Lãnh đạo doanh nghiệp APEC lạc quan về triển vọng đầu tư tại Việt Nam

(VOH) - Các doanh nghiệp APEC đang gia tăng đầu tư vào khu vực châu Á - Thái Bình Dương và Việt Nam được coi là điểm đến hấp dẫn cho các khoản đầu tư mới.

Đây là nhận định được các quan chức Tập đoàn PricewaterhouseCoopers (PwC) đưa ra trong cuộc họp báo sáng 8/11 tại Trung tâm Báo chí Quốc tế APEC, Đà Nẵng, thông báo Kết quả cuộc Khảo sát Lãnh đạo Doanh nghiệp APEC năm 2017.

PwC đã tiến hành khảo sát hơn 1.400 nhà lãnh đạo doanh nghiệp trong từng nền kinh tế của 21 nền kinh tế APEC trước thềm Hội nghị Thượng đỉnh Doanh nghiệp APEC (APEC CEO Summit) tại Việt Nam.

Lãnh đạo PwC thông tin về kết quả khảo sát với báo chí. 

Đại diện lãnh đạo PwC cho biết, theo cuộc khảo sát, 37% CEO trong khu vực APEC rất lạc quan về tăng trưởng doanh thu trong 12 tháng tới và có tới 63% CEO trong khu vực APEC kỳ vọng có thể mở rộng quy mô hoạt động toàn cầu trong ba năm tới dù vẫn quan ngại về những hạn chế tiềm ẩn đối với việc di chuyển lao động và lưu chuyển hàng hoá.

Điều này thể hiện ở mức độ lạc quan về tăng trưởng doanh thu của các lãnh đạo doanh nghiệp trong 21 nền kinh tế của Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (APEC) đang ở mức cao nhất trong ba năm qua.

50% doanh nghiệp mà PwC khảo sát sẽ tăng các khoản đầu tư toàn cầu (bao gồm cả các nước ngoài khu vực APEC) trong năm 2018. 71% các doanh nhân dự định tăng đầu tư sẽ phân bổ các khoản tăng này vào các nền kinh tế APEC.

Theo khảo sát, những nền kinh tế thu hút đầu tư nội địa lớn nhất sẽ là Việt Nam, Nga, Philippines, Indonesia và Malaysia. Việt Nam, Trung Quốc, Indonesia, Mỹ và Thái Lan là những điểm đến hàng đầu của các lãnh đạo doanh nghiệp APEC khi đầu tư ra nước ngoài.

Ông Bob Moritz, Chủ tịch Toàn cầu của PwC nhận định: "Sự tự tin của các lãnh đạo doanh nghiệp cho thấy họ không chờ đợi môi trường kinh doanh ổn định hơn mới thúc đẩy kế hoạch đầu tư. Trong ngắn hạn thì điều này sẽ thúc đẩy APEC nâng cao ảnh hưởng toàn cầu và đẩy mạnh các thương vụ, khi mà có tới 71% các CEO mong muốn trông cậy nhiều hơn vào các mối quan hệ đối tác kinh doanh/ liên doanh trong tương lai".

Trong khi đó, ông Sridharan Nair, Lãnh đạo Cấp cao Khu vực, PwC Malaysia/Việt Nam lại hết sức đề cao vai trò của các lãnh đạo doanh nghiệp ASEAN: "Khu vực ASEAN có cơ sở vững chắc để mở rộng vị thế hơn nữa nhờ tốc độ tăng trưởng GDP mạnh và ổn định, đạt trung bình 5,2% hàng năm từ năm 2000 đến nay, và dân số trong độ tuổi lao động đông đảo”.

Bà Đinh Thị Quỳnh Vân, Tổng Giám đốc PwC Việt Nam cũng nhấn mạnh đến bức tranh kinh tế hết sức tươi sáng của Việt Nam:

“Mức độ lạc quan của các lãnh đạo doanh nghiệp ở Việt Nam đang ở mức cao. Điều này không có gì ngạc nhiên. Gần một nửa các nhà đầu tư nước ngoài ở Việt Nam (47%) dự định tăng vốn đầu tư vào Việt Nam trong 12 tháng tới. Quan điểm lạc quan có thể được nhìn thấy trong ba yếu tố: nền kinh tế trong nước đang mở rộng, kỳ vọng tăng trưởng mới từ các hiệp định thương mại và các hoạt động xuất khẩu mạnh mẽ hơn, cùng với triển vọng tích cực về đổi mới sáng tạo trong các lĩnh vực tiềm năng”.

Dưới góc nhìn dài hạn, PwC cho rằng Việt Nam sẽ là một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất thế giới với mức tăng trưởng GDP thực tế đạt trung bình 5,2% hàng năm. Đồng thời, Việt Nam đang có những định hướng chính sách thu hút đầu tư rõ ràng. Cũng chính vì vậy, PwC cho rằng Việt Nam sẽ là một trong 20 nền kinh tế lớn nhất thế giới vào năm 2050, vượt qua các nền kinh tế phát triển hơn như Hà Lan năm 2030 và Australia năm 2040.