Lao kháng thuốc tăng vì bệnh nhân bỏ dở điều trị

(VOH) - Vì điều kiện mưu sinh, sống rày đây mai đó, bà Nguyễn Thị Xuân nhiều lần dở dang việc uống thuốc lao tại trạm y tế… Khỏe được thời gian, bệnh lao lại trở nặng, có dấu hiệu kháng thuốc.

Bệnh trở nặng, kháng thuốc vì tự ý bỏ dở điều trị

Hết lần này đến lần khác, tái đi tái lại, giờ đây sức khỏe bà rất yếu vì vi trùng lao kháng thuốc đang tàn phá  cơ thể…Phác đồ điều trị giờ đây cũng không hiệu quả, cầm chừng và nguy cơ tử vong có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Không riêng trường hợp này, thực trạng lao kháng thuốc do tự ý bỏ dở điều trị đang là gánh nặng và nỗi lo cho cộng đồng.

Bệnh nhân lao kháng thuốc tại BV Phạm Ngọc Thạch . Ảnh: TPO

Một trong những lý do khiến bệnh nhân bỏ ngang khi đang điều trị là thấy khỏe không có triệu chứng gì, cứ ngỡ đã hết bệnh và thế là bệnh nhân không quay lại tổ chống lao ở trạm y tế để uống thuốc. Có một thực tế, đại đa số người mắc lao là lao động nghèo, dân nhập cư nặng gánh mưu sinh nên khi thấy khỏe là mừng, vội quay lại công việc để lo trang trải cuộc sống. Từ đây, họ mất dấu không liên lạc tới tổ quản lý lao. Bên cạnh đó, cũng có người uống thuốc vào trong những ngày đầu, phản ứng cơ thể chịu không nổi nên ngán ngẫm không uống tiếp và cũng có bệnh nhân vô tư bia rượu và hậu quả là bệnh tái phát nặng…

Từ câu chuyện của mình, bệnh nhân Nguyễn  - 60 tuổi chia sẻ: "Trong quá trình điều trị, sau 3 tháng xét nghiệm đàm thấy hết vi trùng, từ đó tôi có nhậu, nhậu mà vẫn uống thuốc sau 5 tháng xét nghiệm thì thấy không hết vi trùng, ho ra máu. Lên bệnh viện Phạm Ngọc Thạch, họ nói kháng thuốc".            

Con số thống kê vừa cho biết, Việt Nam đứng thứ 14 trong 27 quốc gia có gánh nặng lao kháng đa thuốc. Cứ 10 người dân thì 1 người mắc lao, và cứ 3 người mắc bệnh lao thì 1 người bị kháng thuốc. Thực trạng bệnh nhân đa kháng thuốc lao đang tăng mạnh trong cộng đồng là mối nguy hiểm vì sẽ lây lan vi trùng lao cho những người khác. Bên cạnh đó  công tác điều trị và phòng chống bệnh lao tại cộng đồng gặp phải khó khăn vì thường mất dấu bệnh nhân vì không biết họ đi đâu, về đâu.

Là một bác sĩ trực tiếp theo dõi điều trị cho bệnh nhân lao tại địa phương, ông Nguyễn Văn Hơm – tổ chống lao Quận 8, bệnh nhân lao bỏ điều trị thì phía sau rất nhiều hệ lụy không những cho bản thân mà còn cho những người thân trong gia đình họ. "Đối với bệnh nhân mắc lao thì nên đến cơ sở điều trị uống thuốc lao khi nào khỏi bệnh thì mới ngưng, đừng có nghe lời người này người kia chỉ thuốc nam, thuốc Tây những loại nằm ngoài chương trình vì sẽ không hết bệnh, còn mầm bệnh đến một lúc nào đón sẽ tái phát cho bệnh nhân. Bản thân bệnh nhân đó sẽ lây lan cho gia đình, cho cộng đồng. Thứ ba bệnh nhân điều trị không đủ, không điều sẽ dẫn đến lao đa kháng thuốc và bệnh nhân này lây cho người khác, người đó cũng bị lao kháng thuốc", ông Hơm nói.

Bác sĩ Trương Văn Vĩnh – bệnh viện Phạm Ngọc Thạch – thành viên chương trình chống lao thành phố lưu ý: Khi bệnh nhân bỏ điều trị nhiều lần thì kháng thuốc sẽ là kết quả tất yếu: "Mới bị lần đầu mà bỏ lần sau quay lại điều trị thì còn có cơ may khi hiện nay có áp dụng phác đồ cho người điều trị bỏ lần đầu, nhưng nếu người này điều trị bỏ dở tái đi tái lại nhiều lần thì nguy cơ kháng thuốc rất cao".

Gánh nặng bệnh lao từ việc bỏ điều trị

Sau khi làm khảo sát 3 năm liên tục, bác sĩ Đặng Minh Sang – Trưởng Phòng chỉ đạo tuyến – Bệnh viện Pham Ngọc Thạch cho biết: Không riêng nhóm tạm trú, mà nhóm bệnh nhân có hộ khẩu thành phố cả hai nhóm đối tượng này tỷ lệ bỏ điều trị ngang nhau: "Hai nhóm tạm trú và có hộ khẩu, tôi nghĩ tạm trú bỏ điều trị nhiều nhưng thực tế khảo sát thì hai nhóm này ngang nhau nên chúng ta phải tuyên truyền làm sao cho họ ý thức điều đó, bệnh nhân đừng bỏ dở điều trị".

Phải nói rằng, tỷ lệ bỏ điều trị càng tăng thì gánh nặng bệnh lao lại càng lớn. Và một nghịch lý thời gian qua theo bác sĩ Nguyễn Huy Dũng – Giám đốc bệnh viện Phạm Ngọc Thạch – chủ nhiệm chương trình phòng chống lao thành phố cho biết, hiện nay, đầu tư cho công tác phòng, chống lao còn rất ít: "Bệnh lao là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm với sức khỏe người mắc bệnh. Nguy cơ lây lan ra cộng đồng lớn, bệnh chữa khỏi nếu phát hiện sớm, chữa đúng phương pháp và thời gian. Lao có nguy cơ xảy ra với tất cả mọi người không loại trừ ai. Đầu tư cho phòng chống lao là đầu tư mang lại hiệu quả kinh tế lớn. Rõ ràng trong bao nhiêu năm qua đầu tư cho HIV rất nhiều mà đầu tư cho lao  - loại bệnh cần thiết nhất nhưng còn rất ít, nhỏ giọt và đang giảm xuống".

Mỗi năm nước ta phát hiện thêm khoảng 130.000 người nhiễm bệnh lao, trong đó khoảng 3.500 người mắc lao đa kháng thuốc với số bệnh nhân lao tử vong mỗi năm lên tới 18.000 người. Khi bị lao đa kháng thuốc, bệnh nhân sẽ phải đối mặt với muôn vàn khó khăn cả về thời gian, chi phí điều trị . Cho nên hiểu biết đúng về bệnh lao nói chung cũng như những tuân thủ cần thiết tránh lao đa kháng thuốc là việc làm rất cần quan tâm. Bệnh nhân lao rất cần sự chung tay giúp sức từ nhiều phía, từ tư vấn viên làm công tác điều trị cho đến chính quyền địa phương các đoàn thể và quan trọng nhất vẫn là người thân trong gia đình. Có như vậy, chúng ta mới  kiểm soát và điều trị dứt điểm cho một bệnh nhân lao, cả cộng đồng khi bớt đi một nguồn lây nhiễm.