Lắng nghe tiếng nói người cao tuổi

(VOH) - Theo nghiên cứu mới đây về lão khoa, 33% người trên 65 tuổi bị suy giảm chức năng, mất khả năng lao động, trong đó có 64% người ở độ tuổi 80 trở lên. Bình quân 15 năm cuối đời, người cao tuổi sống trong ốm đau bệnh tật, mắc cùng lúc từ 2 đến 3 bệnh và cần thời gian điều trị lâu dài.

Cần phát triển chuyên khoa lão trong bệnh viện

Trong khi hệ thống chăm sóc sức khỏe chưa đáp ứng nhu cầu và thiếu dịch vụ tại nhà thì một bất cập khác đang làm “khó” người cao tuổi. Đó là chỉ những cụ trên 80 tuổi mới được ưu tiên khám trước, còn dưới 80 tuổi, khám bảo hiểm y tế cũng phải xếp hàng chờ đợi như bao người khác.

Ông Phương Châm ở quận Tân Bình, bị nhiều bệnh từ tiểu đường, cao huyết áp đến tim mạch, dạ dày nên hàng tháng đều đến bệnh viện. Mỗi lần như vậy cảm thấy vô cùng mệt mỏi: “Bất hợp lý ở chỗ tuổi già, sức yếu chờ khám bảo hiểm ít nhất 2 tiếng và chờ kết quả đến chiều mới về. Sức khỏe già yếu như vậy, chờ đợi 2, 3 tiếng khám chỉ 2, 3 phút ! Trường hợp vào bệnh viện cấp cứu thì tôi mới khám bảo hiểm còn không tôi đi khám tư”. Theo bà Nguyễn Thị Nguyệt ở quận 10, để khỏi đợi lâu,  bà ít khi nào đến bệnh viện lớn : ”Những bệnh viện lớn trừ cấp cứu người ta mới giải quyết, còn khám bình thường cũng phải chờ, các bệnh viện nên thành lập khoa lão thì có lợi hơn”. Bà Tuyết Mai ở quận Bình Thạnh giải thích: “Người cao tuổi thường mắc nhiều bệnh nên muốn khám tập trung ở một khoa lão, không phải đi lại qua nhiều khoa khác”.

Ảnh minh họa - Nguồn: SKTH.

TP.HCM hiện có 10 bệnh viện có chuyên khoa lão trong tổng số 107 bệnh viện. Bác Sĩ Trần Văn Hải, phó giám đốc phụ trách chuyên môn bệnh viện An Bình cho biết, việc thành lập khoa lão là cần thiết vì khoa này cùng lúc có thể chữa được nhiều bệnh, tiện lợi cho các cụ cao niên. Hiện nay, khoa lão của bệnh viện An Bình có khoảng 30 giường với đầy đủ trang thiết bị cần thiết, phòng ốc được thiết kế phù hợp với người già.

Bà Phạm Thị Mỹ Lệ, Phó chi cục trưởng Chi cục dân số - Kế hoạch hóa gia đình thành phố đề nghị : “Không phải ngành y tế mà toàn xã hội phải vào cuộc. Nhà nước cần có chính sách thích ứng với tốc độ già hóa như hiện nay. Phải làm sao có chế độ an sinh xã hội cho người cao tuổi để họ sống vui, sống khỏe. Ngành y tế cũng phải có một chính sách chăm sóc cụ thể  cho người cao tuổi, chẳng hạn khuyến khích bệnh viện công và tư thành lập khoa chuyên về lão khoa”.

Đem chất lượng sống cao đến người cao tuổi

Bà Nguyễn Thị Mười, một cán bộ hưu trí quận Tân Bình cho chúng tôi hiểu hơn về sự quạnh quẽ của người già. Bà có 3 người con và đang sống với gia đình người con út. Hơn một năm nay, từ khi chồng mất, nhiều lúc cả ngày bà chẳng biết nói chuyện với ai. Con cháu đi làm, đi học, đến tối mới về, rồi mỗi người lại có việc riêng hoặc chúi mũi vào thiết bị công nghệ. Sống chung với con cháu nhưng ít khi nào bà có dịp ăn cơm chung với cả gia đình. “Buồn lắm chứ ! Lúc nào cũng có thể chảy nước mắt, rất tủi thân. Bây giờ bạn già, người nào cũng như người đó, hoàn cảnh như vậy biết làm thế nào được…”

Tình trạng như bà Mười không hiếm, thậm chí đang phổ biến. Hầu hết người cao tuổi hết sức thông cảm cho con cháu bởi cuộc sống còn quá nhiều lo toan. Cũng vì vậy, đã có thay đổi cơ bản về quan niệm chăm sóc người lớn tuổi.

Hơn 8 năm nay, Trung tâm dưỡng lão Thị Nghè thành lập mô hình dịch vụ tiếp nhận nuôi dưỡng người già có khả năng đóng phí. Với cách thiết kế không gian thoáng đãng, nhiều cây xanh, Trung tâm dưỡng lão Thị Nghè tạo cho người già có một môi trường sống phù hợp, được chăm sóc sức khỏe và đáp ứng nhu cầu vui chơi giải trí.

Buổi trò chuyện của các cụ già tại Trung tâm dưỡng lão Thị Nghè - Ảnh:SGTT.

Theo ông Nguyễn Tường Khiêm, Phó giám đốc Trung tâm dưỡng lão Thị Nghè, Trung tâm đang chăm sóc hơn 80 cụ theo dạng dịch vụ. “Thân nhân chiều đi làm về tạt vào thăm các cụ. Ở đây thứ bảy, chủ nhật, các cụ được về nhà chơi một hai hôm rồi quay trở lại. Sáng có lực lượng y tế đi một vòng đo huyết áp. Gần đây, các cụ chủ động tìm đến với trung tâm, hướng đến mục đích sống vui sống khỏe”.

Sau thời gian tìm hiểu ở Nhật, Singapore, ông Bùi Anh Trung đầu tư xây dựng trung tâm chăm sóc người cao tuổi Bình Mỹ ở huyện Củ Chi. Qua hai năm hoạt động, đến nay trung tâm có khoảng 80 cụ đang an dưỡng, với mức phí khoảng 8 triệu đồng/tháng. Có những cụ gia đình khó khăn, Ban giám đốc trung tâm giảm chỉ còn từ 2-3 triệu đồng/tháng. Ông Trung cho biết : “Người già cần sự chăm sóc chuyên nghiệp. Chúng tôi luôn cố gắng nâng cao chất lượng, phương thức chăm sóc, điều kiện về cơ sở vật chất, chuyên môn để làm sao cho các cụ hài lòng nhất”.

Người cao tuổi câu cá trong Trung tâm dưỡng lão ở Bình Mỹ - Ảnh: Nhandan.

Cụ Nguyễn Thị Mai ở quận Tân Bình sau khi bị tai biến, không đi lại được, phải ngồi xe lăn. Con cái đi làm, cụ Mai ở nhà với người giúp việc nhưng họ không biết cách chăm sóc. Hơn tháng nay, từ khi vào trung tâm chăm sóc người cao tuổi Bình Mỹ, cụ lại thấy thoài mái và khỏe hơn: “Bác sĩ, nhân viên chăm sóc rất hợp ý. Các cháu có trách nhiệm, lo lắng cho chúng tôi, rửa mặt, đánh răng, mặc quần, tã cho chúng tôi trước khi ngủ. Buổi sáng, các cháu cũng lấy nước lau mình, rửa mặt cho mình. Chúng tôi rất thích, sống ở đây thoải mái”.

Hiện nay, Trung tâm chăm sóc người cao tuổi Bình Mỹ đang xây dựng thêm một khu mới dành cho các cụ còn khỏe mà có nhu cầu vào đây an  dưỡng. Trung tâm dự tính mở thêm câu lạc bộ văn hóa văn nghệ, các lớp kỹ năng vẽ, vi tính, nấu ăn… dành riêng cho các cụ tham gia sinh hoạt.

Trung tâm nuôi dưỡng và chăm sóc người cao tuổi - tuy chưa phổ biến ở Việt Nam nhưng để xã hội có cái nhìn tích cực hơn thì cần nhiều giải pháp xã hội hóa chăm sóc người cao tuổi. Đầu tư xây dựng trung tâm nuôi dưỡng người già chất lượng cao là điều cần bàn đến nhất là khi Việt Nam đang bước vào giai đoạn “già hóa” dân số.