, tính chất của đô thị đặc biệt và đáp ứng yêu cầu cải cách, phát triển trong thời gian tới.

“Tất nhiên chính quyền đô thị cũng như chính quyền nông thôn cũng là một chính quyền như nhau nhưng phải rạch ròi. Trong điều kiện phát triển kinh tế thị trường hiện nay mà TPHCM - đơn vị đầu tàu gương mẫu cũng như là một đơn vị đóng góp cho ngân sách cả nước lớn nhất - nên tạo mọi điều kiện cho chính quyền đô thị TPHCM phát triển trong thời điểm này và trở về sau là rất kịp thời, rất đúng lúc và hợp lý” - đại biểu Phạm Văn Hòa đánh giá. 

Nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị tại TPHCM gồm 11 Điều, có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2021. Nghị quyết quy định chính quyền đô thị tại TPHCM gồm: Chính quyền địa phương ở Thành phố có Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân.

Ở quận và phường không có Hội đồng nhân dân mà chỉ có Uỷ ban nhân dân. Còn việc tổ chức chính quyền địa phương ở các huyện, thành phố, xã, thị trấn của TPHCM được thực hiện theo quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương.

Trong bài phát biểu bế mạc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, với tinh thần tiếp tục đổi mới tổ chức chính quyền địa phương phù hợp với đặc điểm của khu vực đô thị, nông thôn, Quốc hội đã xem xét, thông qua Nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị tại TPHCM. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng, tạo điều kiện thuận lợi, phát huy tiềm năng, thế mạnh cho sự phát triển mạnh mẽ kinh tế - xã hội, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, điều hành của chính quyền TPHCM trong giai đoạn tới.

Chủ tịch quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân
Chủ tịch quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu bế mạc

Đánh giá chung về kỳ họp Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh: “Kỳ họp đã tiếp tục khẳng định rõ tinh thần đoàn kết dân tộc, nghị lực, quyết tâm cao để đưa đất nước vượt qua giai đoạn khó khăn, nhanh chóng phục hồi kinh tế và phát triển bền vững. Quốc hội đã dành nhiều thời gian để thảo luận về kinh tế - xã hội và ghi nhận, đánh giá cao sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt của Chính phủ, sự nỗ lực của các ngành, các cấp, sự đồng thuận của cộng đồng doanh nghiệp, các tầng lớp Nhân dân trong giai đoạn 5 năm 2016-2020 đạt được nhiều kết quả tích cực, toàn diện trong phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững ổn định chính trị, bảo vệ vững chắc độc lập chủ quyền quốc gia, không ngừng nâng cao vị thế của đất nước trên trường quốc tế”.

Trong Nghị quyết của Kỳ họp thứ 10, Quốc hội giao Chính phủ chỉ đạo đẩy mạnh các giải pháp triển khai có hiệu quả Nghị quyết số 54 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM, nhất là các cơ chế đặc thù về tài chính, ngân sách để phát huy tiềm năng, thế mạnh, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế của Thành phố trong giai đoạn tới, đồng bộ với việc triển khai tổ chức chính quyền đô thị tại Thành phố và bảo đảm hiệu quả quyền giám sát của Nhân dân.

Quốc hội cũng yêu cầu Chính phủ, các cấp, các ngành cần khẩn trương triển khai thực hiện các luật, nghị quyết mới được Quốc hội thông qua theo đúng quy định. Đồng thời chú trọng công tác thông tin, tuyên truyền, vận động Nhân dân tuân thủ đầy đủ các quy định của pháp luật, nghiên cứu, tiếp thu nghiêm túc ý kiến của đại biểu Quốc hội, của cử tri và Nhân dân để có các giải pháp thiết thực, hiệu quả hơn trong thời gian tới.