Mưa lớn cộng xả lũ, Quảng Nam di dời dân - Thừa Thiên Huế tiếp tục ngập

(VOH) - Tại Quảng Nam, Thừa Thiên Huế nhiều hồ đập đã xả lũ để đảm bảo an toàn hồ đập và đề phòng lũ lớn.

Theo dự báo của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương, từ ngày 20/11 đến 25/11, tại tỉnh Quảng Nam sẽ có mưa to đến rất to, có khả năng xuất hiện đợt lũ lớn, khả năng đạt trên báo động 3.

Vì vậy, lãnh đạo tỉnh Quảng Nam đã chỉ đạo Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh phối hợp với các Nhà máy Thủy điện A Vương, Đăk Mi 4, Sông Bung 4, Sông Tranh 2 xả lũ. 

Các đơn vị quản lý hồ chứa nước tổ chức trực ban, quan trắc đập để kịp thời phát hiện và xử lý các sự cố có thể xảy ra (đặc biệt là các hồ chứa nước có tràn xả sâu Phú Ninh, Việt An, Vĩnh Trinh, Trung Lộc và các hồ đã tích đầy nước)… 

Ảnh minh họa: 24h

Để đảm bảo an toàn cho người dân tại những vùng có nguy có sạt lở đất, lũ ống, lũ quét, huyện Nam Trà My, Bắc Trà My đang tiến hành di dời hàng trăm hộ dân đến nơi an toàn.

Do lượng mưa lớn trên diện rộng, các huyện miền núi như Nam Trà My, Bắc Trà My, Nam Giang, Đông Giang, Tây Giang, Nông Sơn, Phước Sơn, Hiệp Đức, Tiên Phước có nguy cơ xảy ra sạt lở, lũ quét, lũ ống rất cao. 

Nước lũ dâng cao, một số địa phương tại Quảng Nam như Đại Lộc, Nông Sơn, Hội An đã xuất hiện tình trạng ngập lụt, nhiều khu dân cư bị chia cắt cục bộ. 

Do ảnh hưởng của không khí lạnh và không khí lạnh tăng cường kết hợp đới gió Đông trên cao hoạt động mạnh, tỉnh Thừa Thiên-Huế đã có mưa to đến rất to. Cùng với việc một số hồ thủy điện xả nước khiến khoảng 7.070 hộ bị ngập lụt từ 0,2-0,6m. Các tuyến đường tại thành phố Huế bị ngập sâu. Tuyến đường các xã Hương Xuân, Hương Văn, Hương Toàn, Hương Vinh (thị xã Hương Trà) ngập sâu từ 0,2 đến 0,6m. 

Nhiều tuyến đường tại thị trấn Phong Điền, xã Phong Chương, Phong Mỹ, Phong Sơn (huyện Phong Điền) bị ngập sâu từ 0,2 đến 0,7m; các tuyến đường tại các xã Quảng Phước, Quảng Thọ, Quảng An, Quảng Thành, thị trấn Sịa bị ngập sâu từ 0,2 đến 0,8m, giao thông đi lại chủ yếu bằng thuyền. 

Tuyến đường sắt Bắc-Nam bị tắc từ 12 giờ 30 ngày 20/11 đến 21 giờ 30 cùng ngày mới thông đường do đất đá sạt lở, trong đó có tảng đá nặng khoảng 10 tấn chắn ngang đoạn đường ray tại km 758+400 (thuộc địa phận huyện Phú Lộc). Nhiều đoàn tàu nằm lại Ga Lăng Cô và Đà Nẵng. Ngành đường sắt đã huy động lực lượng và phương tiện để xử lý để thông tuyến. 

Tại tỉnh Thừa Thiên-Huế, thống kê ban đầu của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn cho biết mưa lũ làm ông Nguyễn Giỏi (sinh năm 1965, tại thị trấn Phú Lộc) chết do bị lật thuyền.