Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) hướng tới cải thiện chất lượng môi trường, bảo vệ sức khỏe người dân

(VOH) - Sáng 24/10, các đại biểu Quốc hội thảo luận trực tuyến về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi).

Dù đã được lấy ý kiến nhiều lần và thảo luận tại kỳ họp thứ 9, nhưng trong phiên thảo luận sáng nay tiếp tục nhận được nhiều ý kiến của các đại biểu.

Luật Bảo vệ môi trường hướng tới cải thiện chất lượng môi trường, bảo vệ sức khỏe người dân
Luật Bảo vệ môi trường hướng tới cải thiện chất lượng môi trường, bảo vệ sức khỏe người dân. Ảnh: TTXVN

Một trong những nội dung được các đại biểu Quốc hội quan tâm, có ảnh hưởng lớn đến người dân, đặc biệt những nhóm người yếu thế trong xã hội nhưng cho đến nay vẫn chưa thực sự được tiếp thu một cách triệt để trong dự thảo luật, đó là vấn đề “tham vấn cộng đồng nói chung và tham vấn cộng đồng trong các dự án phải thực hiện đánh giá tác động môi trường nói riêng.

Nhiều ý kiến cho rằng công tác tham vấn cộng đồng hiện còn mang tính hình thức, chưa thiết thực và chưa thực sự lắng nghe người dân, bảo vệ quyền lợi người dân. Nếu dự thảo luật không đưa ra được những quy định cụ thể sẽ không giải quyết được vướng mắc này trong thực tiến, nhất là khi nhiều nơi người dân đang phải sống chung với ô nhiễm do hoạt động sản xuất của các nhà máy. Thêm vào đó, đại biểu Trần Văn Lâm, Đoàn tỉnh Bắc Giang kiến nghị luật cũng nên quy định thêm về bảo vệ nguồn nước ngầm: “Chúng ta phải nhìn lại để xác định đúng tầm quan trọng của nguồn nước ngầm. Việc sửa luật lần này là cơ hội để chúng ta làm điều đó. Nếu chưa có sự đầu tư cao hơn thì cũng không dành sự quan tâm ít hơn so với thành phần môi trường khác”.

Dự thảo Luật Bảo vệ môi trường sửa đổi quy định chi tiết nguyên tắc, tiêu chí xác định vùng bảo vệ nghiêm ngặt, vùng hạn chế phát thải phù hợp với mục tiêu quản lý chất lượng môi trường. Luật cũng định hướng đầu tư phát triển trong các vùng này, đồng thời quy định lộ trình di dời cơ sở sản xuất, kinh doanh không phù hợp với mục tiêu quản lý chất lượng môi trường để bảo đảm sự linh hoạt, phù hợp với điều kiện thực tiễn của từng địa phương và yêu cầu bảo vệ môi trường trong từng thời kỳ phát triển. Theo đại biểu Dương Tấn Quân, Đoàn tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu, luật cũng cần quy định hạn chế tối đa các giấy phép con để vừa thuận lợi cho doanh nghiệp, vừa dễ dàng cho việc quản lý: “Chỉ dùng 1 giấy phép môi trường thay thế 7 giấy phép như hiện nay. Việc làm này phù hợp với tinh thần Chính phủ kiến tạo. Quy định này sẽ khắc phục được những bất cập chồng chéo, giảm phiền hà cho doanh nghiệp”.

Theo Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) lần này hướng tới mục tiêu cao nhất là cải thiện chất lượng môi trường, bảo vệ sức khỏe người dân, cân bằng sinh thái, bảo tồn đa dạng sinh học và phát triển kinh tế bền vững. Đồng thời thể chế hóa kịp thời chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước về bảo vệ môi trường một cách tổng thể, toàn diện, đồng bộ và thống nhất, bảo đảm tính hiệu lực, hiệu quả, tạo nên sự thay đổi trong nhận thức, hành vi, ứng xử của người dân với môi trường: “Bộ luật này phải tạo sự đột phá cần thiết. Bộ luật này phải hội nhập về các quy định chính và có tính thống nhất chung trong thực hiện và góp phần quản lý thực chất”.

Nhiều đại biểu đồng tình với việc quy định rõ tiêu chí phân loại dự án đầu tư có tác động đến môi trường, đề nghị phân loại dự án đầu tư thành 4 nhóm gồm có nguy cơ tác động xấu đến môi trường mức độ cao, có nguy cơ, ít có nguy cơ và không có nguy cơ tác động xấu đến môi trường. Về thẩm quyền, thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường, nhiều đại biểu đồng ý giao cho UBND cấp tỉnh phối hợp với các Bộ, cơ quan ngang bộ. Theo đó việc giao UBND cấp tỉnh thẩm định sẽ đảm bảo tính đồng bộ, khách quan trong đánh giá tác động của dự án đến môi trường, kinh tế - xã hội tại chính địa phương đó.

Quốc hội dành thời gian nghe Tờ trình các Dự án luật dự kiến được thông qua tại kỳ họp thứ 10

Đầu giờ chiều nay 24/10, Quốc hội nghe Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm trình bày Tờ trình về dự án Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi). 

Theo đó việc sửa đổi Luật Phòng, chống ma túy lần này phải bảo đảm việc tuân thủ quy định của Hiến pháp năm 2013 và thống nhất với các bộ luật, luật đã được thông qua trong thời gian gần đây liên quan đến việc phòng, chống tội phạm ma túy như Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng hình sự, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính mà Quốc hội chuẩn bị thông qua. Việc sửa đổi luật dựa trên quan điểm phòng và chống nhằm ngăn chặn tận gốc hậu quả có thể phát sinh do tệ nạn ma túy gây nên.

Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh Tình cho rằng tình hình ma túy đang diễn biến rất phức tạp, ngày càng nghiêm trọng, mặc dù Chính phủ và các bộ, ngành địa phương thời gian qua triển khai rất quyết liệt nhưng việc ngăn chặn phòng ngừa vẫn chưa đáp ứng yêu cầu. Do vậy, việc sửa đổi Luật Phòng, chống ma túy thời điểm này là hết sức cần thiết. Tuy nhiên, trong Dự án Luật có một số quy định mới, Ban soạn thảo cần rà soát những quy định này đã đáp ứng thực tiễn hiện nay nhằm đã đảm báo tính đồng bộ thống nhất của Dự án luật với hệ thống pháp luật hiện hành trước khi được thông qua vào cuối kỳ họp này. Cũng trong chiều nay, Quốc hội nghe còn nghe Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể trình bày Tờ trình về dự án Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) và Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ.