Một ngày ở chiến khu Đ huyền thoại

(VOH) - Di tích lịch sử Chiến khu Đ là căn cứ Trung ương cục miền Nam thời kỳ 1961 - 1962 và là Căn cứ của Khu ủy miền Đông Nam Bộ thời kỳ 1962 - 1967.

Chiến khu Đ là một trong hai căn cứ quan trọng nhất của miền Đông Nam Bộ, thuộc huyện Vĩnh Cửu tỉnh Đồng Nai và giáp ranh với tỉnh Bình Dương.

Với địa hình hiểm trở, Chiến khu Đ trở thành mật khu căn cứ, nơi che dấu lực lượng, dự trữ vũ khí, lương thực và phát triển mọi hoạt động của cách mạng trong hai cuộc kháng chiến chống xâm lược, giải phóng đất nước.

Nhiều anh em đã hy sinh tại "mật khu"

Nguyễn Hoàng Nam, nhân viên khu bảo tồn thiên nhiên văn hóa Đồng Nai cho biết: "Di tích Trung Ương Cục miền Nam là nơi đóng quân của căn cứ Trung ương Cục miền Nam và sau khi Trung ương Cục miền Nam rời đi thì Sư đoàn 9, Quân y viện K72 đóng chân ở đây.

Tại khu vực này có rất nhiều cán bộ chiến sỹ được tiếp nhận và điều trị thương đã hy sinh, thậm chí cách ngày thống nhất vài ngày. Ngày 22/4/1975 có khoảng 60 chiến sỹ đã hy sinh và nằm lại tại nghĩa trang".

Nói về khó khăn khi trị thương cho bộ đội, chiến sỹ tại đây, bà Phạm Thị Ngọc Ánh – nguyên tiểu đội trưởng Y tá Quân Y viện K72 đóng tại chiến khu Đ - kể: "Khi đó thuốc khan hiếm, phải đi đào ổ mối, cây rừng nấu cho bộ đội uống để chữa bệnh sốt rét vì anh em từ miền Bắc tập kết vào miền Nam, vượt Trường Sơn vào bị sốt rét ác tính rất nhiều". 

Chị Nguyễn Thị Thủy – nhân viên thuyết minh Khu bảo tồn thiên nhiên văn hóa Đồng Nai - cho biết, những nữ y tá tại dân Y Viện K72 lúc đó phải tự pha chế ra huyết thanh mặn và ngọt. Đặc biệt, có những chiếc áo thấm hết máu của đồng đội này xong chưa khô thì đã đem thấm máu của đồng đội khác.

"Mình không thống kê được số lượng liệt sỹ đã hy sinh, chỉ biết đó là một con số rất lớn. Có những ngôi mộ chôn tập thể từ 5 đến 10 người. Nhưng với diện tích rừng lớn như thế này, rồi bom xới, cày lên, chúng ta không thể tìm thấy hài cốt của các liệt sĩ hết được". 

Chiến khu Đ được coi như một trung tâm kháng chiến, là nơi ra đời của các lực lượng vũ trang miền Đông Nam Bộ, đã lập nên những chiến công vang dội, góp phần to lớn vào thắng lợi vẻ vang của cả nước trong kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ.

Đoàn Caravan – Báo chí cùng Doanh nghiệp chung tay bảo vệ môi trường đến dâng hoa dâng hương tại đền tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ tại Nghĩa trang Mã Đà, chiến khu Đ.

Còn nhiều ngôi mộ vô danh

Trải qua hai cuộc kháng chiến, diễn biến vùng căn cứ có nhiều thay đổi, nhưng danh từ Chiến khu Đ luôn gắn bó với cán bộ, chiến sĩ và đồng bào vùng chiến khu như máu thịt.

Đối với nhân dân cả nước ngày nay Chiến khu Đ không đơn thuần là một địa danh lịch sử mà là một biểu tượng hào hùng của đất nước Việt Nam, một Việt Bắc của Nam Bộ thành đồng Tổ quốc.

Anh Lại Đắc Phú, một đảng viên trẻ đến dâng hương cho các anh hùng liệt sỹ bày tỏ: "Đây là lần đầu tiên tôi đến chiến khu Đ, chúng tôi học được rất nhiều từ chiến tích hào hùng của cha anh, tạo động lực cho các đảng viên trẻ tiếp bước cha anh và phát huy lịch sử hào hùng của dân tộc và chúng tôi luôn tự hào là người con của miền Đông Nam Bộ".

Nằm dưới những tán lá rừng xanh mướt là Nghĩa trang Liệt sĩ Mã Đà. Hàng trăm ngôi mộ của các liệt sĩ đã sống, chiến đấu và hy sinh tại chiến khu Đ được quy tập về bên nhau.

Trăn trở lớn nhất hiện nay là chỉ có vài ngôi mộ có tên, tuổi, quê quán, còn lại đều vô danh.