Ký ức ngày trở về

(VOH) - 45 năm đã trôi qua, 45 năm tiếng nói nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh vang xa.

Khi nhắc lại ký ức buổi phát sóng đầu tiên của Đài Phát thanh Giải phóng những nhà báo - chiến sĩ năm xưa đến nay vẫn đong đầy niềm xúc động, tự hào khi cách mạng miền Nam cất lên tiếng nói chính nghĩa qua một đài phát thanh.

Trò chuyện với ông Phan Thanh Dũng, nguyên là kỹ thuật viên bá âm, giờ là Chủ nhiệm Câu lạc bộ Đài Phát thanh Giải phóng, chúng tôi cảm nhận được sự bồi hồi, xúc động của ông khi nhớ lại câu chuyện được cấp trên điều động về tiếp quản Đài Phát thanh Sài Gòn. Khi ấy, ông đang học lớp bồi dưỡng chính trị và bổ túc văn hóa ở chiến khu Tây Ninh. Một buổi sáng cuối tháng 4/1975, người lên đứng lớp không phải là giáo viên bộ môn như bình thường mà là thầy hiệu trưởng, thầy đến để thông báo tất cả học viên về đơn vị nhận công tác. Kể từ lúc ấy đến khi về cơ quan là Đài Phát thanh Giải phóng, ông không ngừng cảm nhận được một bầu không khí sôi nổi, háo hức như chuẩn bị đón chờ một niềm vui to lớn nào đó. Rồi ông càng rạo rực và vui mừng khi mình sẽ là một trong những người đi trong đợt đầu tiên về tiếp quản trụ sở Đài Phát thanh Sài Gòn. Ông kể về chuyến đi lịch sử ấy được đi đợt đầu về tiếp quản thì vui lắm.

Ông Dương Văn Minh (ngồi, bên phải) đọc tuyên bố đầu hàng tại phòng thu của Đài Phát thanh Sài Gòn vào trưa ngày 30.4.1975.

Ông Dương Văn Minh đọc lời tuyên bố đầu hàng tại Đài phát thanh Sài Gòn vào trưa ngày 30/4/1975. Ảnh tư liệu

“Tôi và một anh nữa được phân công phụ trách một xe tải loại trung, trên đó đã có một máy phát sóng 1Khw. Sau bao nhiêu năm ở trong rừng, chỉ có cán bộ công nhân viên của Đài thôi, nên khi ra tới Củ Chi, rồi về Sài Gòn nhìn cảnh hai bên đường cờ, sao vàng rợp trời thì trong lòng mình phơi phới, không thể nào hình dung cho hết niềm tự hào của mình”, ông Dũng nói.

Hồi tưởng lại những ngày đầu về Sài Gòn, ông Cao Xuân Phách, nguyên Phó Giám đốc Đài, khi ấy là phóng viên, không có mặt trong đoàn tiền phương mà đi cùng người đồng nghiệp. Suốt gần 2 ngày rong ruổi, đến sáng ngày 1/5/1975 ông mới tới Sài Gòn. Gặp đồng đội, đồng chí của Đài Phát thanh Giải phóng nơi Sài Gòn, niềm vui không tả hết. Nhưng ngay sau những phút giây hội ngộ, người phóng viên ngày ấy bắt tay ngay vào công việc, vì ông biết hơn lúc nào hết, Đài đang rất cần có những thông tin quan trọng để báo cho người dân biết đã giải phóng Sài Gòn, rằng tình hình chiến đấu đã ổn định, người dân hãy yên tâm…và ngay thời điểm này, tiếng nói của Đài phát thanh, phát càng nhanh, càng tốt.

Ông Cao Xuân Phách cho biết ngày 2/5/1975 ông và đồng nghiệp đã đi tác nghiệp, thông tin các nơi bắt đầu thành lập chính quyền cách mạng ra sao, thông tin về thành phố, có người bị thương được chăm sóc như thế nào tại các bệnh viện, rồi tình hình trật tự trị an… “Không biết từ lúc nào, nhưng nhà nào cũng treo cờ của mặt trận giải phóng, đi tới đâu cũng có người hăm hở hỏi thăm, ai cũng vui vẻ, cũng mừng được giải phóng, được tự do, nhưng không biết rồi đây làm ăn như thế nào, lúc bấy giờ người ta đã lo đến cuộc sống như vậy!”, ông Phách kể.

