Lao động chất lượng cao - Lực lượng quan trọng thời hội nhập

(VOH) - TP.HCM với hơn 2 triệu lao động là lực lượng quan trọng góp phần trực tiếp, to lớn vào sự phát triển kinh tế, xã hội thành phố. Đây là lực lượng chủ yếu vận hành, sử dụng các công cụ sản xuất hiện đại, đáp ứng yêu cầu chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế và chương trình hành động của Ban chấp hành Đảng bộ thành phố về “Tiếp tục xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”.

Quá trình công nghiệp hóa - hiện đại hóa đã có tác động tích cực tạo ra sự năng động, sáng tạo, chủ động và nổ lực vươn lên của giai cấp công nhân, trong đó, có sự phấn đấu rèn luyện tích cực của từng công nhân cụ thể. Mỗi cá nhân mỗi đặc thù công việc khác nhau nhưng tất cả đều có một điểm chung là không ngừng học tập để nâng cao trình độ về mọi mặt; cần cù, miệt mài trong lao động; luôn tìm tòi, phát huy sáng kiến, ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ tiến tiến vào sản xuất và triển khai nhiều công nghệ mới phù hợp với điều kiện và ngân sách doanh nghiệp. Anh Lâm Quang Trí, một tấm gương tiêu biểu cho ý chí và nghị lực vươn lên trong cuộc sống, phấn đấu không ngừng trong lao động. Là bộ đội xuất ngũ, sau khi tốt nghiệp xuất sắc ngành điện tử viễn thông năm 2004, anh được nhận vào làm tại công ty Cổ phần đầu tư và phát triển thương mại Viễn Đông. Tuy nhiên, cuộc sống lại bắt anh phải tiếp tục chiến đấu, năm 2005 anh bị tại nạn lao động mất bàn tay trái. Chiến thắng nỗi đau, anh tiếp tục phấn đấu trong lao động sản xuất và học tập. "Xuất phát từ vấn đề mình bị tai nạn do cơ cấu bộ máy thiết kế theo chiều cao người vận hành là của Châu Âu, khi thiết bị nhập về, chiều cao người Việt Nam mình hơi khiêm tốn…Để vận hành được nó thì tôi phải kê bàn bắt lên mới vừa, nhưng như thế thì độ an toàn nó không cao. Trong quá trình chỉnh máy, tôi đã trợt tay té vô hai lô cuốn giấy. Từ đó, tôi rất trăn trở rồi đề nghị tháo luôn nguyên hệ thống bánh răng chuyển động đó, cân đối lại hệ thống lực hút chân không mất tép hơi, rồi gắng thêm một chiếc áp để điều tiết lực hút. Quá trình làm thử đã chứng minh cho anh em thấy và đã yên tâm hơn. Từ đó về sau anh em vận hành thiết bị này cũng thoải mái lắm" - Anh Lâm Quang Trí kể.

Anh Lâm Quang Trí (đứng) hướng dẫn công nhân kiểm tra hoạt động của máy in.

Hiện nay, anh đã tốt nghiệp Thạc sỹ kỹ thuật chuyên ngành tự động hóa, là quản đốc của công ty và trở thành một tấm gương tiêu biểu điển hình với rất nhiều sáng kiến cải tiến máy móc, quy trình sản xuất. Chỉ tính từ năm 2006 đến 2011 anh đã có 6 sáng kiến, giải pháp khoa học kỹ thuật, làm lợi và tiết kiệm cho công ty trên 4 tỷ đồng. Với vai trò là chủ tịch công đoàn cơ sở, anh đã chủ động phối hợp với Ban giám đốc Công ty tổ chức Hội nghị người lao động, xây dựng quy chế dân chủ cơ sở, thông qua đó ký kết thỏa ước lao động với nhiều khoản có lợi hơn cho người lao động.

Với dáng người mảnh mai, gương mặt trẻ trung của người phụ nữ độ tuổi ba mươi nhưng chị Vương Thị Hồng Loan đã là phó phòng Công nghệ sinh học ứng dụng, phụ trách bộ phận sản xuất nuôi cấy mô tế bào thuộc Trung tâm nghiên cứu và phát triển nông nghiệp công nghệ cao. Liên tục từ năm 2007 đến năm 2011, chị đã là chủ nhiệm các đề tài “Xây dựng quy trình và nhân giống in vi-tro các loài lan rừng”. Điển hình là đề tài nghiên cứu khoa học cấp thành phố “Đánh giá hiện trạng, thu thập và nhân giống một số loài lan rừng quý ở khu vực TP.HCM và các vùng phụ cận” do Sở Khoa học và công nghệ chủ trì. Bản thân chị trực tiếp theo dõi, lấy mẫu và áp dụng phương pháp nuôi cấy mô và nhân nhanh một số giống lan rừng đặc hữu. Hoàn thành đề tài, chị đã tuyển chọn và xây dựng được quy trình nhân giống một số loài lan rừng quý hiếm của khu vực Nam Trung Bộ và Tây Nguyên như: thủy tiên trắng, ngọc điểm, quế lan hương, kim điệp, khiết sơn Việt Nam…Từ kết quả trên, Trung tâm nghiên cứu và phát triển nông nghiệp công nghệ cao đã cung cấp trên 1 triệu cây giống hoa lan nuôi cấy mô các loại cho nông dân và các chủ trang trại trên địa bàn thành phố, phục vụ cho sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp đô thị. Việc tạo nguồn mẫu in vi-tro các giống lan rừng không những có ý nghĩa về mặt kinh tế mà còn có ý nghĩa lớn trong công tác bảo tồn nguồn gien các loại lan rừng đang bị khai thác cạn kiệt tại Việt Nam. Chị Vương Thị Hồng Loan nhận định: "Tâm lý bà con mình rất ngại khi trồng các cây nuôi cấy mô. Công việc này ví như là em bé mới sinh, cần phải chăm sóc trong điều kiện đặc biệt, dinh dưỡng thích hợp, nếu không sẽ gây tỷ lệ chết và tỷ lệ bệnh cho cây. Xuất phát từ thực tế đó, tôi và đồng nghiệp cũng tiến hành nghiên cứu cải tiến một số loại môi trường dinh dưỡng, thay thế một số nguyên liệu rẻ tiền mà cây vẫn sinh trưởng và phát triển tốt. Bà con nông dân cũng như một số chủ trang trại có ý định mở vườn lan đặc biệt là nhóm lan obara đã đặt hàng và có phản hồi tốt"

Chị Vương Thị Hồng Loan say mê ươm mầm các loài lan trong phòng thí nghiệm.

Là một trong những công nhân đầu tiên góp phần xây dựng nhà máy sản xuất đồ hộp tại Công ty trách nhiệm hữu hạn Toàn Thắng, niềm đam mê sáng tạo đã đồng hành với anh Đinh Văn Giai suốt 12 năm qua. Có một thực tế trong các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài là việc đề đạt sáng kiến cải tiến kỹ thuật còn gặp nhiều trở ngại do chủ doanh nghiệp chưa tin tưởng hoàn toàn vào những công nhân Việt Nam. Tuy nhiên, dám nghĩ dám làm và thành công là đánh giá chung của những đồng nghiệp và lãnh đạo đơn vị dành cho vị quản đốc nhà máy kiêm chủ tịch công đoàn này. Sáng kiến ghi dấu ấn của anh tại đơn vị đó là những lưỡi dao khui đồ hộp mang thương hiệu Việt Nam và hệ thống giải nhiệt tiết kiệm nước làm lợi cho công ty hơn trăm triệu đồng. Chia sẻ về những cố gắng trong quá trình học hỏi của mình, anh Đinh Văn Giai nói: "Với một doanh nghiệp nước ngoài, công nhân hay làm tăng ca tới 8 giờ tối mới về, tôi tranh thủ thời gian về nhà mua thêm sách, mua thêm băng để mà học, học chữ một, chữ hai rồi gắng học, tranh thủ những lần tiếp cận với kỹ thuật nước ngoài, thông dịch viên…mình học từ thực tế công việc như thế rồi tích lũy kiến thức dần dần".

Đây chỉ là 3 trong số rất nhiều điển hình tiên tiến đã giúp cho phong trào thi đua lao động giỏi, lao động sáng tạo do tổ chức công đoàn phát động lan tỏa trong từng tổ, đội, từng phân xưởng, từng doanh nghiệp. Sự quan tâm, chia sẻ, tạo điều kiện của chính quyền, lãnh đạo doanh nghiệp sẽ là động lực giúp công nhân lao động không ngừng rèn luyện phấn đấu hơn nữa. Ông Trần Thanh Hải, Phó chủ tịch LĐLĐ TP.HCM cho biết: "Trong những năm qua, tổ chức công đoàn đã cố gắng và làm được nhiều việc, nhưng nhận thấy rằng tổ chức công đoàn cần phải tiếp tục nghiên cứu, có những cách thức thích hợp để động viên người lao động vượt quan khó khăn, trước hết là khó khăn trong mỗi công nhân viên chức lao động, hãy nhìn về tương lai của mình để trên cơ sở đó thu xếp thời gian để nỗ lực học tập. Công đoàn cũng phải phối hợp với người sử dụng lao động tạo cơ hội, tạo điều kiện để những người công nhân có hoài bão phát triển nghề nghiệp, tạo ra một đội ngũ công nhân lao động có chất lượng cao, thực hiện một cách có hiệu quả nhiệm vụ phát triển sản xuất kinh doanh".

Kết quả trên một lần nữa khẳng định vai trò quan trọng của giai cấp công nhân, đặc biệt là công nhân lao động chất lượng cao. Đây chính là lực lượng nồng cốt trong sự phát triển bền vững của doanh nghiệp, của đất nước nhất là ở giai đoạn hội nhập kinh tế quốc tế và trong xu hướng tiếp cận công nghệ hiện đại của thế giới.