Nghĩa tình từ TPHCM đến với miền Trung

(VOH) - Nghĩa tình của người dân thành phố đẹp giản dị nhưng ngời sáng tinh thần “Vì cả nước, cùng cả nước”, là nơi hội tụ nhiều nguồn lực, tôn vinh lan tỏa các giá trị tốt đẹp nhân văn của dân tộc.

Chúng ta đang bước vào những tháng cuối năm 2020, một năm đầy biến động với diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19, bão lũ… Trải qua bao khó khăn, thử thách của quá trình phục hồi sản xuất kinh doanh, ổn định cuộc sống, người dân Thành phố vẫn chung tay làm những điều tốt đẹp, thể hiện tấm lòng nhân ái với đồng bào miền Trung ruột thịt.

Những ngày vừa qua, chúng ta không khỏi chạnh lòng khi nghĩ về miền Trung đang phải gánh chịu liên tiếp những cơn bão, lũ lịch sử, bao trùm trên nhiều miền quê Quảng Bình, Quảng Trị, Hà Tĩnh, Nghệ An, Quảng Ngãi, Phú Yên… Đếm sao hết những giọt nước mắt đã chảy khô trên đôi mắt mệt mỏi của người dân vì bão lũ… đo sao được những mất mát, đau thương của bao người phải chịu cảnh người thân, nhà cửa, ruộng vườn, tải sản bị cuốn trôi theo dòng nước lũ.

Ông Nguyễn Hữu Châu, cán bộ hưu trí, từng là người trực tiếp tham gia kháng chiến chống Mỹ, sau giải phóng ông là Ủy viên Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TPHCM, xót xa vì ngay trong thời bình lại mất mát nhiều như thế. Thành phố chúng ta có truyền thống đoàn kết, nghĩa tình. Ngay sau giải phóng đã có phong trào xây nhà cho người nghèo. Đặc biệt là mô hình từ một phường lan ra quận, rồi ra cả ra thành phố sau đó là cả nước. Lần này ông đại diện gia đình Luật sư Nguyễn Hữu Thọ, đóng góp cứu trợ đồng bào miền Trung bị ảnh hưởng bởi bão lũ 50 triệu đồng, ông chia sẻ thêm: "Lũ lụt miền Trung bản thân tôi rất xúc động bởi vì cái thiệt hại so với lần trước quá lớn. Còn bây giờ trong điều kiện hòa bình mà lũ lụt cướp đi sinh mạng của quá nhiều người. Mà hậu quả của lũ lụt là sự mất mát của các gia đình. Rồi sau lũ thì vấn đề tài sản, cuộc sống sẽ ra sao? Cho nên tôi hết sức xúc động khi nghe những mất mát của đồng bào miền Trung. Gia đình có đóng góp chút ít tiền, không nhiều nhưng thể hiện tấm lòng của gia đình Luật sư Nguyễn Hữu Thọ".

Học sinh Nguyễn Tấn Vinh, lớp 12/1 Trường Trung học phổ thông Đức Trí cùng với trường đi vận động các bạn cùng quyên góp ủng hộ miền Trung cho biết: "Mọi người đều ủng hộ nhiệt tình, ở trường em bên cơ sở 1 được 50 triệu. Trong lớp em thì có một số bạn nhịn ăn sáng, có một số bạn thì đi làm thêm rồi lấy tiền ủng hộ. Có một số bạn thì lấy từ tiền để dành mà cha mẹ cho từ trước và quyên góp một phần. Em thì nhịn ăn sáng để em cho và qua đây em muốn gửi gắm tình cảm của em là mong mọi người hãy cố lên vì chúng ta là một dân tộc, chúng ta sẽ vượt qua được cái đại nạn này".

Người dân quyên góp tiền tại thùng đặt trước Hội Chữ thập đỏ TPHCM

Với Giáo sư Thượng Sang Thanh – Trưởng Ban đại diện Hội thánh Cao Đài Tây Ninh, dù cuộc sống còn nhiều khó khăn, nhưng những tấm lòng nhân ái, sẻ chia, tương trợ của đồng bào các tôn giáo không bao giờ thiếu. Tất cả các tầng lớp nhân dân luôn đồng thuận góp sức chăm lo cho những người có hoàn cảnh khó khăn: "Tôn giáo chúng tôi cũng thường tổ chức những chương trình gắn liền với xã hội, giúp đỡ cho bà con đồng bào trong hoàn cảnh khó khăn, neo đơn hoặc gặp cảnh gian khó, bệnh hoạn thì cùng chia sẻ với nhau để vươn lên trong cuộc sống với tình làng nghĩa xóm, đó là câu dân gian của dân tộc chúng ta. Mặc dù tôn giáo chúng tôi trong TP đa phần là lao động nghèo nhưng tình cảm thì nhiều – 'Đông tay thì vỗ nên kêu' cũng là tình cảm của người đứng đầu đạo Cao Đài san sẻ cùng xã hội".

