Liên Hợp Quốc công bố bộ công cụ về giải quyết các vụ án, vụ việc xâm hại trẻ em

(VOH) - Liên Hợp Quốc công bố bộ công cụ dành cho lực lượng cảnh sát, cán bộ ngành kiểm sát nhân dân về giải quyết các vụ án, vụ việc xâm hại tình dục trẻ em.

Sáng nay 16/1, Cơ quan Phòng chống ma túy và tội phạm của Liên Hợp Quốc (UNODC) phối hợp với Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao vào và Bộ Công an tổ chức công bố bộ công cụ dành cho lực lượng cảnh sát, cán bộ ngành kiểm sát nhân dân về giải quyết các vụ án, vụ việc xâm hại tình dục trẻ em.

 xâm hại trẻ em, Liên Hợp Quốc 

Ông Hoàng Anh Tuyên, Phó Vụ trưởng Vụ pháp chế và Quản lý Khoa học - Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao

Bộ công cụ gồm các tài liệu dành cho lực lượng Cảnh sát với tội phạm xâm hại tình dục trẻ em; Sổ tay Cảnh sát giải quyết vụ án, vụ việc xâm hại tình dục trẻ em; Sổ tay Kiểm sát viên giải quyết vụ án xâm hại tình dục trẻ em, nhằm giúp lực lượng cảnh sát và cán bộ ngành Kiểm sát nhân dân phòng ngừa, phát hiện, điều tra, truy tố và kiểm sát hiệu quả các vụ xâm hại tình dục trẻ em, qua đó bảo vệ tốt hơn quyền và lợi ích hợp pháp của các em. Bộ công cụ sẽ hỗ trợ các cán bộ tư pháp hình sự giải quyết hiệu quả hơn các trường hơp bạo lực với trẻ em nói chung và nâng cao nhận thức cho các điều tra viên và kiểm sát viên về cách thức, kỹ năng giải quyết các vụ án, vụ việc xâm hại tình dục trẻ em nói riêng.

 xâm hại trẻ em, Liên Hợp Quốc 

Trung tá Khổng Ngọc Oanh – Phòng 5, Cục Cảnh sát hình sự - Bộ Công an. 

Trung tá Khổng Ngọc Oanh – Phòng 5, Cục Cảnh sát hình sự - Bộ Công an cho biết: Xuất phát từ tình hình thực tế của tội phạm xâm hại tình dục trẻ em, những khó khăn, rào cản vướng mắc trong quá trình tiếp nhận tin báo tố giác cũng như giải quyết, điều tra các tội phạm xâm hại tình dục trẻ em thời gian qua. Đồng thời, do sự chỉ đạo của Quốc hội, Chính phủ và Bộ Công an - những người hành pháp đã nghiên cứu và đưa ra những kinh nghiệm, kỹ năng nhằm giúp cho cán bộ công an những người trực tiếp làm nhiệm vụ có kiến thức để nhận diện tội phạm, và những người có liên quan:

"Đặc biệt phải tích lũy cho mình những kinh nghiệm vận dụng và chấp hành pháp luật và áp dụng điều tra thân thiện trong quá trình tiếp nhận giải quyết tin báo cũng như điều tra các vụ xâm hại tình dục trẻ em. Có như vậy thì mới mong muốn điều tra có hiệu quả và phải có sự chung tay, đồng hành của các cơ quan tiến hành tố tụng khác cũng như các cơ quan bảo vệ trẻ em. Cơ quan Lao động xã hội, Phụ nữ, Thanh niên, Luật sư trợ giúp pháp lý cùng chung tay với Bộ Công an thì công tác bảo vệ trẻ em phòng ngừa, đấu tranh mới hiệu quả".

 xâm hại trẻ em, Liên Hợp Quốc 

Bà Lương Thị Thuận – Chủ tịch Hội Bảo trợ Trẻ em TPHCM tại hội thảo

Ông Hoàng Anh Tuyên, Phó Vụ trưởng Vụ pháp chế và Quản lý Khoa học - Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao cho biết, 2 cuốn sách này được xây dựng trên cơ sở thực tiễn và kinh nghiệm trong công tác phòng ngừa, tố giác, tin báo điều tra, truy tố các vụ việc, vụ án xâm hại tình dục trẻ em và kinh nghiệm, mô hình tốt của các cơ quan tư pháp các nước trong khu vực và thế giới. Ông Tuyên hy vọng các tài liệu này sẽ góp phần nâng cao nhận thức, tinh thần trách nhiệm, kỹ năng, năng lực cho cán bộ công an, đặc biệt là cán bộ trinh sát, điều tra viên của lực lượng cảnh sát hình sự, điều tra tổng hợp có liên quan đến công tác bảo vệ trẻ em.

 xâm hại trẻ em, Liên Hợp Quốc 

Toàn cảnh hội thảo

Bà Lương Thị Thuận – Chủ tịch Hội Bảo trợ Trẻ em TPHCM cho rằng, với bộ tài liệu giúp một số kỹ năng nhận diện đúng đối tượng, nạn nhân tránh khởi tố không đúng tội danh, hoặc bỏ sót đối tượng: "Là cán bộ xã chúng tôi rất quan tâm các ngành chức năng ngày họ càng có thêm những bộ công cụ, trang thiết bị để tăng cường cho công việc của họ có hiệu quả hơn nhất là làm cho người dân cảm thấy yên tâm hơn khi họ tiếp cận các cơ quan chức năng và họ sẽ được bảo vệ hiệu quả hơn. Trước đây có một số vụ việc cũng chưa được giải quyết đến nơi đến chốn, có những vụ việc khuất nẻo khiến người dân họ cũng có những tâm tư, uất ức".

Bà Nguyễn Nguyệt Minh – Phụ trách Cơ quan Phòng chống ma túy và tội phạm của Liên Hợp Quốc (UNODC) nhìn nhận, trong thực tế nhiều vụ việc do không thu thập được hoặc thu thập không đủ chứng cứ về xâm hại tình dục trẻ em để khởi tố điều tra, xử lý đối tượng dẫn đến việc giải quyết một số vụ việc kéo dài, gây bức xúc trong dư luận xã hội.

Chính vì vậy, hiện nhiều tổ chức quốc tế trong đó có Liên Hợp Quốc đã và đang tích cực hợp tác giải quyết vấn đề này, trong đó tập trung vào tăng cường pháp luật chính sách, nâng cao kiến thức, kỹ năng cho đội ngũ cán bộ; Tăng cường hợp tác song phương, khu vực và quốc tế. Bà Nguyệt Minh hy vọng những công cụ này sẽ được sử dụng triệt để, giúp cho công việc của các cơ quan chức năng dễ dàng hơn, hiệu quả, hiệu lực hơn:

"Chúng tôi hy vọng các chiến sỹ thuộc lực lượng cảnh sát nhân dân kiểm sát viên, coi đây là một cái cẩm nang để có thể tra cứu trả lời được nhiều câu hỏi mà trong quá trình đấu tranh với tội phạm xâm hại tình dục mà họ chưa tìm được câu trả lời ở trong đó và cũng có những cái ví dụ, những trường hợp cụ thể đã xảy ra thì cần phải xử lý như thế nào. Còn đối với các cơ quan bảo vệ trẻ em sẽ tìm thấy trong bộ công cụ này rất nhiều các thông tin hữu ích để làm thế nào nhận diện được tội phạm xâm hại tình dục trẻ em và phối hợp hiệu quả với các cơ quan chức năng trong việc bảo vệ trẻ em".