Mô hình bác sĩ gia đình – cần giải quyết tốt quyền lợi giữa các bên

(VOH) - Tính đến nay, cả nước đã có 240 phòng khám bác sĩ gia đình, với gần 1000 bác sĩ y học gia đình, con số này còn khá khiêm tốn so với kỳ vọng ban đầu. Sau 2 năm thực hiện thí điểm tại 6 địa phương, mô hình này đã không thu hút được bệnh nhân đến khám chữa bệnh.

Đó là chưa kể 2 địa phương (Hải Phòng và Thái Nguyên) có thành lập đề án bác sĩ gia đình, nhưng chưa triển khai được phòng khám bác sĩ gia đình nào. Những địa phương có phòng thành lập phòng khám, nhưng gần như chẳng có bệnh nhân nào đến khám chữa bệnh như tại Tiền Giang.

Riêng TPHCM, địa phương có 149 phòng khám bác sĩ gia đình, được xem là nhiều nhất nước, nhưng những nơi này cũng chỉ tư vấn, hướng dẫn cách chăm sóc bệnh cho bệnh nhân. Người dân đến khám cũng gặp bất tiện vì các kỹ thuật cận lâm sàng và thuốc thì trạm y tế không có, bệnh nhân phải quay ngược lại bệnh viện tuyến trên.

Đây là những thông tin được đưa ra trong Hội nghị sơ kết đề án thí điểm bác sĩ gia đình giai đoạn 2013-2015 và định hướng giai đoạn 2016-2020. Tuy còn tồn tại nhiều bất cập trong giai đoạn thí điểm, nhưng Bộ Y tế vẫn quyết định nhân rộng và phát triển mô hình này trong thời gian tới theo đề án ban đầu.

Bác sĩ gia đình đến nhà khám bệnh cho người dân - Ảnh: HQO.

Về vấn đề này, phóng viên Đài TNND TPHCM (VOH) đã phỏng vấn PGS.TS Lương Ngọc Khuê  - Cục trưởng cục quản lý khám chữa bệnh – Bộ Y tế:

*VOH: Thời gian qua, phải nói là dù một mô hình Bộ Y tế rất mặn mà nhưng khi triển khai ra thực tế lại chưa được người dân ủng hộ, vẫn còn nhỏ lẻ theo ông thì do đâu?

PGS.TS Lương Ngọc Khuê: Mô hình bác sĩ gia đình chúng ta triển khai ở Việt Nam, bên cạnh đã đạt được một số kết quả ban đầu nhưng như những kết quả của TPHCM thì chúng ta thấy nó chưa đi sâu vào hệ thống y tế cũng như chưa được người dân hiểu biết đầy đủ. Có các nguyên nhân thực tiễn như sau: truyền thông về mô hình này chưa đầy đủ để người dân biết tham gia, hệ thống chưa được rộng khắp-  mới làm thí điểm một số nơi - gặp rối từ các cơ chế như cơ chế thanh toán bảo hiểm y tế, cấp phát thuốc, chế độ chính sách cho cán bộ tham gia vẫn chưa hoàn chỉnh …

Do vậy nên sự tham gia của người dân, sự vào cuộc của các cơ sở y tế, các cấp ủy Đảng - chính quyền thực hiện vẫn chưa đạt mục tiêu.

Vậy nên theo như đồng chí Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng có nói để đạt được hiệu quả thứ nhất phải có sự vào cuộc của các cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp, theo đó ngành y tế là nòng cốt cung cấp các dịch vụ chuyên môn.

*VOH: Điểm mới trong triển khai hệ thống bác sĩ gia đình Bộ Y tế nhắm đến là các phòng mạch tư triển khai bác sĩ gia đình, vì đó cũng là một trong những nơi chăm sóc y tế gần dân, nhưng xem ra vẫn còn lắm nhiêu khê, bác sĩ sợ động chạm đến quyền lợi vì đây là phòng mạch tư nên họ cũng không mặn mà tham gia. Trong bối cảnh như vậy Bộ Y tế làm sao tạo sức hút cho lực lượng này tham gia vào hệ thống khám bác sĩ gia đình thưa ông?

