Làm rõ trách nhiệm các đơn vị làm thất thoát tài sản nhà nước

(VOH) - Quốc hội dành cả ngày để thảo luận về việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp và cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước giai đoạn 2011-2016.

Hôm nay (28/5), Quốc hội dành cả ngày để thảo luận về việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp và cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước giai đoạn 2011-2016.

Sau nhiều ý kiến đề cập đến vấn đề định giá doanh nghiệp sao cho đúng, đại biểu Phạm Quang Dũng – đoàn Nam Định tranh luận, cho rằng, cần hiểu sâu sắc về vấn đề này.

Việc định giá doanh nghiệp rất trừu tượng, không thể nói đúng hay sai mà chỉ là tương đối, xét ở góc độ sát với thị trường ở mức độ nào. Giá doanh nghiệp phụ thuộc rất nhiều vào giá trị đất, tức liên quan đến vị trí, thứ nữa là giá trị thương hiệu.

Theo đại biểu Phạm Quang Dũng, câu chuyện ở đây là định giá doanh nghiệp chưa sát với thị trường thì có bị mất vốn hay không.

(Ảnh minh hoạ: gdla.gov.vn)

Theo ông Phạm Quang Dũng: “Câu chuyện mất vốn ở đây chỉ diễn ra trong quá trình đấu giá, đây là khâu quan trọng, là khâu then chốt. Ví dụ định giá mấy chục nghìn đấu hơn 100 nghìn – vậy để thị trường định giá thì đúng hơn. Nếu yêu cầu định giá phải đúng thì khó, nếu không sát thị trường nhưng không mất vốn thì cũng không sao. Vậy thì then chốt ở đây là khâu tổ chức đấu giá. Tôi thấy cần phải tập trung vào giám sát quy trình đấu giá”.

Các ý kiến đều đồng tình rằng việc định giá đất đai đóng vai trò quan trọng trong định giá doanh nghiệp trong quá trình cổ phần hóa.

Phân tích sâu nguyên nhân làm giá đất thấp gây thất thoát tài sản như hiện nay, Đại biểu Hoàng Văn Cường – đoàn Hà Nội thẳng thắn: “Việc thất thoát tài sản nhà nước liên quan phổ biến đến đất đai, cái này nổi lên trong thời gian qua khi chuyển đất công thành đất tư không thông qua đấu thầu mà chỉ định giá trực tiếp hoặc xác định giá đất khi cổ phần hóa cũng không thực hiện đúng quy định Luật Đất đai mà đang sử dụng chủ yếu bảng giá do Ủy ban nhân dân các tỉnh quy định và điều này làm giá thấp hơn”.

Liên quan đến nội dung này, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho rằng, việc xác định giá đất để xác định giá trị quyền sử dụng đất khi cổ phần hóa doanh nghiệp phải đảm bảo nguyên tắc giá đất là giá đất cụ thể do Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định. Bộ trưởng cũng đồng tình với các ý kiến đại biểu cho rằng cần công bố công khai giá đất trong quá trình xác định giá.

Theo Bộ trưởng Hồng Hà, xác định giá đất chưa phù hợp có nhiều nguyên nhân, trong đó, việc xác định của cơ quan tư vấn, cơ quan quản lý nhà nước, hội đồng xác định giá đất, chưa tính đến quy hoạch, vị trí, lợi thế - nên giá đất không phù hợp cơ chế thị trường.

Luật Đất đai có yêu cầu khi xác định giá đất phải công bố công khai, nhiều đại biểu cũng cho rằng công khai sẽ thấy rõ tính bất hợp lý khi xác định giá đất. Chính việc không công khai minh bạch, mới có chuyện lợi dụng của các nhóm lợi ích, làm thất thoát tài sản nhà nước.

Nghị trường ngày làm việc hôm nay của Quốc hội cũng nóng với các tồn tại, hạn chế trong quản lý sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp. Các đại biểu chỉ rõ, nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng này xuất phát từ công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát đối với doanh nghiệp nhà nước.

Một thực trạng là những người tham gia đấu giá vào những vụ đấu giá tài sản nhà nước thường lặp đi lặp lại, có một nhóm người chuyên tham gia vào những lĩnh vực này. Và trên thực tế, những tổ chức làm tư vấn định giá, tư vấn đấu giá khi lập những dự án sai, định giá sai, thẩm định giá sai, đấu thầu xảy ra tình trạng như trên thì chưa có một tổ chức nào bị xử lý.

Do vậy, các ý kiến cho rằng cần phải có thanh tra, kiểm tra các vụ việc bán tài sản nhà nước và kiểm tra liên quan đến các tổ chức thực hiện chức năng về định giá, thẩm định giá, tổ chức đấu giá để quy trách nhiệm cho những đơn vị đã tiếp tay cho việc làm thất thoát tài sản nhà nước.