Người cưu mang những người nghèo

(VOH) - Một người đàn ông 75 tuổi, gần 30 năm cho hai hộ nghèo ở trọ mà không lấy tiền. Còn với sinh viên, người lao động nghèo ông lấy với giá chỉ để trang trải tiền điện, nước. 10 năm qua, giá nhà trọ ông vẫn giữ nguyên như cũ dù không ai vận động và ông đã cam kết với Ủy ban mặt trận tổ quốc phường sẽ không bao giờ tăng giá. Ông còn làm tờ di chúc để lại căn nhà cho việc thờ tự và giúp đỡ sinh viên nghèo. Đó là ông Hồ Đề, 75 tuổi, người cán bộ tổ dân phố nguyên là phóng viên Đài Tiếng Nói VN hiện ngụ tại phường 7, quận Phú Nhuận. Với ông, chuỗi ngày làm từ thiện là những ngày tháng đáng sống và ý nghĩa nhất trong cuộc đời.

Ông Hồ Đề, bằng chất giọng sang sảng, mái tóc dài bạc trắng cứ như người nghệ sĩ già, kể lại với chúng tôi chuyện xảy ra cách đây 28 năm về trước: “Một ngày vào năm 1985, lốc xoáy mạnh, căn nhà cấp bốn của người hàng xóm ở phường 7 quận Phú Nhuận đã không trụ vững trước trận bão dữ. Nhà sập, không còn chỗ ngả lưng. Vợ và 3 đứa con của người đàn ông đạp xích lô đã lay lất hết nơi này đến nơi khác. Thấy thương, tôi đề nghị: "Thôi, qua nhà tôi ở, đến khi nào anh làm lại nhà đàng hoàng thì dọn về”. Nhưng cuộc đời xích lô ngày kiếm ba cọc ba đồng, nuôi vợ con chưa đủ, lấy đâu ra tiền dư để làm nhà. Đã mấy chục năm trôi qua, cả nhà năm người đó đến nay vẫn sống miễn phí trong căn hộ đã ngăn vách của nhà ông. Đó là lần đầu mở ra chuỗi những việc từ thiện tương tự của ông.

Lần ông Hồ Đề về quê ở Huế, nghe người ta bảo, có gia đình khuyết tật cùng làng ông vào Sài Gòn bán vé số mưu sinh. Đêm đêm họ ngủ dưới chân cầu thang ở chung cư Ngô Gia Tự. Trở lại TP.HCM, ông Hồ Đề tìm đến nơi và gặp ngay gia đình đó. Ông bảo: “Thôi, mình là người cùng làng, cùng quê, về nhà bác mà ở. Chừng nào kiếm được chỗ ở đàng hoàng thì hẵng đi”. Hai vợ chồng, 6 đứa con dắt díu nhau cùng về nhà ông, cũng ở miễn phí đến nay cũng đã 25 năm.



Có người cán bộ phường thắc mắc: “Ủa, sao ông này lại có kiểu bảo bọc người ta lạ đời như vậy?”. Ông Hồ Đề trả lời: “Không phải lạ đâu, nhà này là nhà tôi để dưỡng già. Tôi có con gái ở Phan Rang nhà cao cửa rộng, có con trai sống với mẹ ở Bình Dương cũng nhà cửa đàng hoàng, thì giờ tôi làm phước là chuyện bình thường”. Hôm nhận được tin ông được tuyên dương “người tốt việc tốt” cấp thành phố, ông liền báo cho bà xã của ông biết. Ông Hồ Đề kể lại:



Căn nhà ông xây diện tích hơn 100 m2. Tầng trệt ông cho để xe, tầng 1, tầng 2 ông ngăn từng phòng ra cho thuê, cho ở miễn phí. Với sinh viên, ông lấy giá bình quân mỗi tháng 200 ngàn đồng một người. Còn với người lao động nghèo thì 300 ngàn đồng/ người/ tháng, bao luôn điện nước. Coi như số tiền đó, ông dùng để trang trải tiền điện nước mỗi tháng. Hôm có chị cán bộ Mặt trận phường xuống vận động ông đừng tăng giá nhà trọ, có các em sinh viên ở trọ ngồi đó, ông nói với chị cán bộ: “Từ năm 2002 đến giờ đã 10 năm, nhà trọ của tôi chưa một lần tăng giá. Nhân đây có đại diện Ủy ban Mặt trận phường xuống, thì tôi xin hứa, sẽ không bao giờ tăng giá nhà trọ. Và điện, nước thì sinh viên cũng sẽ không đóng đồng nào”. Cả nhóm sinh viên vỗ tay rần rần. Nói về ông Hồ Đề, chị Nguyễn Thị Kim Loan, phó chủ tịch UBMTTQ phường 7, quận Phú Nhuận luôn dùng lời lẽ tốt đẹp nhất. Chị cho biết:





Mỗi năm khi mùa thi đến, nghe có phong trào tiếp sức mùa thi, ông hưởng ứng ngay. Ông đi mua mấy thùng mì gói, vài chục ký gạo, nồi niêu, bếp núc để sẵn đó, cho người thân dẫn con em đi thi thoải mái nấu nướng. Ông bảo, quan trọng nhất vẫn là ở với nhau vui vẻ. Có lẽ do ông Hồ Đề tạo ra tâm lý thoải mái, nên rất nhiều em ở nhà ông ôn thi đều đậu Đại học.


Lần khác, có người bà con bị ung thư vú, điều trị ở Trung tâm ung bướu. Người nhà chị xin ông cho chị một chỗ ở, chứ ở bệnh viện, một cái giường mà có đến hai, ba bệnh nhân nằm, rất bất tiện. Ông đồng ý. Chị này về nhà ông ở được vài bữa, lại xin ông cho thêm một phụ nữ khác cũng bệnh ung thư, hoàn cảnh rất khốn khó cùng về ở với chị để tiện việc đi lại điều trị. Vậy là ông nghĩ ngay đến việc chuẩn bị một cái phòng gọi là phòng “an dưỡng người bệnh”. Ở đó, ông kê vài cái giường để cho bệnh nhân trị bệnh có chỗ về ngả lưng. Có hôm đi xạ trị vô hóa chất về, hai người phụ nữ mỗi người một góc phòng, mở máy quạt ào ào mà vẫn kêu “quá nóng”. Thấy vậy, ông âm thầm kêu thợ gắn máy điều hòa cho họ. Chiều, ông đi làm về, thấy hai người phụ nữ nằm ngủ rất ngon! Ông bảo, chính giây phút đó, ông cảm thấy quá hạnh phúc! Thứ hạnh phúc mà không thể diễn tả được bằng lời.



Có một thời gian ông trăn trở: mình bây giờ đã 75 tuổi, nếu có bề gì, thì đám sinh viên và những người lao động nghèo này sẽ ra sao. Sau khi suy nghĩ và bàn với người nhà, ông lên phường, xin làm giấy di chúc, trong đó ông viết: “Nhà này cấm mua bán, cấm sang nhượng, cầm cố, vĩnh viễn muôn đời sau để làm thờ tự và giúp đỡ học sinh, sinh viên nghèo, người khốn khó”. Nghĩa cử này đã khiến những người cán bộ làm giấy di chúc ngạc nhiên. Có người biết được chặc lưỡi: “thời buổi này người ta tranh giành từng tấc đất, còn ông đem nhà đất đi hiến tặng, thật lạ đời!”


Nhưng có lẽ những ai từng đem niềm vui đến cho người khác, mới hiểu được niềm hạnh phúc mà ông nhận được. Triết lý sống vì mọi người, vui với niềm vui của người khác của ông Hồ Đề- Cán bộ tổ dân phố tại phường 7, quận Phú Nhuận thật đáng quý, đáng trân trọng biết bao. Với ông Hồ Đề, có lẽ vật chất, danh vọng, tiền bạc trên đời chỉ là phù du. Mọi thứ rồi cũng sẽ qua đi. Chỉ có tình người là ở lại./.