“Năm 2018, TPHCM có thể giải quyết được ùn tắc giao thông”

(VOH) - TPHCM là đô thị phát triển, hiện đại hàng đầu cả nước nhưng luôn tạo ra sự lo ngại về vấn nạn giao thông. Sự trao đổi hàng hóa và lượng người nhập cư ngày càng đông đã tạo ra áp lực lớn cho giao thông TPHCM, dẫn đến các vụ ùn xe kéo dài, nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông luôn rất cao. Trong khi đó, phương tiện giao thông bùng nổ đã khiến hạ tầng giao thông tại TP trở thành một “chiếc áo” chật. Xác định được “điểm nghẽn” này, gần đây trong qui hoạch phát triển TPHCM đã cải tạo, nâng cấp, mở rộng và làm mới nhiều công trình giao thông trọng điểm. Điều này tạo ra cái nhìn lạc quan hơn cho toàn cảnh giao thông thành phố (TP) trong tương lai gần. Xoay quanh vấn đề đã nêu, phóng viên Đài TNND TPHCM đã phỏng vấn Kiến trúc sư (KTS) Hoàng Minh Trí- Viện phó Viện nghiên cứu phát triển TPHCM.
Kiến trúc sư (KTS) Hoàng Minh Trí- Viện phó Viện nghiên cứu phát triển TPHCM.

* Nhiều năm qua, giao thông tại TPHCM luôn là vấn đề nan giải. Đây có phải là tính tất yếu của một đô thị phát triển không, thưa kiến trúc sư?

Đúng! giao thông là vấn đề tất yếu của một đô thị như TPHCM. Trước đây theo quy hoạch cũ, TPHCM chỉ đáp ứng cho nhu cầu của khoảng 500.000 dân. Nhưng hiện nay khu vực nội thành của chúng ta đã vượt trên 3 triệu dân nên toàn bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật, không chỉ là hạ tầng giao thông đều đã quá tải. Đó là bài toán nan giải khi muốn phát triển khu trung tâm trong điều kiện qui mô phát triển đã vượt mức dự báo của quy hoạch.

* TPHCM luôn nỗ lực tìm cách giải quyết bài toán giao thông. Theo KTS, những năm gần đây và đặc biệt năm 2013, giao thông TP có điểm sáng nào để giúp chúng ta lạc quan hơn cho tương lai?

Lãnh đạo TPHCM đã từng nhận định, ùn tắc giao thông là vấn đề cần được tập trung giải quyết. Cho nên nếu điểm lại các công trình làm cho bộ mặt giao thông TP thay đổi thì phải kể đến: các tuyến đường ở quận 4, khu vực Khánh Hội được mở rộng, cả cầu nối, hầm nối qua sông Sài Gòn. TPHCM cũng triển khai một loạt cầu nổi (cầu vượt) tại những nút giao thông thường gây ách tắc như ngã tư Thủ Đức, Hàng Xanh, Cây Gõ, Lăng Cha Cả, Nguyễn Tri Phương- 3/2, Hoàng Hoa Thám- Cộng Hòa…Đây chính là điểm sáng của giao thông TPHCM thời gian qua.

* Bên cạnh hiệu quả về giao thông, theo KTS thì tác động và dấu ấn khác của các công trình giao thông này với bộ mặt TPHCM là như thế nào?

Đối với cầu vượt, đây là những công trình có thiết kế hiện đại, không che khuất tầm nhìn và tạo ra sự thanh thoát cho bộ mặt mỹ quan, đô thị của TP. Về mặt kinh tế, dù chưa có thống kê chính thức nhưng tôi xin đưa ra ví dụ thế này: chẳng hạn chúng ta đi từ điểm A sang điểm B mất khoảng 1 tiếng đồng hồ như trước đây trong khu vực nội thành, nay nhờ những cây cầu vượt, chúng ta chỉ mất khoảng 15 phút di chuyển, chắc chắn về lâu về dài hiệu quả kinh tế phải tăng lên gấp 4 lần.


Ùn tắc giao thông ở T.p HCM. Ảnh chỉ mang tính minh họa.


* Theo KTS, thách thức trên lĩnh vực giao thông và các vấn đề đô thị đặt ra của TPHCM trong năm 2014 là gì?

Ách tắc giao thông của TPHCM trong năm 2014 sẽ vẫn chưa thể được giải quyết. Vì vậy TP đã tiếp tục chủ trương xây thêm cầu vượt ở những nút giao thông thường xảy ra tình trạng khó khăn, căng thẳng. Nhưng đây chỉ là giải pháp trước mắt của giao thông khu vực nội thành. Còn để TP phát triển bền vững thì các khu đô thị mới hình thành ở những quận mới và các quận huyện ngoại thành phải tuân thủ theo quy hoạch được duyệt; tức là phải đảm bảo được tỷ lệ bắt buộc diện tích đất dành cho hệ thống giao thông, lúc đó chúng ta mới giải quyết được một cách căn cơ các yếu tố gây nên ùn tắc giao thông. Riêng ở giai đoạn hiện nay đối với khu vực nội thành, ngoài giải pháp cầu vượt thì cần triển khai một loạt các biện pháp khác như: phát triển hệ thống đường sắt đô thị (Metro), đường trên cao (Monorail), xe điện vận chuyển khối lượng lớn. Chúng ta phải thực hiện đồng bộ các giải pháp đó thì mới có thể giải tỏa được ùn tắc giao thông ở nội thành.


* Nhìn sang các nước trong khu vực thì TP nào trải qua hiện trạng tương tự như TPHCM và họ áp dụng giải pháp nào để giải quyết vấn đề này thưa KTS?

Nhìn gần nhất, đó là thủ đô Bangkok- Thái Lan. Cách đây khoảng 20 năm họ cũng gặp vấn đề như chúng ta. Dù hệ thống giao thông của họ rất phát triển nhưng việc sử dụng xe hơi quá nhiều, mỗi người 1 chiếc xe hơi đã gây nên ùn xe rất lớn. Từ thực trạng đó, họ đã triển khai nhiều biện pháp như Metro, Monorail, cầu vượt…nên tình hình đã dần được cải thiện.

* KTS có thể đưa ra dự báo gì cho giao thông TP? Chúng ta có thể giải quyết vấn nạn ùn xe, kẹt xe ở TPHCM trong bao nhiêu năm nữa?

Theo tôi nghĩ, trong tầm nhìn lạc quan, nếu triển khai đồng loạt các giải pháp như đã đề cập thì đến khoảng năm 2018, TPHCM mới có thể giải quyết được tình trạng ùn tắc giao thông. Bởi lúc đó chúng ta có hệ thống Metro, Monorail, xe điện cùng với hệ thống xe buýt phát triển, kể cả giảm sử dụng phương tiện cá nhân, giúp giải quyết vấn đề giao thông.

* Xin cám ơn KTS Hoàng Minh Trí