Nâng cao trách nhiệm tuân thủ quy định pháp luật về tài chính

(VOH) - Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIII, sáng nay 21/10, Quốc hội đã tiến hành thảo luận ở hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật kế toán.

Các đại biểu tham dự kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIII (ảnh: Quốc Dũng)

Ý kiến của các đại biểu cho rằng, Luật kế toán (sửa đổi) đã đáp ứng được yêu cầu hội nhập, phù hợp với thông lệ quốc tế, nâng cao trách nhiệm của các cơ quan trong việc tuân thủ quy định pháp luật về tài chính, kế toán nhằm tạo điều kiện cho kế toán thật sự trở thành một công cụ trong việc quản lý tài chính của doanh nghiệp, các đơn vị tài chính kế toán cũng như công cụ quản lý, giám sát của Nhà nước.

Đại biểu Đỗ Văn Vẻ (Thái Bình) phát biểu tại phiên thảo luận. Ảnh: TBTCVN

Cân nhắc về các quy định đăng ký hành nghề dịch vụ kế toán

Đại biểu Đỗ Văn Vẻ - đoàn Thái Bình nhấn mạnh, Khoản 4, điều 7 dự thảo Luật quy định: Bộ Tài chính quy định danh mục tài sản và nợ phải trả được đánh giá lại theo giá trị hợp lý và phương pháp kế toán đánh giá lại theo giá trị hợp lý. Quy định nêu trên cơ bản phù hợp với tình hình thực tiễn hiện nay, phản ánh đầy đủ, sát, đúng bản chất giá trị của những tài sản có đặc điểm biến động giá trị tại thời điểm hạch toán, ghi nhận ban đầu và thời điểm lập báo cáo tài chính.

Riêng về các quy định liên quan đến điều kiện đăng ký hành nghề dịch vụ kế toán, điều kiện cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ kế toán, ý kiến của đại biểu Đỗ Văn Vẻ cũng như một số đại biểu khác đề nghị cần rà soát, cân nhắc về các quy định liên quan đến điều kiện đăng ký hành nghề dịch vụ kế toán, điều kiện cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ kế toán,...theo hướng phải bảo đảm tính chặt chẽ của Luật, song mặt khác phải đơn giản hóa thủ tục hành chính.

"Ở dự thảo Luật Kế toán sửa đổi có quy định doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ kế toán được cấp, cấp lại, điều chỉnh giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh,… bảo đảm sự dồng bộ trong hệ thống pháp luật", đại biểu Đỗ Văn Vẻ góp ý thêm.

Về quy định điều kiện cấp chứng chỉ kế toán, dự thảo Luật quy định là người phải có chuyên môn nghiệp vụ tài chính kế toán, kiểm toán từ trình độ đại học trở lên và thời gian công tác thực tế thời gian từ 3 năm trở lên. Đại biểu Huỳnh Minh Hoàng - đoàn Bạc Liêu đề nghị bỏ quy định: “người có chuyên môn nghiệp vụ về tài chính” vì các cơ sở đang đào tạo hiện nay thường đào tạo các chuyên ngành hẹp về tài chính như tài chính doanh nghiệp, tài chính công,…mà các chuyên ngành này rất khác với chuyên ngành kế toán, do đó nếu quy định như vậy sẽ khó thực hiện. Đại biểu Huỳnh Minh Hoàng đề nghị: "Thủ tục cấp chứng chỉ hành nghề kế toán, giấy đăng ký hành nghề kế toán thủ tục này hiện nay quá phức tạp. Theo tôi nên bỏ Khoản 3, Điều 59 quy định về vấn đề này".

Theo đại biểu Trần Du Lịch - Phó đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH TP.HCM, dự thảo Luật đã có một bước tiến bộ lớn khi cập nhật và đưa vào các quy định pháp lý để điều chỉnh hoạt động dịch vụ kế toán này. Tuy nhiên, theo đại biểu Trần Du Lịch thì việc sửa Luật lần này cần tách biệt 2 loại kế toán khách nhau, đó là kế toán nhà nước và kế toán doanh nghiệp vì đối tượng hưởng thụ Luật này là khác nhau.

Về Dự án Luật quân nhân chuyên nghiệp và công nhân, viên chức quốc phòng

Trong phiên làm việc chiều nay, Quốc hội đã nghe Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phùng Quang Thanh trình bày tờ trình về dự án Luật quân nhân chuyên nghiệp và công nhân, viên chức quốc phòng. Theo đó, Luật Nghĩa vụ quân sự và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến quân nhân chuyên nghiệp và công nhân, viên chức quốc phòng được ban hành trong thời gian qua đã tạo cơ sở pháp lý quan trọng để xây dựng đội ngũ này, góp phần xây dựng Quân đội nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại; làm nòng cốt trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

Tuy nhiên, trước yêu cầu phát triển về mọi mặt của đất nước và nhiệm vụ xây dựng Quân đội nhân dân trong tình hình mới, các quy định của pháp luật hiện hành có liên quan đến quân nhân chuyên nghiệp và công nhân, viên chức quốc phòng không còn phù hợp, cần được nghiên cứu sửa đổi, bổ sung.

Mặt khác, Hiến pháp năm 2013 có nhiều quy định mới liên quan đến quyền, nghĩa vụ của công dân; trong đó có quyền, nghĩa vụ của quân nhân chuyên nghiệp và công nhân, viên chức quốc phòng cần phải được cụ thể hóa; quân nhân chuyên nghiệp là đối tượng phục vụ tại ngũ theo chế độ tự nguyện, không thuộc đối tượng điều chỉnh của Luật Nghĩa vụ quân sự.

Công nhân, viên chức quốc phòng là thành phần trong tổ chức biên chế của Quân đội nhân dân, nhưng chưa có văn bản pháp luật quy định và điều chỉnh, phải vận dụng theo các văn bản pháp luật của Nhà nước có liên quan, do vậy, cần phải có văn bản pháp luật quy định riêng cho các đối tượng này,…

Cũng trong phiên làm việc chiều nay, sau khi nghe Chủ nhiệm Ủy ban pháp luật của Quốc hội Phan Trung Lý trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân, Quốc hội đã tiến hành thảo luận và góp ý cho dự thảo Luật này.