Mưa lũ sau bão số 2 gây nhiều thiệt hại cho các tỉnh miền núi phía bắc

(VOH - Do ảnh hưởng của hoàn lưu cơn bão số 2, mưa gây sạt lở, lũ lớn đã xảy ra ở một số tỉnh miền núi phía Bắc. Đợt lũ này đã gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản đối với bà con các tỉnh như Lạng Sơn, Lai Châu, Cao Bằng, Hà Giang, Bắc Cạn,…. Một số địa phương đã bị nước lũ cô lập. 8 tỉnh, thành phố phía bắc bị mất điện do cơn bão số 2.
Nhiều khu dân cư thành phố Lạng Sơn chìm trong biển nước sau cơn bão số 2. (Ảnh: Trung tâm KTTV Lạng Sơn)

Theo thống kê, tính đến tối qua (21/7), cơn bão số 2 gây lũ lớn ở các tỉnh miền núi phía bắc đã làm 19 người chết, hàng ngàn ngôi nhà bị ngập và hư hại, hàng trăm nghìn hécta lúa, hoa màu... bị đổ ngã và hư hỏng, nhiều tuyến đường bị sạt lở đất gây ách tắc giao thông nhiều giờ liền. Tại tỉnh Hà Giang, theo báo cáo của Văn phòng ban chỉ huy phòng chống lụt bão tỉnh, đến thời điểm này, mưa lớn đã làm 7 người chết, 2 ngôi nhà bị sập đổ hoàn toàn, gần 500 hécta lúa, hoa màu và cây công nghiệp bị ngập úng. Nhiều tuyến quốc lộ, tỉnh lộ bị sạt lở nghiêm trọng. Các đơn vị, lực lượng vũ trang của xã, huyện và tỉnh đã đến ứng cứu người và tài sản cho nhân dân. Tỉnh cũng đã cử lực lượng phòng cháy chữa cháy xuống ứng cứu... Ông Triệu Tài Vinh, Bí thư tỉnh ủy Tỉnh Hà Giang cho biết:



Còn tại tỉnh Lai Châu, mưa lớn kéo dài dẫn đến nhiều tuyến đường trên địa bàn tỉnh cũng bị sạt lở nghiêm trọng, gây ách tắc giao thông, làm nhiều địa phương bị cô lập. Ông Lê Trọng Quảng, Phó chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu cho biết thêm các biện pháp khắc phục:



Theo thống kê, tỉnh Lạng Sơn vẫn còn khoảng 6.000 ngôi nhà bị ngập; trên 2.000 hécta lúa bị ngập và cuốn trôi. Nhiều cánh đồng canh tác có đến hàng nghìn hécta hoa màu bị nước lũ cuốn trôi, nhấn chìm làm ngập úng, thối rữa và nhiều khả năng mất trắng. Các tuyến quốc lộ 1B, 4A, 4B, 279 và một số tuyến tỉnh lộ bị chia cắt giao thông ở nhiều đoạn do ngập úng và sạt lở với khối lượng sạt lở khoảng 32.500 mét khối đất đá. Đến cuối giờ chiều cùng ngày, trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn có 5 người chết và một người hiện vẫn đang mất tích. Về công tác khắc phục với mưa lũ, ông Vy Văn Thành, Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn nói:



Theo nhận định thì hiện nay, mưa ở các tỉnh miền núi phía Bắc có giảm nhưng không đều. Lũ một số sông lên nhanh như sông Chảy, Sông Lô, sông Thao,… đều vượt mức báo động. Dự báo, sáng nay (22/7), mực nước sông Chảy tại Bảo Yên sẽ còn trên báo động 2 là 1 mét. Các địa phương cần tiếp tục tập trung đề phòng lũ quét, lũ ống và sạt lở đất có khả năng xảy ra ở các tỉnh vùng núi Tây Bắc.


*Thời tiết nguy hiểm trên biển, đất liền nắng ít, trời mát

Theo Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, hiện nay, do tác động của cơn bão mạnh có tên quốc tế là Matmo (cơn bão thứ 10 trên tây bắc Thái Bình Dương, di chuyển về phía Đài Loan và Trung Quốc), tạo điều kiện cho gió mùa Tây Nam sẽ mạnh trở lại. Chính gió mùa Tây Nam hoạt động mạnh sẽ ảnh hưởng đến thời tiết vùng biển khu vực giữa và Nam Biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Trường Sa), vùng biển từ Ninh Thuận đến Cà Mau.

Theo nhận định, vùng biển này sẽ có mưa rào và rải rác có dông, gió Tây Nam mạnh cấp 6, giật cấp 7; biển động; trong cơn dông cần đề phòng có lốc xoáy và gió giật mạnh. Vùng biển từ Cà Mau - Kiên Giang và vịnh Thái Lan có mưa rào và dông rải rác; trong cơn dông cần đề phòng có lốc xoáy và gió giật mạnh. Trong khi đó, khu vực miền Trung thời tiết thuận lợi và khá mát mẻ cho khách du lịch dịp hè do không còn nắng nóng với nhiệt độ cao nhất từ 33-35 độ C. Thời tiết đất liền ở khu vực Nam bộ sẽ có nắng nhiều hơn vào buổi sáng, mưa tập trung về chiều tối và xu hướng giảm cả về diện và lượng, mưa vừa tập trung ở bắc miền Đông và vùng ven biển.