Người bệnh ở nội trú được thụ hưởng và chi trả cao hơn

(VOH) - Từ 1/1/2015 bệnh nhân BHYT khám chữa bệnh vượt tuyến không được thanh toán 30% mà phải tự chi trả hoàn toàn.

Bệnh nhân ung thư phải điều trị dài hạn thêm phần khốn khó vì nhiều loại thuốc bị cắt giảm chi trả đến 50%... Với những sửa đổi được đánh giá là khá triệt để này, Bảo hiểm Y tế đang gây nên những "bất ngờ"…Phóng viên Đài TNND TPHCM phỏng vấn ông Phạm Lương Sơn – Trưởng ban thực hiện chính sách bảo hiểm y tế - Bảo hiểm xã hội Việt Nam :

Người bệnh được thụ hưởng và chi trả cao hơn ở nội trú, sẽ được quỹ BHYT thay vì trả 30% so với trước kia thì là 40% ở tuyến trung ương, thay vì 50% so với trước kia thì giờ là 60% ở tuyến tỉnh (ảnh minh họa: TPO)

* Thưa ông, vì sao bắt đầu từ 1/1/2015 có thay đổi là không thanh toán BHYT cho bệnh nhân vượt tuyến , trong khi trước đó, người bệnh được hưởng 30% ?

Ông Phạm Lương Sơn: Trước tiên tôi chia sẻ những bức xúc của bệnh nhân khi 1/1/2015, không được thanh toán khi khám vượt tuyến tại bệnh viện tuyến tỉnh, tuyến trung ương. Nhưng trước khi trả lời tôi cũng xin đặt câu hỏi tại sao phải đi khám chữa bệnh trái tuyến và người bệnh cần khám vượt tuyến trái tuyến khi nào ? Nếu trả lời được câu hỏi này sẽ giải quyết gốc vấn đề. Theo tôi người đi khám chữa bệnh vượt tuyến trái tuyến bởi hai lý do sau: thứ nhất là muốn hưởng dịch vụ y tế tốt hơn và thứ hai là muốn thuận lợi hơn, thuận lợi cả cho việc đi lại và không phải chịu cảnh chờ đợi

* Trong những ngày qua, theo ghi nhận của chúng tôi tại các bệnh viện trên địa bàn TPHCM thì hầu hết bệnh nhân họ đều khá bất ngờ, lo lắng và cho rằng như vậy thì người tham gia BHYT quá thiệt thòi, quá trói buộc người tham gia BYYT. Ông nghĩ sao về ý kiến này ?

Ông Phạm Lương Sơn: Trong tuyên truyền để người dân hiểu đúng, thực hiện đúng Luật chưa đạt yêu cầu trong tình hình chúng ta triển khai thực hiện Luật mới. Tuy vậy, phải nói trước khi Quốc hội thông qua đã lấy ý kiến rộng rãi tầng lớp nhân dân trước khi ban hành nghị định, thông tư. Tập huấn cũng đã tiến hành tại các cơ sở y tế , dù vậy tôi cũng rất chia sẻ. Để giảm thiểu bất ngờ đó, BHXHVN triển khai giám định viên có mặt túc trực tại các cơ sở khám chữa bệnh để giải thích cho người dân.

* Đồng ý là với sự thay đổi lần này cũng  giúp y tế cơ sở có điều kiện phát triển khi buộc người tham gia BHYT phải về nơi khám chữa bệnh ban đầu. Nhưng thực tế lại nghịch lý là bệnh nhân chưa tin tưởng vào y tế cơ sở nên dẫn đến tình trạng vượt tuyến như thời gian qua ? Ông có nghĩ cắt giảm đi 30% , người bệnh vẫn chấp nhận đóng 100% để vượt tuyến thì sao ?

Ông Phạm Lương Sơn: Như tôi nói, số ít có điều kiện kinh tế khá, có điều kiện chi trả 100% để khám tuyến trên thì đó cũng là sự công bằng, chia sẻ giữa người có thu nhập thấp với thu nhập cao. Đó cũng là quyền của người bệnh không ai có quyền vi phạm. Luật sửa đổi lần này nhìn ở góc độ cộng đồng có tính công bằng, tạo điều kiện thuận lợi cho cộng đồng những người tham gia BHYT.

* Như vậy với lần sửa đổi này,người bệnh sẽ có thêm những quyền lợi gì, thưa ông ?

Ông Phạm Lương Sơn: Người bệnh được thụ hưởng và chi trả cao hơn ở nội trú, thay vì 30% thì được trả 40% ở tuyến trung ương, thay vì 50% thì giờ là 60% ở tuyến tỉnh. Như vậy mức hưởng nâng lên và cũng đáp ứng yêu cầu được cung cấp dịch vụ y tế cao cấp. Riêng về ngoại trú, thông tư 37 của Bộ Y tế cũng quy định rất rõ có 47 nhóm bệnh được sử dụng giấy chuyển tuyến 1 lần có giá trị 1 năm như ung thư, tim mạch, tiểu đường. Người bệnh chỉ làm giấy một lần và khám trong 1 năm kể cả nội trú lẫn ngoại trú.

Xin cảm ơn ông.