Nắng nóng vẫn tiếp tục diễn ra trong 10 ngày tới

(VOH) - Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn trung ương trong các ngày 5 - 6/6, 9-10/6 và 13-14/6, nắng nóng có xu hướng giảm bớt với nhiệt độ cao nhất phổ biến từ 34-36 độ, có nơi trên 37 độ.

Xen vào đó, các ngày 7-8/6 và 11-12/6, nắng nóng gia tăng với nền nhiệt phổ biến 35 – 38 độ, có nơi trên 38 độ. 

Nắng nóng vẫn tiếp tục trong nhiều ngày tới. Ảnh: Zing

Ở khu vực Trung Bộ, trong 10 ngày tới nắng nóng tiếp tục duy trì trên khu vực, nhiệt độ cao nhất ngày phổ biến từ 36 - 39 độ, vùng núi xấp xỉ 40-41 độ. Riêng phía bắc khả năng giảm nắng nóng trong ngày 13 và 14/6.

Khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ, phổ biến không có nắng nóng trong 10 ngày tới, nhiệt độ cao nhất ngày dao động trong khoảng từ 32 – 34 độ, một vài nơi ở miền Đông Nam Bộ đạt 35 độ. Đặc biệt, đối với khu vực Nam Bộ, gió tây nam hoạt động với cường độ không mạnh nhưng khối khí biển ở các tầng khí quyển trên cao hoạt động yếu hơn và rút về phía biển tạo điều kiện cho những nhiễu động gây mưa phát triển về chiều.  Trên vùng biển ngoài khơi phía nam, thời tiết có xu hướng chuyển xấu về chiều tối. Mưa dông sẽ xảy ra nhiều hơn, làm giảm tầm nhìn xa, trong cơn dông còn có thể kèm theo gió giật mạnh và lốc xoáy, bà con ngư dân cần lưu ý đề phòng.

Công điện số 02 của Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai về chủ động phòng chống với nắng nóng, hạn hán, thiếu nước.

Trước tình trạng nhiều ngày qua, nắng nóng diễn ra gay gắt trên diện rộng, ngày 4/6, Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai đã có Công điện số 02 gửi Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khu vực Bắc Bộ, Trung Bộ và các Bộ: Nông nghiệp và PTNT, Công Thương, Giáo dục và Đào tạo, Tài nguyên và Môi trường chỉ đạo các biện pháp cấp bách đối phó với nắng nóng và hạn hán.

Theo Công điện thì từ ngày 14/5 đến nay ở các tỉnh  Bắc Bộ, Trung bộ và đặc biệt từ Nghệ An đến Phú Yên, một số nơi, nhiệt độ đã vượt giá trị lịch sử  với nền nhiệt phổ biến  từ 39- 41 độ C, có nơi trên 42 độ C. Tình hình khô hạn, thiếu nước tiếp tục xảy ra ở các tỉnh Trung bộ, Nam Trung Bộ, đặc biệt là các tỉnh từ Khánh Hòa đến Ninh Thuận; nắng nóng đã ảnh hưởng không nhỏ đến môi trường, đời sống, sinh hoạt và sản xuất của nhân dân.

Để đề phòng và khắc phục các hiện tượng thời tiết phức tạp trên, Ban chỉ đạo trung ương về Phòng chống thiên tai đề nghị Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các tỉnh, thành phố, các bộ ngành trung ương chỉ đạo triển khai các biện pháp cấp bách, theo dõi, cập nhật liên tục tình trạng nắng nóng để chủ động xây dựng và điều chỉnh kế hoạch phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả do nắng nóng, hạn hán, thiếu nước gây ra phù hợp với thực tế sinh hoạt, sản xuất của nhân dân, giảm thiểu thiệt hại và đạt hiệu quả; vận động nhân dân ý thức trách nhiệm trong phòng chống các hiện tượng thời tiết cực đoan, tiết kiệm nguồn  điện, nước một cách hợp lý, tăng cường biện pháp phòng ngừa, cảnh báo để chủ động phòng ngừa an toàn…