Nạn sách nhiễu, “tham nhũng vặt” còn phổ biến, gây bức xúc trong xã hội

(VOH) - Theo báo cáo của Chính phủ đánh giá: Tham nhũng là một trong những vấn đề bức xúc nhất của xã hội hiện nay, là một nguy cơ gây mất ổn định chính trị, xã hội.

Nghe toàn văn bài viết:

Dự báo trong thời gian tới vẫn tiềm ẩn nhiều yếu tố tiêu cực, nguy cơ phát sinh tham nhũng; tình hình tham nhũng còn diễn biến phức tạp, là một trong những vấn đề dư luận quan tâm.

Về công tác phòng, chống tham nhũng, theo báo cáo, năm 2015, Quốc hội, Chính phủ đã tập trung chỉ đạo, thực hiện việc rà soát, hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật theo quy định của Hiến pháp năm 2013, tăng cường quản lý và cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực thuế, hải quan, bảo hiểm xã hội… để cải thiện môi trường kinh doanh, đảm bảo quyền lợi của người lao động, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Các ngành, các cấp tích cực đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng chống tham nhũng...

Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh - Ảnh: TBTCO

Kết quả thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, toàn ngành thanh tra đã thực hiện 6.515 cuộc thanh tra hành chính; trên 116.300 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành tại hơn 417.000 tổ chức, cá nhân. Qua thanh tra, đơn vị chức năng đã chấn chỉnh quản lý, hoàn thiện cơ chế, chính sách pháp luật trên nhiều lĩnh vực; phát hiện vi phạm, kiến nghị thu hồi về ngân sách nhà nước hơn 52.200 tỷ đồng và 1.788ha đất; kiến nghị xử lý trách nhiệm đối với 1.945 tập thể, 14.339 cá nhân, chuyển cơ quan điều tra xử lý hình sự 65 vụ với 50 đối tượng. Tuy nhiên, số tiền, vật chất tham nhũng lớn, nhưng hiện nay chỉ mới thu hồi được cho nhà nước trên 505 tỷ đồng, chỉ đạt gần 56% và thu hồi được hơn 2.880m2 đất, đạt gần 30%,… Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh, cho biết thêm:

Báo cáo của Thanh tra chính phủ cũng khẳng định tham nhũng là một trong những vấn đề bức xúc nhất của xã hội hiện nay, là một nguy cơ gây mất ổn định chính trị, xã hội. Công tác tuyên truyền, giáo dục về phòng chống tham nhũng chưa đạt hiệu quả cao. Nạn sách nhiễu, “tham nhũng vặt” còn phổ biến, gây bức xúc trong xã hội. Công tác phòng chống tham nhũng ở một số địa phương chưa chuyển biến mạnh; việc thực hiện các giải pháp phòng ngừa tham nhũng tại nhiều cơ quan, tổ chức, đơn vị còn hình thức, hiệu quả thấp...

Đối với công tác phát hiện và xử lý hành vi tham nhũng, cơ quan điều tra các cấp thụ lý điều tra án tham nhũng giảm. Tuy nhiên, trong báo cáo chưa có đánh giá rõ về thực trạng này, trong khi đó, theo báo cáo thì tham nhũng vẫn nghiêm trọng, phức tạp, xảy ra ở nhiều ngành, nhiều cấp, nhiều địa phương. Đây là vấn đề cần đánh giá hiệu quả phòng chống tham nhũng của các cơ quan, nhất là cơ quan chuyên trách,… Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh nhìn nhận:

Dư luận hiện đang bức xúc với tình trạng cán bộ, công chức có hành vi tham nhũng, nhất là cán bộ, công chức trong cơ quan chống tham nhũng, cơ quan bảo vệ pháp luật cũng chưa đề cập trong báo cáo. Một trong những nguyên nhân để xảy ra tình trạng này là kỷ cương quản lý nhà nước trên một số ngành, lĩnh vực còn buông lỏng; cơ chế kiểm soát thực thi quyền lực qua công tác thanh tra, điều tra, kiểm sát hiệu quả chưa cao, chưa tương xứng với yêu cầu nhiệm vụ… Những nguyên nhân này cần được đánh giá làm rõ, đặc biệt là về mặt chủ quan để tìm ra giải pháp khắc phục phù hợp, có hiệu quả trong thời gian tới.