Lương công chức - Chưa phù hợp với giá trị sức lao động

(VOH) -  "Lương công chức chưa phù hợp với giá trị sức lao động” là vấn đề được đề cập nhiều nhất tại hội nghị giao lưu, đối thoại giữa lãnh đạo TPHCM với 124 cán bộ, công chức trẻ.

Buổi giao lưu sáng nay 5/1 giúp cán bộ, công chức trẻ trực tiếp lắng nghe, nắm bắt những chủ trương, chính sách của TP về công tác chăm lo, phát triển thanh niên; là diễn đàn để cán bộ, công chức trẻ bày tỏ nguyện vọng, sáng kiến, hiến kế, kiến nghị, đề xuất liên quan đến việc thực hiện các chủ trương, chính sách phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn TP.

Tại hội nghị, lãnh đạo thành phố đã tiếp nhận hơn 40 ý kiến của cán bộ công chức trẻ về những vấn đề đặt ra: kiến nghị về ứng dụng công nghệ, khoán kinh phí định kỳ để hạn chế được sức người trong những hoạt động vệ sinh đường phố, kênh rạch; Cần có những đánh giá cụ thể về các chương trình đào tạo cán bộ trẻ; cần có chính sách ưu tiên công việc với các thanh niên thực hiện nghĩa vụ quân sự; Vấn đề phân loại rác tại nguồn. Tuy nhiên, nổi bật trên hết vẫn là vấn đề TP có những chính sách gì về mức lương và chính sách đối với cán bộ trẻ có năng lực giỏi để thu hút nhân tài.

Hội nghị giao lưu, đối thoại giữa lãnh đạo TPHCM với 124 cán bộ, công chức trẻ

Hội nghị giao lưu, đối thoại giữa lãnh đạo TPHCM với 124 cán bộ, công chức trẻ.

Đại biểu Lê Thị Hường – Sở Quy hoạch Kiến Trúc TPHCM cho rằng: Lương bình quân của cán bộ công chức chưa phù hợp với giá trị sức lao động, thấp hơn khá nhiều so với thu nhập bình quân của người lao động trong khu vực sản xuất kinh doanh. Tiền lương chưa là động lực để thúc đẩy cán bộ công chức hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ: "Kiến nghị đến các cấp lãnh đạo cuả TP cần có chính sách quan tâm hơn nữa về phát triển nguồn lực trẻ. Về phúc lợi, việc sắp xếp bố trí nhân sự đã phù hợp với trình độ chuyên môn được đào tạo hay chưa? Còn chế độ lương của khu vực công thì thấp hơn so với khu vực tư. Vì vậy mới có tình trạng cán bộ trẻ phấn đấu thời gian rất dài bên khu vực công nhưng họ vẫn chấp nhận ra đi làm việc ở đơn vị tư nhân để có thu nhập cao hơn, chế độ phúc lợi tốt hơn". 

Đồng tình với quan điểm này, đại biểu Nguyễn Trí Minh – Phó Bó thư Quận Đoàn 1 cho rằng: "Chênh lệch giữa khu vực công và tư hiện nay khá lớn. Một người lao động bình thường hiện nay đã là 6 đến 7 triệu đồng/tháng. Trong khi đó, cán bộ trẻ mới công tác từ 2 đến 3 năm thì lương chỉ 2 đến 3 triệu đồng. Tôi nghĩ ngoài việc nâng lương cơ bản cần có phụ cấp thêm sẽ thu hút thêm được nguồn nhân lực. Vì đây là nguồn lực giúp chúng ta thay đổi hoặc phát triển kế hoạch nào đó trong tương lai".

Hiện nay, quan hệ tiền lương của cán bộ công chức vốn đã bình quân, trong quá trình thực hiện càng thể hiện rõ điều này và không so sánh được giữa người làm tốt và chưa tốt. Bởi cơ bản cứ 3 năm lên một bậc lương, thay vì gắn với trình độ chuyên môn nghiệp vụ, vị trí việc làm và chức vụ.