Ông Trương Minh Dũng, Phó hiệu trưởng Trường Trần Văn Ơn, Quận 1, TPHCM rất xót xa khi nghe từng con số thiệt hại về người và tài sản của đồng bào mình, thầy trò của trường đã cùng nhau kêu gọi những tấm lòng chung tay hướng về miền Trung bằng những việc làm thiết thực, chia sẻ nỗi đau mất mát, động viên tinh thần cho bà con đang oằn mình chống chọi giữa thiên tai: "Trong những ngày qua bão lũ liên tiếp ở miền Trung đã gây rất nhiều khó khăn cho đồng bào của mình, cho nên thầy trò chúng tôi cũng mong muốn góp một phần nhỏ nhoi của mình để cùng TPHCM chung tay với đồng bào cả nước giúp đỡ đồng bào trong hoàn cảnh khó khăn như thế này và chúng tôi cũng mong muốn tất cả học sinh của các trường cùng chung tay hướng về đồng bào miền Trung của mình. Bao nhiêu năm nay TPHCM chúng ta luôn đi đầu trong việc cùng chung tay hỗ trợ đồng báo miền Trung, miền Tây khi bão lũ chúng tôi sẽ cùng TPHCM phát huy truyền thống này".

Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TPHCM, Phan Kiều Thanh Hương xúc động trước những nghĩa cử đẹp, nghĩa tình của người dân Thành phố hướng về các tỉnh miền Trung với tình cảm ấm áp yêu thương. Từ cộng đồng doanh nhân, các chức sắc tôn giáo, các văn nghệ sỹ, học sinh, sinh viên, các y bác sỹ, các cán bộ hưu trí cũng như nhân dân Thành phố hướng về đồng bào. Với trách nhiệm của Ban cứu trợ Thành phố, Ủy ban MTTQ Việt Nam Thành phố nhanh chóng chuyển các nhu yếu phẩm đến những tỉnh bị thiệt hại nhiều cũng như trao tiền mặt, sửa chữa nhà, tặng các phương tiện sinh kế và trao các suất học bổng để động viên con em vùng lũ cố gắng hoàn thành được chương trình học tập của mình: "Cụ thể có tiền mặt thì cũng chia sẻ một phần nào những mất mát đau thương. Bên cạnh đó cũng có rất nhiều hàng hóa, có cả những nhu yếu phẩm do người dân tự làm như bánh téc, bánh chưng, hay luộc hột vịt gửi ra cho đồng bào miền Trung một cách nhanh nhất. Đặc biệt, hình ảnh một em nhỏ chỉ đem một cái bình giữ ấm đến với mặt trận TP, đây là một hình ảnh rất xúc động mang tính cách riêng của TPHCM là bằng tất cả tấm lòng của mình đều hướng về đồng bào miền Trung và xem đây là một sự động viên, chia sẻ tinh thần".

Nghĩa tình của người dân thành phố đẹp giản dị nhưng ngời sáng tinh thần “Vì cả nước, cùng cả nước”, là nơi hội tụ nhiều nguồn lực, tôn vinh lan tỏa các giá trị tốt đẹp nhân văn của dân tộc. Khó có thể kể hết, đếm hết được nguồn nhân lực, vật lực toàn xã hội đã chung tay gom góp được trong thời gian ngắn để ủng hộ, giúp đỡ đồng bào các tỉnh miền Trung đang oằn mình vì bão lũ.  Với hơn 44 tỷ đồng bao gồm tiền mặt và hàng hóa từ Thành Phố Hồ Chí Minh, hơi ấm của những trái tim tràn ngập yêu thương sẽ lan tỏa đến từng hoàn cảnh cần được hỗ trợ, trao cho nhau nghị lực và niềm tin để vượt qua khó khăn, thử thách, cùng vươn đến một cuộc sống tốt đẹp hơn, đầm ấm yên vui cho tất cả mọi người.