Làm thế nào để giải quyết nạn khai thác cát trái phép?

(VOH) - Thực trạng khai thác cát trái phép, còn gọi cát tặc, xảy ra ở hầu hết các địa phương có dòng sông chảy qua. Trong nhiều năm qua, dư luận xã hội lên tiếng và các cơ quan chức năng vào cuộc nhưng hầu hết đều không dẹp bỏ được. Thậm chí xảy ra cả những trường hợp thương vong cho người dân lẫn cán bộ, viên chức cơ quan chức năng đi xử lý cát tặc. Tình trạng dẹp bỏ chỗ này nó chuyển ra chỗ khác là phổ biến.

Khai thác cát (Ảnh minh họa: CafeF)

Nguyên nhân khó dẹp nạn khai thác cát trái phép dễ thấy nhất là có cầu ắt có cung. Cát nói chung được sử dụng chính trong xây dựng và san lấp mặt bằng. Cát xây dựng, với yêu cầu chất lượng tốt nhưng cần số lượng ít hơn nhiều so với cát san lấp. Còn cát san lấp không yêu cầu cao về chất lượng. Hiện các công trình san lấp mặt bằng ở nhiều dự án có nhu cầu không nhỏ. Vì vậy, khó lòng dẹp nạn khai thác cát trái phép.

Nguyên nhân thứ hai, cát là nguồn tài nguyên tự nhiên. Khi mà các đầu nậu khai thác cát lập dự án như nạo vét luồng lạch, tận thu cát... được các địa phương, bộ ngành chấp thuận là lúc cát tặc nổi lên. Tính đến nay, trên phạm vi cả nước hiện có cả trăm dự án như thế. Đặc biệt là, không kể những cát tặc ăn theo mà cả những đơn vị được phép khai thác cũng xé rào. Ban ngày, các tàu hút cát ở giữa sông, đúng vị trí cho phép nhưng mỗi khi đêm xuống, các tàu này lại vào gần bờ hút, móc cát. Hậu quả là nhiều hộ dân mặc dù có giấy chứng nhận quyền sở hữu đất ven sông đến nay sổ còn nhưng vị trí đất đang nằm ở ngoài sông như ở phường Long Phước, quận 9 hoặc ở nhiều địa phương khác...

Vừa qua, Chính phủ đã vào cuộc chỉ đạo các địa phương, bộ ngành phải kiên quyết dẹp bỏ nạn cát tặc lộng hành. Bên cạnh việc thực hiện và tuân thủ những quy định pháp luật, tiêu chuẩn ngành, xem xét phê duyệt các dự án liên quan đến khai thác cát, nạo vét luồng lạch, sông... thì vấn đề cốt lõi để giải quyết tình trạng cát tặc là không cho sử dụng cát để san lấp mặt bằng. Còn đối với cát xây dựng vẫn phải được xem xét để khai thác, sử dụng hợp lý tài nguyên.

Việc cấm sử dụng cát trong san lấp mặt bằng phải được đưa vào tiêu chuẩn của ngành xây dựng. Thế nhưng cấm sử dụng cát thì lấy gì để san lấp. Theo các chuyên gia ngành xây dựng và các nghiên cứu lâu nay, việc san lấp mặt bằng có thể sử dụng đá xây dựng nghiền nhỏ bằng hoặc to hơn chút ít so với kích cỡ của cát. Loại đá mịn này có thể gọi là đá cát. Điều này có thể thực hiện được với giá thành rẻ, sản lượng lớn. Hiện các mỏ đá xây dựng đang có ở hầu hết các địa phương vùng núi. Chỉ cần nhà nước, Chính phủ, các bộ ngành có chủ trương, quyết định và cơ chế để các mỏ đá đầu tư sản xuất đá cát sử dụng cho san lấp là có thể giải quyết căn cơ nạn cát tặc.