Nghĩa tình Sài Gòn

(VOH) - Sài Gòn phồn hoa đô hội, nơi dường như chỉ có tiếng ồn của người, xen lẫn tiếng xe cộ, sự huyên náo của nhà hàng và quán xá. Nơi đây tưởng chừng như chỉ có sự khắc nghiệt của những lo toan, những tính toán với miếng cơm manh áo.

Thế nhưng, ẩn sau tất thảy những điều ấy, còn có một Sài Gòn với tình người mênh mông, sẵn sàng chia ngọt sẻ bùi với người “lỡ đường”– dù quen hay lạ. Ai đó đã ví von rằng: Người Sài Gòn như quả ớt.. ai mới ăn lần đầu – sao lạ lùng, vị cay xé lưỡi, có khi nước mắt ròng ròng. Nhưng quen rồi không có lại thấy nhớ, lại cảm thấy thiếu ngon nếu món ăn không có vị cay cay, the the ấy. Có lẽ ảnh hưởng bởi cái nắng gió phương Nam, với những dòng sông, con rạch nên khí chất con người Sài Gòn cũng như nắng như gió, phóng khoáng, hào sảng và chân tình thì đầy ăm ắp.

Trà đá đây..

Giữa những dòng xe cộ ngược xuôi, giữa cái nắng hanh hao, những phố phường chừng như mọi điều là xa lạ, trên lối đi nhỏ, bình nước uống miễn phí, ai đã đặt đó tự bao giờ ly nước mát cho người lỡ bước, cho người ngược xuôi mưu sinh – mát ruột mát lòng. Với nụ cười đôn hậu của người Sài Gòn, chị Nguyễn Thị Thùy Trang, người đã đặt bình trà đá miễn phí tại góc đường Xô Viết Nghệ Tĩnh - Q Bình Thạnh chia sẻ chân tình: "Mình cảm thấy vui lắm khi nghe người ta nói: trà đá miễn phí mà sao thơm và ngon quá. Cuộc sống mình khó khăn nhưng dù khó cỡ nào cũng không bằng những người ấy. ! Mình tâm nguyện giúp tới khi nào chân tay yếu không giúp được nữa, còn nếu được sau này con cháu mình giúp tiếp". Cuộc sống vốn dĩ khó khăn, khó khăn vốn dĩ là thử thách mà cuộc đời dành cho mỗi người. Và dù chỉ một chút xíu thôi, chút xíu sẻ chia, tấm lòng đôn hậu như chị Trang ấy đã kết thành điều giản dị mà thắm sắc hương, làm dịu mát trưa nắng nồng oi bức.

Giọt nước làm mát lòng người đi đường mỗi trưa hè nóng bức - Ảnh: VNE.

Tình người bao la..

Sự đôn hậu ấy còn được bắt gặp trong nhiều con hẻm nhỏ với chan chứa tình thân. Như con hẻm 60, đường Lý Chính Thắng, quận 3 còn được người dân Sài Gòn gọi là hẻm “heo đất”. Vì khi bước vào hẻm, người ta sẽ nhìn thấy một bà cụ bán bánh mì, bên cạnh bà lúc nào cũng có một con heo đất dán dòng chữ: “Nuôi heo đất giúp đỡ chị em phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn”. 

Còn những ai lần đầu đặt chân đến con hẻm 96 (đường Phan Đình Phùng, phường 2, quận Phú Nhuận) đều không khỏi ngạc nhiên bởi nơi đây luôn đong đầy tình yêu thương. Hẻm tuy không rộng nhưng tình người thì bao la. Từ tủ thuốc, bình trà đá, bơm vá xe, phát cơm, cho đến xe ôm…mọi thứ đều miễn phí cho người khó khăn. Thậm chí, nơi đây còn trợ tráng miễn phí cho người nghèo.

Bao nhiêu điều đó giữa lòng Sài Gòn, Sài Gòn thênh thang mà chân tình, gần gũi như trải lòng của một người sáng lập và theo đuổi những hoạt động ý nghĩa ấy hơn 10 năm nay, đó là ông Nguyễn Văn Út- làm nghề chạy xe ôm: "Mình cũng là một người nghèo, hồi đó cũng khổ lắm, nhưng giờ đỡ hơn rồi, nên giúp những người nghèo hơn mình.. giúp không kể ngày và đêm, không phiền hà gì hết ! Khi làm được, cảm thấy cuộc sống rất ý nghĩa".

Thế đó ! đâu cần phải dư dả thì mới hết lòng, mới sẻ chia với người khác. Tình người và lòng người rộng lớn lắm. Rộng lớn đến vô cùng để câu chuyện về những bữa cơm no lòng chỉ với vỏn vẹn 2 ngàn đồng, những bữa cơm ấm lòng người già neo đơn, bữa cơm quyện chặt thâm tình với bệnh nhân chóng vượt qua khó khăn trong cuộc sống.

Bữa cơm từ thiện chỉ giá 2.000 đồng giúp người nghèo có bữa no trên đường bươn chải - Ảnh: Zing.

Rồi những mùa thi đến, người dân Sài Gòn lại mở lòng đón hàng chục ngàn thí sinh và phụ huynh, giúp các em đi thi được ở trọ miễn phí, ăn uống đầy đủ… Ấm lòng biết bao những ân tình ấy. Và càng ấm lòng hơn khi miền Trung, miền Tây Nam bộ... mỗi lần lũ lụt, giông bão, người dân Sài Gòn lại gom góp, có người đưa cả phần chắt chiu dành dụm trong nhiều tháng trời ròng rã. 

Sống trong đời sống, cần có một tấm lòng ! Tấm lòng ấy, sưởi ấm những ngày mùa đông giá rét, ngày mà biết bao người dân Sài Gọn vận chuyển áo ấm đến tận những bản làng xa xôi miền Tây Bắc. Người Sài Gòn là thế, sống là cho đi đâu chỉ nhận riêng mình

Còn gì đẹp hơn sự sẻ chia cộng đồng

“Còn gì đẹp trên đời hơn thế. Người với người sống để yêu nhau”, chính với suy nghĩ ấy, mà thông qua Chương trình Sát cánh cùng gia đình Việt của Đài Tiếng nói Nhân dân TP.HCM, sau hơn bốn năm phát sóng, đã có trên 15.000 lượt tập thể và cá nhân ủng hộ cho chương trình với số tiền lên đến hơn 17 tỷ đồng để giúp đỡ người nghèo trên cả nước. Như tâm sự của một thính giả, khi đến ủng hộ với chương trình: "Tôi là người dân miền Nam, bản chất của người miền Nam là phóng khóan, vui vẻ, hòa đồng và sống nhiều về tình cảm, nên dù giàu hay nghèo, cuộc sống không đủ đầy gì nhưng vì bản chất phóng khóang đó mà lúc nào mình cũng muốn chia sẻ chứ không đợi đến lúc dư dả mới ủng hộKhi đem tiền đến ủng hộ, dù ít nhưng tui thấy lòng thanh thản và vui lắm. Nghèo thiệt nhưng tui thấy mình còn chén cơm, còn người ta quá khổ".

Đó chỉ là 2 trong số hàng ngàn những chia sẻ của những tấm lòng hảo tâm khi đến Đài Tiếng nói Nhân dân TP.HCM để ủng hộ. Chẳng phải chỉ có khá giả mới chia sớt. Cả em bé chỉ đánh được một đôi giày trong ngày cũng mang tiền đến góp, bác xich lô, anh xe ôm chạy một cuốc xe cũng nhường cho người “đói” hơn mình, hay chị gánh hàng rong, chia bớt số tiền lời còm cõi cả ngày “cho những người đồng cảnh ngộ”…

Các bệnh nhân được chương trình "Sát cánh cùng gia đình Việt" hỗ trợ mổ mắt miễn phí - Ảnh: Hồng Thúy.

Thật ra hoàn toàn không phải duy nhất người dân Sài Gòn biết làm từ thiện và giàu có lòng tốt, nhưng cách làm của người Sài Gòn có chiều sâu và có sức lan tỏa mạnh mẽ để rồi chính vòng tay nhân ái của họ đã làm thay đổi biết bao những phận đời nghèo khó. Ông Trần Thành Long, Chủ Tịch Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo TP. HCM cho rằng, có lẽ ảnh hưởng bởi cái nắng gió phương Nam, khí chất con người ở đây cũng như nắng như gió, phóng khoáng, hào sảng, chân tình, chia sẻ thân thiện là thế”: "Qua các năm làm việc, chúng tôi có 1 cảm giác người dân TP.HCM rất hào phóng trong công tác xã hội - từ thiện. Đây là niềm an ủi rất lớn đối với những người làm công tác từ thiện. Đây là niềm tự hào của người dân TP.HCM trong mảng chung của cả nước".

Mỗi năm Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo TP.HCM nhận được số tiền quyên góp từ 40-50 tỷ đồng để giang tay giúp đỡ, tìm lại cuộc sống mới cho biết bao người. Sài Gòn thật xứng đáng với những chữ vàng "Năng động, sáng tạo, hào hiệp, nhân ái, nghĩa tình"

Vâng, Sài Gòn phồn hoa, là nơi hội ngộ của những con người từ khắp mọi miền tổ quốc về đây sống và làm việc. Dẫu biết cuộc sống còn lắm khó khăn nhưng người dân nơi thành phố yêu thương này đã và đang cố gắng hết sức mình để làm việc và cống hiến cho cuộc đời, để khẳng định rằng cuộc sống vốn dĩ đẹp hơn chúng ta nghĩ rất nhiều. Để, Sài Gòn- mãi là niềm tự hào không gì sánh bằng trong sâu thẳm trái tim – của mỗi người dân Thành phố mang tên Bác Hồ kính yêu.