Đại biểu Nguyễn Văn Thành – Phòng tư pháp, Q.10 nêu: cùng tốt nghiệp đại học ra đi làm, người làm khối Nhà nước sau khi cộng tất cả các khoản thì chỉ hơn 3 triệu đồng/tháng trong khi đó, người khác làm khối doanh nghiệp tư nhân là 7 đến 8 triệu đồng: "Một trong những bước đột phá để tiến tới xây dựng kỷ cương, Chính phủ liêm chính, hành động sáng tạo, hiệu quả đó là mức lương trả cho người lao động, cán bộ phải thỏa đáng, phủ hợp với công sức cũng như tác phong làm việc. Khi đó mới hy vọng cái cải cách hành chính của chúng ta mới đi lên được.

Thực tế lương hiện nay so với mặt bằng chung còn thấp. Vậy nên có hiện tượng cán bộ, công chức một số nơi còn chân ngoài, chân trong, làm thêm. Trong khi đó, nếu chúng ta trả lương tương xứng, mục đích là giữ chân được nhân tài, bạn trẻ giỏi thì công tác cải cách hành chính mới phù hợp".

Xung quanh vấn đề này, tại buổi đối thoại, ông Trần Vĩnh Tuyến, Phó chủ tịch UBND TP.HCM, khẳng định: Hiện nay, chúng ta rất may mắn vì ở thời buổi công nghệ, công nghiệp 4.0. Cùng với sự mở cửa đã tạo môi trường thuận lợi cho cán bộ trẻ sáng tạo, nhưng để cải cách nâng cao thu nhập là điều khó khăn: "Hiện nay càng tinh giản bộ máy thì nó lại phình ra thêm. Mà phình ra thì việc tăng lương cho cán bộ, công chức chỉ một hai trăm ngàn thì cả nước đã là vài chục ngàn tỷ/tháng. Đây là điều mà Nhà nước phải nghiên cứu. Vì lương thấp, cộng với một số thành kiến của xã hội đối với việc nhũng nhiễu tiêu cực.

Bài toán đặt ra hiện nay là để đạt được thu nhập cao thì buộc phải tinh giản biên chế, cũng phải đối mặt là sẽ rất nhiều người thất nghiệp. Vì vậy, để tăng thu nhập công chức là bài toán tổng thể của Nhà nước chứ chỉ riêng thành phố cũng không làm được".

Đại biểu đóng góp ý kiến

Ghi nhận những ý kiến đóng góp của đại biểu cùng sự trẻ trung, nhiệt huyết của tuổi trẻ, nhìn thấy triển vọng và sự phát triển trong tương lai của TP là đánh giá nhận xét của Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong. "Tôi muốn nhấn mạnh là tập trung chính sách thu hút phát triển nguồn nhân lực trẻ có chất lượng cao vào làm việc ở các cơ quan Nhà nước và phát huy đội ngũ cán bộ công chức trong độ tuổi thanh niên của TP. Xây dựng và phát huy đội ngũ cán bộ, công chức trẻ của TP, xem đây là nhiệm vụ chính trị lâu dài cho sự phát triển bền vững của TP.

Có giải pháp tạo môi trường tốt nhất cho thanh niên, cho cán bộ trẻ học tập, rèn luyện, phát huy khả năng sáng tạo trong công việc. Có cơ chế thường xuyên trao đổi với CB, CC trẻ để lắng nghe tâm tư, nguyện vọng. Mạnh dạn quy hoạch, bồi dưỡng, đề bạt cán bộ, công chức trẻ có triển vọng phát triển", ông Phong nhận định.

Theo ông Nguyễn Thành Phong, nguồn nhân lực đóng vai trò rất quan trọng đối với quá trình tăng trưởng, đặc biệt là sự phát triển bền vững của nền kinh tế. TPHCM đang rất quan tâm tới vấn đề này, đặc biệt tập trung hướng mạnh vào việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế, xã hội của Thành phố.