Để có được chương trình phát thanh đầu tiên trên cánh sóng của Đài, những chiến sĩ nhà báo ngày ấy phải cũng đối mặt với rất nhiều áp lực, khó khăn. Ông Nguyễn Hữu Phước, phóng viên, vừa là phát thanh viên của Đài Phát thanh Giải phóng chia sẻ, khi vào tiếp quản Đài Phát thanh Sài Gòn thì phải sử dụng kỹ thuật như thế nào, và trong trường hợp cách mạng chưa tiếp thu được Đài Phát thanh Sài Gòn mà cuộc chiến còn kéo dài thì sẽ giải quyết vấn đề phát thanh ở Sài Gòn như thế nào? Tất cả những điều này ban đầu đều là dấu hỏi, nhưng cuối cùng đều được chuẩn bị hết tất cả. “Chuẩn bị phát thanh viên, kỹ thuật viên, chuẩn bị nếu chúng ta vào đây mà tình hình không tốt thì còn có một bộ phận nữa ở ngay tại Sài Gòn phát tiếng nói của chúng ta song song với Đài Sài Gòn…nhiều vấn đề đã được chúng ta giải quyết trong mọi tình huống”, ông Phước cho biết.

Bà Đoàn Thanh Thủy, kỹ thuật bá âm của Đài phát thanh Giải phóng cho biết, ngay trong những ngày đầu, Đài Sài Gòn Giải Phóng đã phát trực tiếp, có những bản tin không thu kịp nên được đọc thẳng trực tiếp trên máy.

Từ lúc tiếng nói của khát vọng được giải phóng thống nhất đất nước phát đi ngay trong vùng bị tạm chiếm, tiếng nói của Đài Phát thanh Giải phóng đã trở thành nguồn cổ vũ tinh thần to lớn cho quân và dân miền Nam, góp phần quan trọng vào thắng lợi chung của dân tộc trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Đến ngày đất nước được thật sự giải phóng, Bắc - Nam sum họp thì tiếng nói Đài Phát thanh Sài Gòn Giải phóng vẫn giữ vững làn sóng, trở thành người bạn tin cậy, nguồn động viên tinh thần lớn lao đối với nhân dân miền Nam. Đến nay, là Đài Tiếng nói nhân dân TPHCM tiếp tục truyền thống quý báu đó đưa cánh sóng vươn cao, vươn xa hơn.

Là một trong những người đi trong đoàn tiền phương về tiếp nhận trụ sở Đài Phát thanh Sài Gòn, ông Võ Văn Khuề, nguyên Phó Giám đốc Đài cảm nhận đầy đủ hết những khó khăn vất vả ngày ấy và cũng hiểu rõ cả một quá trình phấn đấu, khắc phục khó khăn vươn lên. Ông nhắn nhủ với đội ngũ phóng viên, biên tập, kỹ thuật viên ngày nay phải học tập và rèn luyện, phấn đấu học hỏi kỹ thuật mới để tiếp thu, đưa kỹ thuật mới ngày càng phát triển tiến bộ hơn, xứng với tầm vóc nhiệm vụ đặt ra cho mình, có tâm, có tầm và đạo đức trong sáng, làm phóng viên, kỹ thuật viên với tất cả trách nhiệm của mình.

 Ông Nguyễn Hữu Phước và bà Thanh Liêm đọc bản tin trong Đài Phát thanh Giải phóng.

Riêng đối với đội ngũ phát thanh viên, ông Nguyễn Hữu Phước chia sẻ: không phải chỉ có đọc trên giấy mà còn phải đọc toát lên từ suy nghĩ của mình, cho một bản tin hay vấn đề nào đó mà mình muốn chuyển tải. Nếu đạt đến đỉnh cao đó thì đã làm tốt nhiệm vụ, nhất là trong tình hình hiện nay, thế giới đang thay đổi, khoa học kỹ thuật đang thay đổi và tiến trình của phát thanh truyền hình đang thay đổi, làm sao theo kịp được là rất tốt.

Chủ nhiệm Câu lạc bộ Đài phát thanh Giải phóng, ông Phan Thanh Dũng tự hứa với bản thân sẽ thực hiện công tác đền ơn đáp nghĩa bằng cả trái tim với lớp người đi trước của Đài phát thanh Giải phóng: “Tôi sẽ đem hết tấm lòng của mình để chăm sóc và lo thật chu đáo, đền ơn đáp nghĩa đối với những người đã ngã xuống và cả những người còn sống đến hôm nay”.

45 năm Tiếng nói nhân dân TPHCM vang xa, những người làm báo phát thanh của Đài hôm nay càng ý thức, trách nhiệm nhiều hơn với công việc của mình, sẽ tiếp tục truyền thống của cha anh, phát lên tiếng nói của Đảng bộ, Chính quyền và Nhân dân thành phố, cùng xây dựng Thành phố ngày càng văn minh, hiện đại, nghĩa tình.

Nghỉ lễ 30/4 và 1/5, bạn nên làm gì để có những ngày vui chơi ý nghĩa? - (VOH) - Kỳ nghỉ lễ 30/4 và 1/5 năm nay khá đặc biệt khi nhà nhà quay cuồng vì COVID-19. Do đó, thay vì suy nghĩ nên đi chơi ở đâu, thì câu hỏi khiến nhiều người đau đầu lại là “làm gì bớt chán”?