Mùa mưa này rau mầm sẽ xanh thắm Trường Sa

(VOH) - Mong muốn ứng dụng các đề tài nghiên cứu của sinh viên vào thực tế, Ban Cán sự Đoàn Đại học Quốc Gia Tp.HCM đã nảy ra ý tưởng mang mô hình trồng rau bằng phương pháp khí canh đến với Trường Sa để các chiến sĩ có thêm nguồn rau xanh vào mùa nắng. Nói là làm, Ban Cán sự Đoàn đã đi khảo sát thực tế tại các đảo chìm ở quần đảo Trường Sa. Thế nhưng từ chuyến đi, đoàn khảo sát đã khám phá ra 1 thực tế không giống với hình dung ban đầu, không phải mùa nắng mà mùa mưa mới là mùa các chiến sĩ nơi hải đảo thiếu rau xanh. Lý do đơn giản là vào mùa mưa, với diện tích khiêm tốn của các đảo chìm, những đợt gió, những cơn bão giữa biển khơi dễ dàng phá hủy cả vườn rau của các anh.
Không bỏ cuộc, Ban Cán sự Đoàn Đại học Quốc Gia đã linh động chuyển sang nghiên cứu thiết kế mô hình trồng rau đảm bảo vượt qua mùa mưa ở hải đảo. Thế là bắt đầu 1 công trình nghiên cứu mới với sự tham gia nhiệt tình của đội ngũ đoàn viên là giảng viên, sinh viên Đại học Quốc gia và cả những cộng tác viên đến từ trường Phổ Thông Năng Khiếu.
Phóng thí nghiệm trồng rau bằng phương pháp khí canh của Ban Cán sự Đoàn Đại học Quốc Gia Tp.HCM (ảnh: ĐHQG)

Chiều đầu tuần, chúng tôi ghé thăm nhà lưới nằm trong khuôn viên trường ĐH Khoa Học Tự Nhiên Tp.HCM, nơi thiết kế, thử nghiệm công trình. Những khung kệ bằng sắt được kê ngay ngắn, gọn gàng, tận dụng một cách tối ưu khuôn viên chỉ 15 mét vuông của nhà lưới. Mỗi kệ được bao bọc, che chắn xung quanh và có từ 3 đến 4 tầng, với kích thước bề dài 1 mét 2, bề ngang khoảng 30cm. Mỗi tầng kệ được trang bị 1 bóng đèn dài loại 1 mét 2 và 1 máng chứa giá thể. Bóng đèn là nguồn sáng nuôi cây, còn các giá thể được thử nghiệm bao gồm cát, xơ dừa, và cả loại mút xốp thường dùng để lau bảng,... Mô hình trồng rau thoạt nhìn rất đơn giản, nhưng trò chuyện với những người thực hiện công trình, chúng tôi mới biết để có được mô hình đơn giản như thế mà vẫn đảm bảo cho cây phát triển tốt, đội ngũ thực hiện khoảng chục người đã phải nỗ lực ròng rã 1 năm trời, thí nghiệm qua nhiều trường hợp và không ít lần thất bại. Anh Phạm Tấn Trường - cán bộ trẻ bộ Khoa Sinh Trường Đại học Khoa học tự nhiên - là người phụ trách việc tổ chức, thực hiện công trình cho biết nhóm đã thử nghiệm nhiều phương pháp trồng cũng như nhiều loại rau khác nhau. Với những cây rau lớn, cần 1 lượng ánh sáng có khi đến 10 bóng đèn để cây phát triển. Nhưng với lượng lớn bóng đèn, mô hình lại cồng kềnh và hơn hết, lại tốn nhiều điện năng, nguồn năng lượng vốn khan hiếm ở nơi hải đảo xa xôi. Thế là lần lượt, nhiều giống cây, nhiều cường độ chiếu sáng khác nhau được đưa ra thử nghiệm nhằm tìm được mô hình tối ưu nhất. Đã có lúc gặp nấm bệnh, cây chết hàng loạt, công trình tưởng chừng phải bắt đầu lại từ đầu, nhưng bằng sức trẻ và tri thức của tuổi trẻ Đại học Quốc gia, những nhà khoa học tương lai với sự giúp sức của các thầy cô không hề nản chí. Anh Phạm Tấn Trường chia sẻ về lịch làm việc của nhóm thực hiện đề tài:





Trong quá trình thực hiện công trình này, Ban cán sự Đoàn Đại học Quốc Gia Tp đã nhận được sự hỗ trợ hết mình từ chuyên môn đến điều kiện cơ sở vật chất của từ các thầy cô trong hệ thống Đại học Quốc Gia. PGS.TS Võ Thị Bạch Mai - Khoa Sinh, Trường Đại học Khoa học tự nhiên đã theo sát các bạn trẻ từ những ngày đầu thực hiện công trình. Cô là cố vấn chuyên môn đồng thời cũng là mạnh thường quân hỗ trợ về vật chất cho nhóm. Tâm sự với cô, chúng tôi hiểu trong ánh mắt của những người đi trước, công trình mà các bạn trẻ đang làm không chỉ là 1 công trình ứng dụng kiến thức vào cuộc sống hết sức bổ ích mà còn là món quà vô cùng ý nghĩa mà tuổi trẻ Đại học Quốc gia Tp dành tặng cho biển đảo quê hương. Sự hỗ trợ của các thầy cô là mái chèo giúp công trình đi đúng hướng, cũng thông qua việc hỗ trợ đó, thầy và trò thêm gần nhau hơn. PGS.TS Võ Thị Bạch Mai trìu mến nói:




Nhìn những mầm xanh đang lách qua giá thể, vươn mình với 1 sức sống mãnh liệt, chúng tôi như thấy chính hình ảnh của những chiến sĩ hải quân đang chắc tay súng nơi đầu sóng ngọn gió. Nhìn chúng tôi với ánh mắt đồng cảm, các thành viên trong nhóm thực hiện đề tài chia sẻ: chỉ cần ngắm những mầm xanh đang lớn lên từng ngày và nghĩ về ý nghĩa của công trình thôi cũng đã là 1 động lực rất lớn để tập thể đòan viên Đại học Quốc gia quên đi cái nắng oi bức của tiết trời Tp, quên cả mệt nhọc sau 1 ngày học tập và làm việc, cùng nhau quyết tâm hoàn thành công trình kịp ngày mang ra Trường Sa.


Tháng 4 vừa rồi, cơn bão số 1 ghé qua Tp, vậy mà vườn rau thử nghiệm cũng chẳng hề hấn gì. Đợt nghỉ lễ 30/4 nghỉ đến 4 ngày, những bóng đèn trong nhà lưới cũng phải tắt vì lý do an toàn, ai cũng lo không biết cây có sống nổi không, vậy mà những mầm cây vẫn phát triển tươi tốt. Đây là dấu hiệu khả quan, chứng tỏ mô hình có thể vượt qua những điều kiện rất khắc nghiệt. Nhóm thực hiện cũng như Ban Cán sự Đoàn Đại học Quốc gia hết sức vui mừng, đặc biệt khi ngày công trình được mang ra thử nghiệm ở Trường Sa đã gần kề.


Theo kết quả mà chúng tôi quan sát được thì diện tích được chiếu sáng bằng 1 bóng đèn dài sẽ thu hoạch khoảng 2kg rau sau khoảng 10 ngày gieo hạt. Trao đổi với chúng tôi, anh Phạm Thanh Sơn - Bí thư Ban Cán sự Đoàn Đại học Quốc Gia Tp Hồ Chí Minh cho biết công trình hướng tới mục tiêu tự chủ nguồn hạt giống tại chỗ. Tức trong mùa nắng không chỉ thu hoạch rau mà còn thu hoạch hạt giống để gieo trồng trong mùa mưa. Chia sẻ về hướng mở rộng công trình để mọi đoàn viên đều có cơ hội chung tay đóng góp , anh Phạm Thanh Sơn chia sẻ:




" Mùa mưa này rau mầm sẽ xanh thắm Trường Sa", nhóm thực hiện công trình thanh niên đặt mục tiêu đến tháng 9 sẽ nhân rộng mô hình ra nhiều đảo khác dưới sự góp sức của hơn 50.000 đoàn viên, sinh viên thuộc Đại học quốc gia Tp.HCM. Vui cùng niềm vui của các bạn, chúng tôi tin rằng với công trình thiết thực này, tuổi trẻ Đại học Quốc gia Tp đang làm nên dấu ấn cho riêng mình khi song hành cùng tuổi trẻ cả nước hướng về biển đảo yêu thương./.