Nghĩa tình Thành phố mang tên Bác dành cho Già làng – Trưởng bản vùng biên giới phía Bắc

(VOH) - Đây là dịp để TPHCM bày tỏ lòng biết ơn cũng như tạo thêm sự gắn kết, nghĩa tình giữa người dân TP với nhân dân các tỉnh vùng lịch sử tiêu biểu. 

Trong không khí phấn khởi chào mừng Đại hội đại biểu Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 – 2025, tiến tới Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; Kỷ niệm 90 năm Ngày Truyền thống Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (18/11/1930 – 18/11/2020). Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố phối hợp với Ban Chỉ đạo các ngày lễ lớn mời các Già làng, Trưởng bản tiêu biểu các dân tộc vùng biên giới - lịch sử cách mạng 10 tỉnh phía Bắc về thăm Thành phố mang tên Bác Hồ kính yêu.

Đây là dịp để Đảng bộ và Nhân dân Thành phố tri ân cũng như trao đổi, học tập kinh nghiệm trong việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa độc đáo của các dân tộc Việt Nam.

Đoàn chụp ảnh lưu niệm tại sân bay Tân Sơn Nhất. 
Đoàn chụp ảnh lưu niệm tại sân bay Tân Sơn Nhất. 

Bà Tô Thị Bích Châu – Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TPHCM cho biết, các Già làng – Trưởng bản ở vùng biên giới và vùng lịch sử cách mạng các tỉnh phía Bắc đến TPHCM là dịp để Thành phố bày tỏ lòng biết ơn cũng như tạo thêm sự gắn kết, nghĩa tình giữa người dân TPHCM với nhân dân các tỉnh vùng lịch sử tiêu biểu: “Các Già làng – trưởng bản cũng thấy được nhân dân TPHCM luôn luôn nhớ và cám ơn những vị Già làng – Trưởng bản ở nơi đầu sóng ngọn gió, đặc biệt là ở những vùng biên giới đã cùng người dân và các lực lượng của chúng ta bám đất, bám bản để giữ yên tuyến biên giới của chúng ta. Trên cơ sở đó chúng ta cũng cám ơn vùng lịch sử cách mạng như Cao Bằng, Tuyên Quang, Nghệ An là nơi đã sinh ra người con thân yêu là Bác Hồ của chúng ta”.

Lần đầu tiên đến thăm Thành phố mang tên Bác, Già làng Ma Văn Đức tỉnh Tuyên Quang phấn khởi cho biết, nhiều năm nay TPHCM có nhiều chương trình chăm lo cho người dân ở các tỉnh vùng biên như tặng những nhu yếu phẩm cho chiến sỹ biên phòng vượt qua khó khăn, chương trình áo ấm, xây dựng đường xá, trường học, tặng quần áo, sách vở cho trẻ em vùng khó khăn.

Già làng Ma Văn Đức bày tỏ: “TPHCM đã tạo ra một sự kiện, một cuộc hội ngộ đầy ý nghĩa qua đó thể hiện tình cảm của các đồng chí, các bạn, các đồng chí lãnh đạo luôn nhớ đến toàn thể bà con ở các vùng biên giới và vùng cách mạng phía Bắc, nơi một thời là thủ đô của cách mạng như tỉnh Tuyên Quang. Chúng tôi rất trân trọng và xúc động về cuộc hội ngộ này mà TPHCM đã nhớ đến bà con nơi gian khổ, nơi phên dậu của phía Bắc. Chúng tôi thấy đúng là một cuộc hội ngộ đầy ý nghĩa với chúng tôi - những người phương Bắc, vùng phên dậu của tổ quốc”.

Với Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Điện Biên, Giàng Trọng Bình thì Điện Biên là tỉnh biên giới có địa hình hiểm trở, chia cắt. Trong đó có 19 dân tộc anh em và hơn 82% người dân là đồng bào các dân tộc thiểu số, cơ sở hạ tầng chưa đồng bộ, còn rất nhiều khó khăn. Chỉ cần một trận mưa lũ là có thể chia cắt rất nhiều địa hình.

Do đó, khi được đến giao lưu và tham quan TPHCM chính là dịp để mọi người học hỏi và trao đổi kinh nghiệm, là dịp để họ tận mắt chứng kiến, nghe và nhìn thấy sự sôi động, sầm uất của Thành phố mang tên Bác với những con người năng động, nhiệt tình và chu đáo. Có lẽ với tình cảm đó nên dù vượt quãng đường rất dài nhưng hầu hết các thành viên trong đoàn đều không cảm thấy mệt mỏi:

“Khó mà tả hết được bằng lời của những người từ vùng cao Tây Bắc về đây. TP mang tên Bác rất tuyệt vời. Từ cách ứng xử chu đáo, nhiệt tình, chúng tôi rất xúc động trước tình cảm TPHCM dành cho Điện Biên. Không chỉ bằng những việc làm cụ thể ngày hôm nay mà còn rất nhiều như khi Điện Biên bị bão lũ, các chương trình nước sạch vùng biên; làm nhà cho người nghèo thì đều được TPHCM hỗ trợ, giúp đỡ, kể cả những công trình lớn như xây dựng Bệnh viện Mường Ảng. Chúng tôi rất trân trọng điều đó, để chúng tôi có điều kiện tiếp tục phấn đấu vươn lên”.

Đoàn đại biểu tham quan Bảo tàng chiến tranh TPHCM. 
Đoàn đại biểu tham quan Bảo tàng chiến tranh TPHCM. 

Còn Trưởng thôn Khe Mó, xã Húc Động, huyện Bình Liêu, tỉnh Quảng Ninh - La Thị Thâu – Dân tộc Sán Chay rất xúc động trước tình cảm của nhân dân TPHCM dành cho đoàn. Có lẽ không có từ nào diễn tả hết, trước sự tận tình, chu đáo này, chị hy vọng sẽ có nhiều dịp được quay lại TPHCM thêm nhiều lần nữa: “Sau một vòng đi tham quan ở Bảo tàng Hồ Chí Minh, tôi cảm nhận được về Bác là một người luôn luôn vĩ đại khi ra đi tìm đường cứu nước. Vào tham quan bảo tàng và Hội trường Thống nhất tôi rất cảm động. Nhìn những tấm hình để lại mình lại nhớ đến hồi xưa, thời còn kháng chiến, tôi thấy cảm động và rất biết ơn”.

Từng đến Thành phố Hồ Chí Minh trước đây, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Lào Cai Giàng Seo Vần nhận xét, Thành phố có rất nhiều sự thay đổi cũng như sự phát triển về đô thị, để lại cho các đại biểu ấn tượng đẹp về TP mang tên Bác: “Các đại biểu rất vui tươi và phấn khởi khi đến các địa danh và được chứng kiến thực tế để khi trở về địa phương sẽ tuyên truyền lại cho người dân các dân tộc thấy được sự đổi thay của TPHCM để nhân dân tự hào về tình yêu quê hương đất nước và cùng nhau phấn đấu, đoàn kết xây dựng phát triển kinh tế xã hội để đời sống nhân dân nhất là ở các tỉnh miền núi biên giới, căn cứ cách mạng sẽ ngày càng tốt hơn, được nâng cao hơn”.

Kết thúc chuyến thăm TPHCM, bà Trần Thị Thu Hương – Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Nghệ An bày tỏ, Đảng bộ và nhân dân TPHCM luôn quan tâm đến bà con các tỉnh miền núi phía Bắc, thường xuyên giúp đỡ những hộ nghèo, khó khăn về vật chất và cơ sở hạ tầng. Lần này Thành phố tạo điều kiện cho các Già làng – Trưởng bản đi thăm với những hoạt động hết sức ý nghĩa.

Hy vọng sau chuyến đi này sẽ thắt chặt thêm tình đoàn kết giữa các địa phương và nhân dân Thành phố mang tên Bác: “Là người con quê Bác tôi rất vui mừng phấn khởi và hân hạnh được vào TP mang tên Bác, thấy TP rất phát triển. Đoàn được đi thăm nhiều nơi như di tích lịch sử và những công trình phát triển của TP. TP đã tri ân cho đồng bào các dân tộc thiểu số ở các tỉnh phía Bắc để đồng bào có thêm động lực để tiếp tục thực hiện tốt việc canh giữ biên cương để cho TP tiếp tục phát triển đưa đất nước Việt Nam mình càng ngày càng hùng cường”.

Trưởng bản Quàng Thị Nhất – dân tộc Thái, ở bản Khá, xã Sập Vạt, huyện Yên Châu, tỉnh Sơn La khẳng định, qua chuyến giao lưu lần này, giúp chị được biết thêm nhiều địa danh lịch sử hào hùng của TPHCM, cũng như hiểu thêm về văn hóa, tình cảm giản dị của người Nam bộ, tất cả đều gần gũi, thân tình mà giản dị: “Tham dự giao lưu với các Già làng – Trưởng bản trên khắp mọi miền của đất nước, tôi cảm nhận đây là sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước là nguồn động viên to lớn đối với đội ngũ già làng, trưởng bản; Là cơ hội để chúng giao lưu, học tập và trao đổi kinh nghiệm lẫn nhau. Qua đợt giao lưu này tôi sẽ tiếp thu những ý kiến, những cách làm hay, sáng tạo để về áp dụng thực tiễn ở địa phương. Đồng thời tuyên truyền cho người dân về những chủ trương chính sách pháp luật của Đảng và nhà nước để góp phần nhỏ bé của mình xây dựng quê hương Sơn La nói chung và huyện Yên Châu ngày càng giàu đẹp, văn minh”.

Phó Bí thư thường trực Thành ủy TPHCM Trần Lưu Quang đón đoàn Cao Bằng. 

Trong buổi giao lưu với các Già làng – Trưởng bản các tỉnh phía Bắc tại TPHCM, Bí thư Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân cho rằng: “Đồng bào các dân tộc có một sứ mạng rất đặc biệt, trong chiến tranh, kháng chiến là hậu phương, còn hòa bình là bảo vệ tổ quốc. Đồng bào dân tộc có vốn văn hóa hết sức phong phú. Về văn hóa thì chính Già làng, trưởng bản là kho tàng, một thư viện sống về văn hóa. Đồng thời góp phần xây dựng đoàn kết, mỗi già làng, trưởng bản xứng đáng được gọi là một cán bộ mặt trận xuất sắc”.

Kết thúc hành trình về thăm Thành phố mang tên Bác Hồ kính yêu, đối với các Già làng – Trưởng bản thực sự trở thành hành trình đầy ý nghĩa, là động lực để các đại biểu tiếp tục phấn đấu, phát triển kinh tế địa phương ngày càng giàu đẹp. Đồng thời mãi khắc ghi công lao trời biển, những lời dạy của Bác,  nguyện sống, học tập, lao động theo gương Bác Hồ vĩ đại.

Xem thêm: