Nghị quyết TW 5 Khóa 8 và thực tiễn sống động ở nông thôn TPHCM

(VOH) - Nghị quyết Trung ương 5 - khóa 8 về Xây dựng và phát triển nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc được cụ thể hóa, triển khai thực hiện trên địa bàn TPHCM thông qua chương trình hành động số 19 của Thành ủy thành phố. Qua 15 năm đưa Nghị quyết đi vào đời sống, văn hóa ngoại thành đã có nhiều cải tiến đáng kể.
Đoàn viên, thanh niên xã Tân Thông Hội, huyện Củ Chi biểu diễn văn nghệ phục vụ người dân địa phương. Ảnh: SGGP

Giá trị cốt lõi của Nghị quyết này đối với địa bàn nông thôn ngoại thành là bên cạnh việc tập trung phát triển kinh tế xã hội, xóa đói giảm nghèo thì việc xây dựng đời sống văn hóa đóng vai trò rất quan trọng. Ông Trương Văn Lương - Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo Chương trình Giảm nghèo - Tăng hộ khá TP nhấn mạnh: "Thành phố không chỉ quan tâm tập trung huy động mọi nguồn lực để trợ giúp cho người nghèo, để tạo môi trường điều kiện thuận lợi cho người nghèo làm ăn phát triển kinh tế hộ, cải thiện cuộc sống mà còn thực hiện đồng bộ nhiều chính sách giải pháp hỗ trợ cải thiện nâng cao trình độ văn hóa, trình độ nghề nghiệp, chăm sóc sức khỏe, môi trường sống, tiếp cận hưởng thụ về văn hóa tinh thần của người nghèo. Góp phần giảm nghèo không chỉ về thu nhập mà giảm nghèo về học vấn, nghề nghiệp, y tế, văn hóa, pháp lý và các hỗ trợ an sinh xã hội".

Trong 15 năm qua, TPHCM ghi nhận gần 42.000 nông hộ đạt chuẩn gia đình văn hóa và tại những ấp, xã nơi bà con cư ngụ cũng xây dựng theo mô hình cơ sở văn hóa với 5 tiêu chuẩn cơ bản. Từ đó, đời sống tinh thần của người dân khu vực ngoại thành ngày càng trở nên sôi động, rộn ràng với nhiều hội thi, hội diễn hấp dẫn như “Nhà nông đua tài”, “Tiếng hát trên Vành đai xanh”, chợ phiên hàng Việt, hội thi thể thao... Các hoạt động hầu hết đều mang tính liên tục, dần trở thành những sự kiện truyền thống thu hút ngày một đông hơn lượng người tham gia chứ không phải chỉ nhất thời, đứt quãng hay chạy đua thành tích.

Đặc sắc nhất trong số này có thể kể đến nỗ lực xây dựng các CLB đờn ca tài tử ở xã Xuân Thới Thượng, huyện Hóc Môn. Bà Cao Thị Hòa - Chủ tịch Hội Nông dân xã cho biết: "Nông dân thì thích ca cổ, thích được biểu diễn những trích đoạn cải lương, tuồng có nội dung gần gũi với cuộc sống nông dân. Từ đó, ca cổ trở thành món ăn tinh thần mà họ không phải mất tiền, không phải tới rạp hát, không phải tới những nơi xa xỉ mới được hưởng thụ".

Bên cạnh đó, việc thực hiện theo đúng định hướng tinh thần Nghị quyết Trung ương 5 cũng góp phần gìn giữ những di sản phi vật thể vô giá như lễ hội Nghinh Ông ở Cần Giờ. Ông Lê Văn Được - Chủ tịch Hội Nông dân huyện Cần Giờ, khẳng định: "Từ năm 1998 đến nay thực hiện Nghị quyết TW 05 - khóa VIII về Xây dựng và phát triển nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, huyện tổ chức lễ hội với quy mô lớn hơn, trong đó thể hiện những đặc trưng vùng biển Cần Giờ, thu hút đông đảo người dân huyện, người dân thành phố và du khách gần xa đến tham gia lễ hội".

Quá trình Xây dựng và phát triển nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc trên địa bàn nông thôn ngoại thành TPHCM cũng giúp nhiều bà con được thụ hưởng các chương trình đào tạo và sau đó chính họ trở thành “cầu nối” để giúp những người đến sau cùng tham gia. Tiêu biểu trong số này là ông Tống Hữu Châu - nông dân nuôi cá cảnh ở quận 12 đã giúp 1.200 nông dân học nghề suốt 8 năm qua. Ông Châu chia sẻ: "Tôi được đào tạo trường lớp thì khi đã thành công, tôi giúp cho nông dân lại. Tôi truyền những hiểu biết, những kinh nghiệm cho nông dân. trong quá trình làm có khó khăn, được hay không được tôi cũng soạn thành bài vở để chỉ lại cho nông dân".

Thành quả của công cuộc đưa Nghị quyết Trung ương 5 - Khóa 8 vào cuộc sống vùng nông thôn thành phố còn được “tô điểm” ở nhiều khía cạnh khác, khi người nông dân trực tiếp tham gia đóng góp ý kiến xây dựng luật pháp, nghe thời sự chính trị, tham gia hội thi kiến thức pháp luật, an toàn vệ sinh thực phẩm, bảo vệ môi trường... Tuy nhiên, tất cả kết quả đạt được cũng không thể khỏa lấp hết những khó khăn, thách thức vẫn còn khá ngổn ngang. Dù thành phố có nhiều nỗ lực đầu tư cơ sở vật chất văn hóa thời gian qua. Ông Nguyễn Văn Hòa - Trưởng Ban tuyên huấn Hội Nông dân thành phố nhận định, khâu này chưa thể đáp ứng nhu cầu thực tế do hạn chế về yếu tố xã hội hóa: "Kêu gọi xã hội hóa lĩnh vực văn hóa thể thao ở nông thôn còn hạn chế; việc đầu tư xây dựng thiết chế văn hóa ở nông thôn còn chậm, chưa đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa thể thao vui chơi giải trí của nhân dân".

Một mối lo ngại khác là sự tác động của văn hóa, phim ảnh, internet thiếu lành mạnh tràn lan, thiếu kiểm soát đang tác động mạnh đến đạo đức, lối sống và văn hóa truyền thống của người dân nông thôn ngoại thành. Ông Phan Văn Huynh - Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Bình Chánh thừa nhận thực trạng này và cảnh báo: "Hiện nay sợ nhất là những điểm internet tập trung, nhiều khi người ta kinh doanh chỉ nghĩ đến đồng tiền thôi. Chứ còn trong tổ chức hội thì mình có sự quản lý, sinh hoạt nhắc nhở định kỳ".

Một số “mảng tối” khác có thể liệt kê ra như thói cờ bạc rượu chè, bạo hành trong gia đình, mê tín dị đoan, thiếu ý thức vươn lên... vẫn là những rào cản đáng kể. Với vai trò là lực lượng nòng cốt trong xây dựng và phát triển văn hóa ở khu vực nông thôn của Hội Nông dân thành phố, ông Đoàn Văn Thanh - Phó Chủ tịch hội nhấn mạnh đến những vấn đề mà các cấp hội phải chú trọng: "Tệ nạn xã hội, rồi tình trạng tội phạm như là cướp giật, ma túy, mại dâm; rồi các loại văn hóa phẩm độc hại; rồi lối sống thực dụng cũng ảnh hưởng đến đời sống văn hóa nông thôn".

Có thể thấy, khó khăn, thử thách trên “mặt trận” văn hóa ở nông thôn vẫn ở trước mắt. Nhưng đây đồng thời cũng là động lực thúc đẩy cho ban ngành chức năng thành phố nỗ lực hơn nữa nhằm cụ thể hóa những mục tiêu mà Nghị quyết Trung ương 5 đã đề ra. 15 năm qua, TPHCM đã thành công trong việc hình thành nhận thức đúng đắn của người dân ngoại thành, tạo ra đời sống sinh hoạt văn hóa tinh thần phong phú hơn và thay đổi đáng kể diện mạo nông thôn theo chiều hướng tích cực. Điều này thật sự có ý nghĩa đặc biệt bởi trong bối cảnh hiện nay, văn hóa phải là nền tảng tinh thần của Nông thôn mới. Ông Nguyễn Văn Đua - Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM lưu ý: "Sức khỏe của người dân, trình độ học vấn của người dân; kiên trì để con cháu mình học hành; khả năng người dân tiếp thu được khoa học công nghệ mới; tình làng nghĩa xóm được khơi gợi và trở thành một sức mạnh; đời sống văn hóa được coi trọng, như vậy mới bền vững với nông thôn mới".

Vào các buổi chiều hàng ngày, nhiều thanh niên, trung niên ở xã Thái Mỹ, huyện Củ Chi tạm gác lại công việc và cùng nhau hăng say tham gia vào những trận cầu quyết liệt tại những sân bóng chuyền, sân bóng đá mọc lên khắp các xóm ấp trong xã. Điều tương tự cũng diễn ra ở Hóc Môn, quận 12, Nhà Bè... Đây chính là hình ảnh tiêu biểu cho quá trình thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 - khóa 8 về Xây dựng và phát triển nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc trên địa bàn nông thôn ngoại thành TPHCM. Đánh giá một cách khách quan, bên cạnh những khó khăn thử thách, thành phố có đầy đủ những thuận lợi, nền tảng sẵn có cùng thành quả đã đạt được để có thể hướng đến thắng lợi to lớn hơn nữa trên mặt trận văn hóa nông thôn./.