Luật Thỏa thuận quốc tế góp phần hiệu quả trong quá trình hội nhập quốc tế

(VOH) - Chiều 22/10, Quốc hội tiếp tục thảo luận trực tuyến về Luật Thỏa thuận quốc tế.

Theo các Đại biểu việc ban hành luật này là cần thiết nhằm khắc phục những bất cập phát sinh trong tình hình mới, đáp ứng nhu cầu ký kết văn bản hợp tác quốc tế ở các cấp.

Dự thảo Luật Thỏa thuận quốc tế gồm 7 chương, 53 điều quy định về thẩm quyền, trình tự, thủ tục ký kết, sửa đổi, bổ sung, gia hạn, chấm dứt hiệu lực, rút khỏi, tạm đình chỉ thực hiện và tổ chức thực hiện thỏa thuận quốc tế. Dự thảo Luật này đã nhận được nhiều ý kiến đóng góp của các đại biểu Quốc hội.

Sau khi tiếp thu ý kiến tại Kỳ họp thứ 9, theo Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Quốc hội Nguyễn Văn Giàu đa số các đại biểu đều cho rằng cần thiết ban hành luật này: “Đa số đại biểu nhất trí cho rằng việc ban hành luật nhằm thể chế hóa quan điểm của Đảng về hội nhập quốc tế. Đáp ứng nhu cầu ký kết quốc tế và góp phần hiệu quả trong quá trình hội nhập quốc tế”.

Luật Thỏa thuận quốc tế, ngày 22 tháng 10 năm 2020

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu điều hành nội dung phiên họp. Ảnh: quochoi.vn

Việc ban hành Luật Thỏa thuận quốc tế là cần thiết nhằm khắc phục những bất cập phát sinh trong tình hình mới, đáp ứng nhu cầu ký kết văn bản hợp tác quốc tế ở các cấp chưa được quy định trong Pháp lệnh như thỏa thuận quốc tế cấp cục, tổng cục, các cơ quan chuyên môn của Ủy ban Nhân dân tỉnh, cơ quan cấp tỉnh của các tổ chức như Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam…

Đại biểu Trần Văn Lâm, Đoàn tỉnh Bắc Giang đánh giá nội dung được đề cập đến, tuy nhiên đề nghị bổ sung thêm 1 số nội dung: “Bổ sung thêm một số cụm từ quy định nguyên tắc về quản lý nhà nước. Trong quy định về lấy ý kiến thì nên bổ sung lấy ý kiến của Bộ Tư pháp và các cơ quan chức năng tư vấn về luật pháp để chặt chẽ hơn”.

Luật Thỏa thuận quốc tế ra đời nhằm hoàn thiện quy định của pháp luật hiện hành về công tác ký kết và thực hiện các văn bản hợp tác quốc tế không phải là điều ước quốc tế, bảo đảm sự thống nhất của hệ thống pháp luật. Luật cũng quy định rõ quyền hạn, trách nhiệm của các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương trong công tác thỏa thuận quốc tế, bảo đảm triển khai và quản lý một cách thống nhất, nâng cao hiệu quả ký kết, thực hiện thỏa thuận quốc tế, tranh thủ nguồn lực bên ngoài, cả về công nghệ, kỹ năng, kinh nghiệm và nguồn vốn của các nước và tổ chức quốc tế phục vụ công cuộc bảo vệ và phát triển đất nước.

Đại biểu Điểu Huỳnh Sang, Đoàn tỉnh Bình Phước cũng đề nghị cần quy định cụ thể về cơ quan quản lý nhà nước trong việc ký kết quốc tế: “Tôi đề nghị ban soạn thảo cân nhắc bên ký kết là UBND cấp tỉnh, cấp thành phố, cấp huyện, xã ở các vùng biên giới. Vì đa số cán bộ phụ trách công tác pháp chế ở các cơ quan này là kiêm nhiệm nên quy định này khó khả thi”.

Nhiều đại biểu cũng cho rằng, cần xác định phạm vi điều chỉnh của Luật này không bao gồm các thỏa thuận quốc tế về cho vay, viện trợ của Việt Nam ra nước ngoài, về nội dung viện trợ phi chính phủ, về nguồn vốn ODA, vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài.