Mặn đắng diêm dân

(VOH) - Để hạt muối thành hình, diêm dân phải trải qua nhiều công đoạn vất vả. Một nông dân ra đồng trang muối từ năm 12-13 tuổi cũng phải mất hơn 10 năm để thật sự “lành nghề”. Nhưng xem ra, giờ đây bán được muối còn mặn đắng hơn cả muối hay làm ra muối.

Giá muối đã rớt mạnh so với năm 2009, giảm gấp hai, thậm chí gấp ba lần. Tại Bến Tre năm trước, muối đạt giá từ 70.000 đến 80.000 đồng/ 1 giạ tương đương 40kg muối. Nhưng giá muối hiện chỉ còn 22.000 đến 23.000 đồng/giạ trong khi diện tích muối ở Bến Tre tăng nhanh, đạt trên 1.650 hecta vào đầu năm nay. Điều này khiến 3.800 lao động có nguy cơ thất nghiệp hoặc lâm vào cảnh nợ nần.

Ở tỉnh Ninh Thuận, giá muối diêm dân giảm chỉ còn 1/4, giá muối công nghiệp giảm phân nửa so với năm 2009. Sự tụt giá thê thảm trái ngược với năng suất tính đến giữa tháng 06/2010 của Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Ninh Thuận đã tăng hơn 80.000 tấn so với cùng kỳ.

Ông Nguyễn Quốc Vinh - Chủ nhiệm Hợp tác xã diêm nghiệp Danh Điền ở Bạc Liêu cho biết, do giá muối quá thấp nên nông dân buột phải tìm cách trữ muối chờ giá:

Huyện Đông Hải, tỉnh Bạc Liêu là vùng sản xuất muối trọng điểm của khu vực ĐBSCL. Đối phó với sự bất ổn của thị trường hiện nay, cấp tỉnh và huyện đã triển khai thực hiện hỗ trợ diêm dân trữ muối. Hiện tại, trữ lượng muối của diêm dân Đông hải chiếm từ 80% - 100% tổng sản lượng muối sản xuất.

Tại TPHCM, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho biết giá muối giảm từ 1,2 triệu đồng/tấn xuống còn 600.000-700.000 đồng/tấn, thậm chí có nơi còn 400.000-500.000 đồng/tấn. Huyện Cần Giờ hiện đã thu hoạch gần 98.000 tấn muối, tăng 32.000 tấn so với cùng kỳ năm trước nhưng mới tiêu thụ được khoảng 30.000 tấn muối. Bà Lê Thị Điệp – một diêm dân lâu năm ở Cần Giờ nói:

Mùa khô kéo dài giúp năng suất vụ muối đầu năm 2010 đạt hơn 700.000 tấn, tăng vọt so với cùng kỳ và trở thành một trong những nguyên nhân khiến giá muối sụt giảm.

Khi Bộ Công thương phân hạn ngạch cho các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp nhập khẩu 170.000 tấn muối trên tổng số 260.000 tấn theo kế hoạch của cả năm 2010, thị trường càng trở nên bất ổn. Không chỉ diêm dân hoang mang mà một số doanh nghiệp cũng mất định hướng, nhiều tư thương đã tận dụng thời điểm này để ép giá trục lợi. Ông Đoàn Xuân Hòa - Cục Phó Cục Chế biến nông lâm thủy sản và nghề muối nhận định: “Hiện tại, giá muối trong nước vẫn ở mức thấp, dao động trên dưới 1.000 đồng/kg. Nhập 170.000 tấn muối vào lúc này thì diêm dân sẽ khốn đốn và thất nghiệp tràn lan”. Ông Lê Minh Đấu – Giám đốc công ty muối Đông Hải ở Bạc Liêu cũng tỏ ra lo lắng:

Chủ trương của Bộ Công thương nhập muối phục vụ sản xuất công nghiệp hoàn toàn không sai, nhưng cái thiếu ở đây do thiếu thông tin, không đồng bộ trong quản lý nên dẫn đến kẽ hở cho nhiều tư thương lợi dụng. Ông Nguyễn Tin – Trưởng phòng Muối – Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Ninh Thuận cho biết:

Giá muối trên thị trường thế giới năm 2010 cũng ở mức thấp, muối nhập khẩu trong hạn ngạch vẫn có cơ hội vào thị trường Việt Nam, nhất là muối chế biến nhập khẩu cạnh tranh gay gắt với muối nội địa. Dự báo của ngành nông nghiệp TPHCM, từ nay đến hết mùa vụ, giá muối sẽ tiếp tục giảm.

Trước mắt, Bộ Nông nghiệp – Phát triển Nông thôn trình Thủ tướng Chính phủ cho phép thu mua tạm trữ 200.000 tấn muối để giải quyết khó khăn cho diêm dân, trong đó, thu mua ở phía Nam là 180.000 tấn và phía Bắc 20.000 tấn, giá thu mua đảm bảo cho diêm dân lãi từ 30-40%.

Ông Vũ Huy Hoàng – Bộ trưởng Bộ Công Thương rất ủng hộ chủ trương này. Bộ trưởng cho biết, Bộ Công Thương hiện đang siết chặt việc các doanh nghiệp nhập khẩu đem lượng muối dư bán ra thị trường:

Đánh giá, một cách toàn cục, nguyên nhân của việc rớt giá muối không chỉ do năng suất tăng vọt, bị muối nhập khẩu cạnh tranh mà còn bởi sự tác động của thị trường kinh tế toàn cầu. Sự khó khăn, khốn đốn của diêm dân hiện nay cần được nhà quản lý rút ra bài học nghiêm túc để có thể ứng phó tốt hơn khi có đợt sóng thử thách mới. Cần nhìn nhận vấn đề một cách cụ thể và hành động hợp lý bởi, nếu cứ để tình trạng nhập muối công nghiệp trong khi muối của diêm dân tồn đọng lặp lại thì làm sao lý giải cho dân hiểu ,dân tin!

Lê Nguyễn – Minh Phước