Mưa lũ gây nhiều thiệt hại cho các tỉnh Tây Nguyên: nhà cửa, cây trồng chìm trong biển nước

(VOH) - Mưa lũ tại Tây Nguyên khiến nhiều nơi tại Đắk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng, Bình Phước...chìm trong biển nước và nhiều thiệt hại về nhà cửa và cây trồng.

Bình Phước

Tình hình mưa lũ trên địa bàn tỉnh Bình Phước tiếp tục diễn biến phức tạp, nhiều căn nhà và diện tích hoa màu bị ảnh hưởng, nhiều người dân bị cô lập trong lũ. 

Tại huyện Bù Đăng có 2 người bị nước lũ cô lập và đã được giải cứu an toàn. Về tài sản, đã có 3 căn nhà cấp 4 bị ngập hoàn toàn trong lũ; 3 ha điều, cà phê của người dân bị nước lũ cuốn trôi; Ước thiệt hại do lũ gây ra đến thời điểm này khoảng 300 triệu đồng. 

Tại huyện Bù Gia Mập mưa lớn kéo dài, gây ra lũ quét cục bộ tại nhiều điểm. Tại cầu Sắt trên quốc lộ 14C đoạn tiếp giáp giữa xã Bù Gia Mập và xã Đắk Ơ bị ngập sâu, gây cản trở lưu thông của các phương tiện; nước cuốn trôi cầu treo suối Đắk Mai, khiến 14 người dân và 4 trẻ em đi rẫy bị mắc kẹt bên kia suối. Chốt trực 37 của Nông lâm trường Đắk Mai cũng bị ngập, cuốn trôi 3 xe máy và 1 chiếc xuồng máy...

Lực lượng cứu nạn cứu hộ nỗ lực di dời các hộ dân bị ngập nước đến nơi an toàn.  

Đắk Lắk

Còn tại tỉnh Đắk Lắk, theo ông Ngô Minh Đức – Chủ tịch UBND xã Quảng Hiệp (huyện Cư M’gar, tỉnh Đắk Lắk) xác nhận, trên địa bàn vừa xảy ra vụ việc một người dân bị nước cuốn trôi dẫn đến tử vong khi lội ra suối trong lúc trời mưa lớn. Nạn nhân được xác định là ông Hoàng Trung Tùng (SN 1959, trú tại thôn Hiệp Kết, xã Quảng Hiệp). 

Theo thông tin ban đầu, gia đình ông Tùng sống cách suối Ea Tul (thuộc xã Quảng Hiệp) khoảng 50m. Vào trưa 7/8, ông Tùng đi dọc theo con suối này thì không may bị trượt chân xuống suối. Thời điểm này, mực nước suối rất lớn, chảy xiết nên ông Tùng bị cuốn trôi.

Báo cáo nhanh tính đến ngày 8/8, trên địa bàn huyện Ea Súp có 614 ngôi nhà bị ngập xảy ra tại 10/10 xã, thị trấn. Có hơn 6.000 ha cây trồng các loại bị ngập, nhiều gia súc, gia cầm bị chết và cuốn trôi, riêng xã Ya Tờ Mốt bị chia cắt do tuyến tỉnh lộ 1 bị ngập sâu đoạn qua cầu Đắk Bùng (hiện tại điểm sâu nhất khoảng 1 m).

Tại huyện Buôn Đôn, mưa lớn gây ngập lụt cục bộ một số điểm gây chia cắt giao thông, có 154 hộ dân bị ảnh hưởng. Tại huyện Cư M’gar, tình trạng cũng tương tự. Ngoài ra, một số địa điểm tại TP Buôn Ma Thuột bị ngập nặng, trong đó nhiều nhà bị ngập nước như đoạn đường Đinh Tiên Hoàng, Nguyễn Văn Cừ...

Gia Lai

Theo Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh Gia Lai cho biết đơn vị này vừa cứu thành công ba người dân bị mắc kẹt trong lũ.

Trước đó, vào chiều 7/8, nhận được tin báo có ba người dân bị mắc kẹt do nước lũ dâng cao, lãnh đạo đồn biên phòng Ia Lốp đã nhanh chóng triển khai công tác cứu người. Một tổ công tác gồm bảy cán bộ, chiến sĩ mang theo áo phao, dây chằng vượt qua suối lũ để tiếp cận hiện trường.

Sau vài giờ, tổ công tác đã giải cứu thành công và đưa ba người dân gồm các anh Nguyễn Hữu Hải (quê Quảng Ngãi), Đỗ Ngọc Chuyền (quê Hải Dương), Thái Thành Tâm (quê Đắk Lắk) về nơi an toàn.

Lâm Đồng: Giải cứu thành công 41 người bị nước lũ bao vây tại Lâm Đồng

Do ảnh hưởng của trận mưa lớn kéo dài suốt đêm, rạng sáng ngày 8/8, lũ đột ngột tràn về cuốn trôi cây cầy bê tông bắt qua suối Đạ Nghịt (xã Lát, huyện Lạc Dương, Lâm Đồng) khiến 41 người bị kẹt lại tại khu vực sản xuất nông nghiệp.