PGS.TS Lương Ngọc Khuê: Chúng ta phải thấy rằng hệ thống bác sĩ gia đình theo chỉ đạo của Chính phủ, của ngành y tế là hệ thống y tế cơ sở, gần dân nhất trong hệ thống khám chữa bệnh. Đây là tuyến ban đầu, là người sàng lọc, chăm sóc, theo dõi đầu tiên ở tuyến y tế cơ sở. Do vậy đề án mở rộng hiện nay chúng ta sẽ gắn bác sĩ gia đình đầu tiên với các trạm y tế xã, phường, các cơ sở y tế công lập hiện nay chúng ta đã hình thành.

Quan điểm trước tiên là chúng ta phải khám chữa bệnh cho người dân, đảm bảo quyền lợi khám chữa bệnh cho người dân qua thẻ bảo hiểm y tế, cho nên trong chiến lược xây dựng bảo hiểm y tế toàn dân và những hoạt động tiến tới cung cấp dịch vụ y tế gần dân nhất thì hệ thống bác sĩ tư nhân chúng ta khuyến khích tham gia vào.

Bác sĩ tư nhân cũng được hưởng quyền lợi công bằng như bác sĩ công, cũng được thanh toán bảo hiểm y tế, cũng được hỗ trợ dự án, cũng được học tập, tham gia vào mạng lưới y tế cơ sở. Người bệnh sẵn sàng lựa chọn khi khám chữa bệnh tại đây nếu tốt hơn và cũng được thanh toán bảo hiểm y tế.

Bác sĩ gia đình đầu tiên phải giúp cho người dân khám chữa bệnh ở tuyến cơ sở bằng bảo hiểm y tế, nhận được sự hỗ trợ của các cơ quan quản lý nhà nước, của ngành y tế. Các bác sĩ tư tham gia vào cùng chia sẻ gánh nặng này, cùng có chất lượng tốt cung cấp cho người bệnh và họ được hưởng tất cả các chính sách công bằng, nhằm giúp cho y tế cơ sở phát triển, người dân tiếp cận dịch vụ y tế bình đẳng ở tuyến gần dân nhất

*VOH: Như ông vừa chia sẻ thì tất cả đều quy về một mối là làm sao khám bảo hiểm y tế phải đảm bảo chất lượng để thu hút người dân tham gia. Để rồi từ đó, chúng ta sẽ xây dựng được một hệ thống liền mạch khám chữa bệnh bảo hiểm y tế đồng bộ từ tuyến TP xuống cơ sở,  khi đó, hệ thống bác sĩ gia đình rất dễ vận hành. Thế nhưng câu chuyện hiện nay là người dân vẫn còn than phiền chất lượng khám chữa bệnh bảo hiểm y tế chưa tốt, nhất là tình trạng thiếu thuốc trong danh mục, thái độ phục vụ bệnh nhân bảo hiểm y tế còn có sự phân biệt. Vậy làm sao giải quyết vấn đề này thưa ông?

PGS.TS Lương Ngọc Khuê: Trong thời gian vừa qua ngành y tế đã có nhiều biện pháp, nhiều cơ sở y tế có sự chuyển biến rất nhiều trong cung cấp dịch vụ từ các bệnh viện thực hiện theo 83 tiêu chí đánh giá, quy trình cải cách khám chữa bệnh, Quyết định 1313, đường dây nóng, thay đổi phong cách, thái độ phục vụ.

Thành phố Hồ Chí Minh cũng là một trong những thành phố hưởng ứng tích cực, tuy nhiên chúng tôi cũng đồng tình với ý kiến nhận xét vẫn còn những nơi chưa làm tốt, chưa làm đầy đủ hướng dẫn, có những nơi chưa đáp ứng sự hài lòng của người bệnh, chúng tôi sẽ cùng các cơ quan quản lý nhà nước, các bệnh viện đưa văn bản chỉ đạo, đưa quy định của Luật khám chữa bệnh, chỉ thị của Thủ tướng, của Bộ trưởng giúp cho hoạt động trong hệ thống đảm bảo yêu cầu, mong đợi của người dân là được phục vụ, được hưởng dịch vụ y tế có chất lượng, cũng như quyền lợi bảo hiểm y tế của người dân được đảm bảo ở các tuyến ngay cả tuyến y tế ban đầu là hệ thống y tế cơ sở bác sĩ gia đình đến hệ thống các bệnh viện tuyến quận, huyện, tuyến TP..

*VOH: Xin cảm ơn ông.