Minh bạch hóa đấu giá tài sản

(VOH) Tiếp tục chương trình làm việc, chiều 09/11, Quốc hội làm việc tại tổ thảo luận về dự án Luật đấu giá tài sản.

Hoạt động đấu giá tài sản còn nhiều tồn tại gây thất thoát cho nhà nước. Ảnh: Tiền Phong

Các đại biểu đề nghị cần làm minh bạch hóa việc đấu giá tài sản để tránh thất thoát cho nhà nước và đẩy nhanh quá trình xử lý nợ xấu. Bên cạnh đó, các đại biểu cũng thảo luận ở tổ về việc triển khai tiếp tục thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại theo Nghị quyết số 36 của Quốc hội.

Các ý kiến cơ bản tán thành đề nghị của Chính phủ về việc trình Quốc hội ban hành Nghị quyết ghi nhận kết quả đạt được và cho kết thúc việc thí điểm để chính thức thực hiện chế định thừa phát lại, đồng thời, giao Chính phủ chuẩn bị dự án Pháp lệnh Thừa phát lại hoặc Luật Thừa phát lại để xem xét đưa vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội khóa XIV.

Trước đó vào buổi sáng, các đại biểu thảo luận về dự thảo Luật tạm giữ, tạm giam. Nội dung được nhiều đại biểu quan tâm góp ý là cần thiết phải có sự độc lập của tổ chức cơ quan tạm giữ, tạm giam với cơ quan hình sự cùng cấp và phải đảm bảo quyền con người, quyền công dân của người bị tạm giữ, tạm giam.

Theo nhiều đại biểu, quyền và nghĩa vụ của người bị tạm giữ, tạm giam hiện nay được quy định ở nhiều văn bản Luật khác nhau và cũng đang có sự sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với quy định của Hiến pháp 2013. Do đó, việc liệt kê tất cả các quyền của người bị tạm giữ, tạm giam được hưởng hoặc bị hạn chế vào dự thảo Luật này là không khả thi, dẫn đến trùng lắp, chồng chéo và cũng không bảo đảm tính linh hoạt khi phải sửa đổi, bổ sung.

Hôm nay 10/11, Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường thông qua Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2016; thảo luận về việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng đất đai tại các nông trường, lâm trường quốc doanh, giai đoạn 2004-2014.

Phiên họp này sẽ được truyền hình và phát thanh trực trên sóng của Đài Truyền hình Việt Nam và Đài Tiếng nói Việt Nam.