Cảnh sát PCCC-CNCH Công an tỉnh Lâm Đồng đã đưa ca nô vào để ứng cứu những người bị mắc kẹt nhưng không thành công vì nước dâng cao và chảy xiết.

Lo sợ tình hình có thể diễn biến xấu bởi trời vẫn mưa không ngớt, lũ mỗi lúc một dâng cao hơn, trong khi đó, bên kia bờ suối nước lũ đã dâng lên sát nhà kính trồng rau hoa công nghệ cao và dãy nhà ở của các nhân công, đe dọa trực tiếp đến 41 người (trong đó có khoảng 7 trẻ em, 5 phụ nữ). Đây chủ yếu là những người làm công cho chủ trang trại nhà kính. Họ làm việc và ở lại trong khu nhà ngay tại trang trại. Khi dòng nước tràn về đã biến trang trại nhà kính thành “ốc đảo” bị nước lũ vây quanh. Nước dâng cao và chảy xiết lực lượng cứu hộ phải chọn giải pháp bắt cáp ngang suối.

Nam giới được mặc áo phao, đeo dây an toàn rồi bám vào ròng rọc trên dây cáp để được kéo qua suối. Phụ nữ và trẻ em cũng được mặc áo phao, cho vào giỏ sắt với nhiều đai bảo hộ và cũng được kéo qua suối trên hệ thống cáp “dã chiến” này.

Đến khoảng 13 giờ 30, người cuối cùng được đưa vào bờ an toàn, công tác cứu hộ hoàn thành. Trung tá Đoàn Mạnh Toàn, Phó Trưởng phòng Cảnh sát phòng chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ (Công an tỉnh Lâm Đồng) nhận định, mặc dù đã thử đưa xuồng cứu sinh xuống nhưng bị nước lũ cuốn phăng. Bởi vậy, việc lựa chọn cho từng người đu dây để kéo qua suối là phương án mà lực lượng cứu hộ cho là khả thi nhất khi đánh giá hiện trường với dòng nước lũ chảy rất xiết bao quanh khu vực nhà kính và nhà ở của nhóm công nhân.

Theo ông Sử Thanh Hoài, Chủ tịch UBND huyện Lạc Dương, ngoài 41 người nói trên, lực lượng cứu hộ còn giải cứu thành công 45 người khác bị lũ “vây” ở khu vực gần cầu treo, tổ dân phố Đan Kia (thị trấn Lạc Dương).

Huyện huy động hơn 100 cán bộ, công chức, công an, quân đội phối hợp với Cảnh sát PCCC-CNCH Công an tỉnh triển khai công tác giải cứu những người bị lũ quét cô lập; đồng thời đưa những người có nhà bị sập, bị đất vùi lấp sang nơi cư trú an toàn; hỗ trợ lương thực và các nhu yếu phẩm khác để các hộ gặp nạn không bị đói rét.

Theo thống kê sơ bộ của huyện Lạc Dương, đợt lũ này gây thiệt hại hơn 87 tỷ đồng, trong đó thiệt hại nặng nhất là các cơ sở nuôi cá nước lạnh; kế đến là lĩnh vực sản xuất nông nghiệp với cả trăm héc ta nhà kính trồng rau, hoa bị ảnh hưởng. Hệ thống đường giao thông, cầu cống cũng bị thiệt hại nặng. Nhiều ngôi nhà bị sập, đất đá vùi lấp, cuốn trôi; hàng chục căn nhà khác bị ngập.

Trong khi đó, ở tỉnh Đắk Nông, công trình hồ thủy điện Đắk Kar, xã Phú Sơn, huyện Đắk R’Lấp (đang thi công) có dung tích 13 triệu m3 bị sự cố kẹt cửa van và hiện nước đã tràn qua đập gây sạt lở chân đập và có nguy cơ cao xảy ra vỡ đập. Theo Ban chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Đắk Nông, sự cố này là do ảnh hưởng của mưa lũ. Nếu đập bị vỡ sẽ đe dọa nghiêm trọng an toàn dân cư khu vực hạ du thuộc các tỉnh Đắk Nông, Bình Phước, Lâm Đồng.
Để đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của nhân dân, Ban chỉ đạo trung ương về phòng chống thiên tai vừa có công điện khẩn gửi các tỉnh Đắk Nông, Bình Phước, Lâm Đồng, Bộ Công thương, Ủy ban quốc gia về ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, yêu cầu khẩn trương tổ chức thông tin về sự cố đập đến các cấp chính quyền và người dân, tổ chức di dời khẩn cấp dân cư ra khỏi khu vực có nguy cơ chịu ảnh hưởng. Chỉ đạo chủ đập và các cơ quan chức năng bằng mọi biện pháp hạ thấp mực nước để tránh xảy ra tình huống vỡ đập đột ngột và sẵn sàng lực lượng, phương tiện để triển khai ứng cứu khi có tình huống xảy ra.