Nên cho phép dạy thêm, học thêm

(VOH) - Tại sao bác sĩ có thể khám bệnh ngoài giờ, ca sĩ đi chạy "xô" kiếm tiền thêm, còn giáo viên thì không được đi dạy thêm, không thể sống bằng nghề của mình? Thậm chí, còn phải mang mặc cảm, trốn tránh.

Các đại biểu tại buổi khảo sát. 

Trong khi đó, giáo viên dạy thêm - theo đúng nghĩa tích cực - là lao động chính đáng. Giáo viên vẫn có gia đình có nhu cầu đảm bảo cuộc sống cho người thân của mình. Việc cấm dạy thêm mang đến cho người giáo viên rất nhiều tâm tư, phiền muộn. Đây là những ý kiến ghi nhận được từ phía các trường trong buổi khảo sát về tình hình dạy thêm học thêm trên địa bàn quận 3 của Ban Văn hoá- Xã hội diễn ra vào chiều 23/8.

Ông Nguyễn Văn Lợi, Hiệu trưởng trường Tiểu học thực hành Phan Đình Phùng cho rằng thực chất việc dạy thêm trong nhà trường diễn ra vào cuối các buổi chiều, xuất phát từ nhu cầu gửi con trong khi các bậc cha mẹ chưa thể đến đón các em. Việc tham gia vào các câu lạc bộ với những nội dung như võ thuật, Aerobic, rèn kỹ năng, văn hoá... lại đảm bảo an toàn cho các em. Vì vậy, nên tổ chức và quản lý tốt việc dạy thêm học thêm trong nhà trường.

Ông Lợi kiến nghị: ”Nếu được, chúng ta nên tổ chức và quản lý sao cho tốt, chứ nếu quản lý không được rồi cấm, tôi e có những vấn đề mà là người làm giáo dục, giáo viên có những tâm tư không tiện nói ra. Giáo viên sẽ rất buồn vì không thể sống bằng nghề".

Theo các đại biểu, giáo dục nước ta có đặc thù là đầu vào rất khó, nhưng đầu ra lại dễ, học vẫn là để thi như: khảo sát vào lớp 6 trường chuyên, tuyển sinh vào lớp 10 vào đại học. Vì vậy, dưới góc độ quản lý, ông Đoàn Hữu Khánh, Hiệu trưởng trường THCS Hai Bà Trưng, cho rằng thực hiện chấm dứt việc dạy thêm học thêm trong nhà trường, thì trách nhiệm người quản lý sẽ rất nhẹ nhàng. Tuy nhiên, với góc độ chất lượng giáo dục, trách nhiệm với học sinh, với phụ huynh, các trường rất "đau đầu".

Ông Đoàn Hữu Khánh chia sẻ: "Muốn gì thì muốn, tổ chức cách gì thì tổ chức, chúng ta phải đưa nhu cầu phục vụ phụ huynh học sinh một cách thiết thực, ý thức trách nhiệm của người quản lý, tạo điều kiện có lợi nhất về phía người có nhu cầu. Thực sự, suy nghĩ của mỗi người quản lý ở góc độ khác nhau nhưng qua kinh nghiệm, trải nghiệm những chủ trương chúng tôi đã thực hiện, chúng tôi cảm thấy hơi bị đắng lòng".

Mặt khác, các đại biểu cũng chia sẻ, việc học sinh phải học thêm đến 8-9h tối, mệt nhoài, như đã diễn ra, sẽ không mang lại lợi ích gì cho các em. Bởi vì, các em không có điều kiện tái tạo lại năng lượng cần thiết, không nhận ra động cơ học tập thực sự của mình, trong khi đây là những yếu tố rất quan trọng cho sự phát triển tư duy.

Ngoài ra, một số trường hợp diễn ra trong lớp học thêm là giáo viên giao bài tập, giải mẫu cho các cháu làm theo, từ đó, làm cho học sinh mất tính chủ động, thậm chí dẫn đến hiện tượng học lệch, bỏ qua những môn văn hoá nền tảng như Lịch sử, Địa lý...

Đại biểu Cao Anh Minh, Ban Văn hoá- Xã hội, HĐND TP cho rằng:"Phải tìm đến tận gốc vấn đề để giải quyết, chứ chỉ nói cho hay không cho dạy thêm cũng chỉ ở phần ngọn. Chúng ta phải có nghiên cứu xã hội học, có đầu có đuôi. Tôi chắc chắn rằng chúng ta phải giảm tải chương trình, tạo cho các em có sự say mê học tập, khi đó kết quả học tập tự các em sẽ đạt được. Như vậy, tự khắc vấn đề học thêm sẽ trở thành những học theo dạng câu lạc bộ, chương trình ngoại khoá ...".