Người dân không hài lòng khi bỏ chi trả trái tuyến

(VOH) - Với chủ đề chương trình đối thoại cùng chính quyền TP “Bảo hiểm Y tế lắng nghe từ cuộc sống” được trực tiếp vào sáng nay 27/6 trên sóng AM 610 KHZ và FM 95,6 Mhz Kênh Giao thông đô thị Đài TNND TPHCM, đã thu hút rất nhiều ý kiến của cử tri TP liên quan những bức xúc về bảo hiểm y tế.

Từ ngày 1/1/2015 Luật BHYT sửa đổi chính thức có hiệu lực và cho đến nay - qua 6 tháng triển khai - thực tế cho thấy người tham gia BHYT có khá nhiều tâm tư, bức xúc muốn bày tỏ.

Như ông Hồ Vỵ, 74 tuổi, ngụ huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai, hằng tháng phải bắt xe lên Thành phố để khám bệnh tim. Từ khi bỏ thanh toán trái tuyến thì ông phải bỏ tiền túi 100%. Bất cập là ở chỗ, bác sĩ kết luận là bệnh nặng nhưng bệnh lại không nằm trong nhóm bệnh được chuyển viện. Bức xúc ông nói: "Hằng tháng tôi đi khám và lấy thuốc.Thực ra tui có bảo hiểm nhưng giờ đây tui phải mua giá bên ngoài vì tôi không vào nhóm chuyển viện được. Thế là có bảo hiểm mà cuối cùng không được hưởng gì cả !".

Mỗi lần Luật BHYT sửa đổi, cử tri háo hức chờ đợi những điểm mới, những tưởng quyền lợi càng được mở rộng nhưng lại ngày càng thất vọng, theo như chia sẻ của cử tri Nguyễn Thị Hiệp, tạm trú tại quận 8. Thính giả này phân tích: từ chỗ bệnh nhân trái tuyến hưởng 50%, sau đó xuống còn 30% và mới nhất là không còn được hưởng gì cả: "Có nhiều người nhờ tui đề nghị có thay đổi gì thay đổi, nhưng giữ lại khám vượt tuyến ! Ít nhất cũng hỗ trợ người dân 30% để an ủi những người bệnh hoạn. Không ai muốn mình bệnh hoạn đâu các bác sĩ. Và không ai muốn đi xa để tốn kém tiền ăn, tiền ở, tiền xe nhưng vì trị không hết người ta mới đi tìm thầy giỏi, tìm nơi có trang thiết bị tốt, tay nghề giỏi để rút ngắn thời gian trị bệnh thôi".

Ngay như Bệnh viện Ung bướu TP, nơi tiếp nhận số lượng rất lớn bệnh nhân bị ung thư thì theo bác sĩ Phạm Xuân Dũng – Phó giám đốc bệnh viện – cho biết tại khoa khám bệnh, lượng bệnh bảo hiểm y tế đã giảm rất nhiều vì họ biết là không được chi trả trái tuyến.

Theo bà Nguyễn Thị Thu – Phó giám đốc Bảo hiểm xã hội TP – thì Luật BHYT sửa đổi lần này theo hướng mở rộng hơn về đối tượng , quyền lợi, nâng mức bảo hiểm y tế, khuyến khích tham gia BHYT theo hộ gia đình. Thế nhưng, ngay như trong câu chuyện chia sẻ của chị Nguyễn Thị Loan – xã An Phú Tây – huyện Bình Chánh – cũng lắm tâm tư: "Gia đình 5 người, ông xã bị bệnh, anh chồng cũng bệnh, không làm ra tiền, còn một người đang đi học. Tôi bị bệnh, ra xã mua BHYT họ nói phải mua hết cả nhà. Nghèo mà làm gì có tiền mà mua hết !"

Thủ tục nhiêu khê, 1,4 triệu người bỏ BHYT - Ảnh: NLĐ.

Về phía ngành y tế, TS.BS Tăng Chí Thượng – Phó giám đốc Sở Y tế TP cũng thông cảm, chia sẻ những khó khăn mà người bệnh BHYT gặp phải. Trong bối cảnh BHYT không chi trả trái tuyến, cách duy nhất để giúp người dân hài lòng theo BS Thượng là ngành y tế phải không ngừng nâng cao năng lực khám chữa bệnh từ tuyến cơ sở: "Để người dân bớt lo lắng chuyện này tôi thấy trách nhiệm từ ngành y tế rất lớn. Đó là làm thế nào các bệnh viện tuyến 1, tuyến xã, tuyến huyện, tỉnh không ngừng nâng cao năng lực, khả năng để người dân tin. Tôi nghĩ tất cả lãnh đạo y tế các tỉnh trong cả nước đều nhận thức được chuyện này. Riêng TPHCM chúng tôi đang đẩy mạnh nâng cao năng lực từ trạm y tế, bệnh viện quận huyện".

Tham gia đối thoại với cử tri cũng như từ những lần giám sát thực tế cơ sở, bà Tô Thị Bích Châu – Trưởng ban Văn hóa Xã hội HĐNDTP đồng tình với ý kiến của cử tri, BHYT cũng cần phải có sự điều chỉnh để người dân cảm thấy thoải mái và hài lòng khi tham gia: "Luật sửa đổi bổ sung một số điều của BHYT được Quốc hội thông qua và có hiệu lực từ ngày 1/1/2015. Tuy nhiên, sau 5 tháng triển khai đã phát sinh bất cập cần được xem xét, điều chỉnh đó là thủ tục phiền hà gây mệt cho người dân. Đó là nhận xét của rất nhiều người trong quá trình giám sát ghi nhận được. Chính sách ban hành phải có thời gian để triển khai, giải thích, vận động để người dân đồng tình với chúng ta".

Với những tâm tư, vướng mắc của người dân về Luật BHYT sửa đổi áp dụng từ đầu năm 2015 cho thấy trong tương lai về vấn đề này cũng cần phải có nghiên cứu và điều chỉnh cho phù hợp.

Theo số liệu mới đây được công bố từ phía cơ quan BHXH Việt Nam, tính đến hết quý 1/2015, số người tham gia BHYT đã giảm 1,4 triệu người so với cùng kỳ. Và suy cho cùng, nếu BHYT không tạo sức hút người dân thì ắt rằng từ chỗ tham gia họ sẽ cảm thấy không mặn mà với BHYT. Tình trạng này nếu xảy ra, e rằng chỉ tiêu hết năm 2015, 75% dân số có thẻ BHYT trong tay khó lòng thành hiện thực.