Nét mới trên quê hương Khởi nghĩa Nam kỳ

(VOH) - Nhắc tới Hóc Môn - Bà Điểm là nhớ đến cuộc chiến oai hùng của quân và dân ta trong Cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ năm 1940, nơi ghi dấu những mốc son chói lọi trong trang sử vẻ vang của dân tộc Việt Nam.

Nét mới trên quê hương Khởi nghĩa Nam kỳ

(VOH) - Quê hương Hóc Môn – Bà Điểm đã đi vào lịch sử dân tộc Việt Nam bằng tên gọi thân thương: “Mười tám thôn vườn trầu”, gắn liền với quá trình hình thành và phát triển của Sài Gòn – TP.HCM. Nhắc tới Hóc Môn - Bà Điểm là nhớ đến cuộc chiến oai hùng của quân và dân ta trong Cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ năm 1940, nơi ghi dấu những mốc son chói lọi trong trang sử vẻ vang của dân tộc Việt Nam. Những ngày kỷ niệm cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ này, về lại Hóc Môn, chúng tôi cảm nhận được không khí hào hùng của những năm tháng đấu tranh trên quê hương cách mạng năm xưa qua lời kể của các chứng nhân lịch sử và đã được chứng kiến những đổi thay đáng mừng của một huyện ngoại thành trên bước đường đô thị hóa.

Nhân dân “Mười tám thôn vườn trầu” vốn có truyền thống yêu nước lâu đời. Từ khi thực dân Pháp nổ tiếng súng đầu tiên tấn công thành Gia Định vào năm 1859, nhân dân Hóc Môn – Bà Điểm đã liên tục tham gia chiến đấu dưới ngọn cờ khởi nghĩa của Trương Định – Trương Quyền, Nguyễn Anh Thủ, đặc biệt là cuộc khởi nghĩa Mười tám thôn vườn trầu năm 1885, nghĩa quân tấn công vào huyện lỵ Bình Long, giết chết tên Đốc phủ sứ gian ác Trần Tử Ca, tay sai đắc lực của thực dân Pháp. Năm 1930, khi Ðảng Cộng Sản Ðông Dương ra đời, Mười tám Thôn vườn trầu được chọn làm hậu cứ, nơi cất giấu tài liệu bí mật của Ðảng, nơi nuôi dưỡng các cán bộ lãnh đạo của Ðảng. Từ năm 1930 về sau, bà con quê hương Mười tám Thôn vườn trầu đã bảo vệ, che giấu, nuôi nấng nhiều chiến sĩ cộng sản, nhiều người con ưu tú của giai cấp công nhân, của dân tộc Việt Nam, trong đó có Nguyễn Văn Cừ, Phan Ðăng Lưu, Hà Huy Tập, Võ Văn Tần, Nguyễn Thị Minh Khai, Hoàng Quốc Việt, Lê Duẩn... Đây cũng là nơi Trung ương Ðảng tổ chức các cuộc họp quan trọng để bàn chủ trương biện pháp đẩy mạnh phong trào cách mạng, xây dựng Ðảng, tổ chức quần chúng, đưa phong trào đấu tranh dân chủ lên một bước, đặc biệt là Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 6 vào tháng 11/1939 do đồng chí Bí thư Nguyễn Văn Cừ chủ trì đã ra quyết định chuyển hướng chỉ đạo chiến lược cách mạng Việt Nam, đưa nhiệm vụ giải phóng dân tộc lên hàng đầu. Nhớ lại ngày những ngày tháng hào hùng của cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ, ông Trương Thành Hỷ, một cựu chiến binh của khởi nghĩa Nam Kỳ, hiện ở ấp Nam Thới, xã Thới Tam Thôn nói:

Phát huy truyền thống hào hùng trong kháng chiến, ngày nay, chính quyền và nhân dân huyện Hóc Môn đang nỗ lực xây dựng nông thôn mới ngày càng giàu đẹp. Ai có dịp trở lại đây đều cảm thấy ngỡ ngàng trước sự đổi thay nhanh chóng của vùng đất này, những ngôi nhà mới, hiện đại mọc lên san sát, hầu hết các tuyến đường liên thôn, liên xã đều đã được nhựa hóa, xe chạy bon bon đến tận các vùng sâu, vùng xa. Nói về trách nhiệm của tuổi trẻ đóng góp dựng xây quê hương, anh Nguyễn Trần Minh Lâm, Bí thư chi đoàn ấp Chánh 2, xã Tân Xuân tâm sự:

Qua gần 4 năm thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế xã hội nhiệm kỳ của Đảng bộ huyện, từ năm 2006-2010, tuy tình hình kinh tế có nhiều khó khăn nhưng Hóc Môn vẫn thực hiện tốt các chỉ tiêu đề ra, đời sống nhân dân được nâng lên, đảm bảo an sinh xã hội và giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Riêng 10 tháng đầu năm 2009, giá trị sản lượng công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp của huyện Hóc Môn gần 1.000 tỷ đồng, sản lượng hàng hóa, nông lâm, ngư nghiệp vẫn giữ ổn định, thu ngân sách được khoảng 200 tỷ đồng. Thực hiện chương trình chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp, huyện tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng tại 3 xã điểm, triển khai thi công 5/42 tuyến đường giao thông nông thôn. Công tác đầu tư hạ tầng kỹ thuật được thực hiện tích cực, góp phần tháo gỡ những khó khăn về đầu tư phát triển kinh tế - xã hội của huyện. Việc phối hợp giữa các phòng, ban trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội, cải cách hành chính nhà nước thực hiện cơ chế một cửa liên thông… được tăng cường và đạt kết quả tốt như: chăm lo cho nhân dân lao động nghèo, gia đình chính sách. Bà Hoàng Kim Loven, một hộ nghèo ở xã Tân Xuân vừa thoát nghèo nhờ vay nguồn vốn xóa đói giảm nghèo bày tỏ:

Tuy nhiên, theo UBND huyện Hóc Môn thì hiện nay, huyện cũng đang gặp một số khó khăn do tác động của suy giảm kinh tế, hoạt động sản xuất kinh doanh bị thu hẹp, giá trị công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thương mại chậm lại so với những năm trước. Là một huyện nghèo đang trong quá trình đô thị hóa, cơ sở hạ tầng của Hóc Môn tuy đã có bước phát triển nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế, đời sống văn hóa tinh thần cho người dân còn nhiều hạn chế và nhu cầu thông tin liên lạc còn yếu so với xu thế phát triển chung. Để giải quyết những khó khăn này, ông Trần Công Cảm, Phó Chủ tịch UBND huyện Hóc Môn cho biết:

Ngày nay Hóc Môn vẫn còn nhiều di tích lịch sử ghi dấu những giai đoạn lịch sử anh hùng của nhân dân Hóc Môn và nhân dân Nam Bộ đấu tranh chống lại thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược. Đó là những "Bia căm thù" ở Cầu Xáng, khu di tích Nam Kỳ Khởi Nghĩa ở Ngã ba Giồng, bia kỷ niệm liệt sĩ Nguyễn Thị Minh Khai... Và địa danh “Mười tám thôn vườn trầu” mãi mãi lưu danh khi nói đến Hóc Môn . Với những thành tích vẻ vang trong hai cuộc kháng chiến và trong công cuộc dựng xây đất nước, huyện Hóc Môn - TP.HCM xứng đáng được Nhà nước trao tặng danh hiệu Anh hùng, trong đó có 3 xã anh hùng gồm Xuân Thới Thượng, Tân Xuân và Bà Điểm./.

Minh Tâm