Kỷ vật tháng Tám

(VOH) - 69 năm trôi qua, song ký ức về mùa thu năm 1945 như vẫn còn vẹn nguyên trong lòng mỗi người và được trân trọng lưu giữ tại Bảo tàng Thành phố Hồ Chí Minh. Những kỷ vật, hiện vật quý giá như một minh chứng hùng hồn cho lịch sử đấu tranh của nhân dân Việt Nam nói chung và nhân dân Sài Gòn - Chợ Lớn nói riêng.

Đứng giữa không gian trầm hùng với những hiện vật được lưu giữ trang trọng, sắp xếp khoa học trong gian nhà bảo tàng, người xem như được quay lại với không khí tháng 8 khởi nghĩa giành chính quyền tại Sài Gòn. Nào là gậy gộc, giáo mác do nhân dân tự chế để làm vũ khí khởi nghĩa; là chiếc tù và dùng để tập hợp nhân dân trong các cuộc biểu tình, chiếc kèn đồng của nhân dân xã Thuận Thành (huyện Cần Giuộc) tịch thu của giặc Pháp trong cuộc biểu tình 1930 sau đó dùng để tập hợp Thanh niên Tiền Phong năm 1945; hay như thanh gươm, lưỡi lê do dân ta đoạt được của quân Nhật từ khởi nghĩa năm 1945… nói lên tinh thần chiến đấu kiên cường của đồng bào ta thời bấy giờ.

Càng xem, chúng tôi càng thêm trân quý giá trị lịch sử của các hiện vật, đặc biệt là những tờ báo thời kỳ khởi nghĩa ở Sài Gòn năm 1945 ghi đậm dấu ấn đấu tranh của nhân dân ta. Nét mực in tuy đã phôi phai màu thời gian, song đó là bằng chứng phản ảnh sinh động, chân thật khí thế nhân dân Sài Gòn với gậy gộc, giáo mác đã đứng lên khởi nghĩa giành chính quyền về tay nhân dân. Những hình ảnh giơ cao biểu ngữ “Việt Nam hoàn toàn độc lập”, “Mặt trận Việt Minh muôn năm”, “Độc lập hay là chết”, “Đảng Cộng sản Việt Nam muôn năm”… biểu thị quyết tâm đồng lòng chống giặc, thể hiện khát vọng độc lập của dân tộc Việt Nam.

Chị Đỗ Thị Lan Hương - người có thâm niên thuyết minh tại Bảo tàng Thành phố Hồ Chí Minh hơn 24 năm qua, cho biết: “Lúc nào tôi cũng tâm niệm sâu sắc rằng mình phải tìm hiểu, phải làm sao bài thuyết minh của mình giúp khách tham quan biết được về lịch sử của thành phố chúng ta trong lịch sử chung của dân tộc. Có những dấu mốc hết sức quan trọng, dân tộc chúng ta từ thân phận nô lệ trở thành một đất nước độc lập tự do, được trả lại tên trên bản đồ thế giới. Đặc biệt tại thành phố Hồ Chí Minh, nơi đây Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước, nhân dân thành phố hết sức tự hào trong quá trình lịch sử của mình, đóng góp trong công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc. Trong mỗi bài thuyết minh, tôi đều truyền đến cho khách tham quan, đặc biệt là các bạn học sinh, sinh viên, giới trẻ hiểu và tự hào về thành phố - một thành phố trẻ, năng động, sáng tạo và lúc nào cũng đi đầu trong cả nước, từ trong kháng chiến cho đến trong lao động và trong thời kỳ đổi mới hiện nay”.


Bảo tàng TPHCM - Ảnh: Duongbo.

“Vô đây, thấy cảnh người ta vẽ và những đồ vật trưng bày mình có thể tưởng tượng một phần nào đó về ngày Bác Hồ đọc Bản Tuyên ngôn độc lập hay những bài báo viết về ngày đó. Nói chung, mình có thể hình dung một phần nào về Cách mạng Tháng Tám... Vô bảo tàng mình học hỏi thêm nhiều kiến thức bên ngoài sách vở, cảm thấy tự hào là một người Việt Nam, từ đó yêu nước mình hơn. Mình mong muốn các bạn trẻ ngoài việc xem trên sách báo thì chúng ta hãy đến trực tiếp những bảo tàng để ngắm nhìn những hiện vật trải quan theo từng năm tháng. Đây là một hình thức học sẽ khắc ghi trong đầu, nhớ sâu sắc hơn”. Sinh viên Phạm Thị Ánh – trường Đại học Kinh tế và sinh viên Vũ Thanh Bình - trường Đại học Sư Phạm cho biết.

Làm thế nào để hồn dân tộc luôn sống mãi trong từng kỷ vật, hiện vật, đó chính là điều mà những người làm công tác gìn giữ, bảo quản hiện vật tại bảo tàng đều khắc ghi trong tâm. Chị Lê Hoàng Anh – Phó phòng Kiểm kê bảo quản giấy, đồ dệt, tranh - Bảo tàng TPHCM tâm sự, công việc này đòi hỏi sự tỉ mẫn và sáng tạo để đảm bảo tính chân thực và lâu bền của hiện vật:

“Bản thân mình rất tự hào và hãnh diện khi mà mỗi một hiện vật đều có dấu ấn lịch sử, đều gắn liền với tất cả những ký ức, kỷ vật của những người đã sử dụng nó - có thể là người dân bình thường chứ không phải là những người nổi tiếng. Mình giữ gìn tối đa, vận dụng tất cả kiến thức mình học được để bảo quản. Mình tâm niệm rằng khi những hiện vật được giữ gìn như vậy, các thế hệ sau này muốn nghiên cứu về một thời điểm nào đó trong lịch sử thì qua những hiện vật này, các em sẽ hiểu rõ hơn và sẽ thêm yêu đất nước mình hơn”.

Bằng ngôn ngữ trưng bày tại Bảo tàng TPHCM, tất cả những hiện vật, tài liệu đều mang trong mình dấu ấn lịch sử, minh chứng cho một giai đoạn đấu tranh cách mạng của Sài Gòn – Chợ Lớn hôm qua và của Thành phố Hồ Chi Minh hôm nay. Mỗi kỷ vật về những ngày tháng Tám hào hùng của cuộc cách mạng 69 năm trước đã và sẽ mãi mãi như bài học lịch sử sống động, góp phần hun đúc lòng yêu nước, tinh thần tự lực, tự cường dân tộc, là niềm tự hào cho thế hệ trẻ thành phố và cả nước hôm nay và mai sau.