Người dân nên đề phòng nhiều bệnh nhiễm nguy hiểm hiện nay

(VOH) - Tiếp sau ca tử vong đầu tiên nhiễm amip ăn não thì mới đây, đã có bệnh nhi cũng tử vong mà kết quả cho thấy cũng dương tính với loại amip này. Đáng lo hơn khi cách đây mấy ngày, ở phía Bắc cũng có 1 bệnh nhân tử vong do nhiễm liên cầu khuẩn lợn. Nhiều bệnh nhiễm nguy hiểm xuất hiện cùng lúc, thế nên người dân càng phải cẩn trọng và hết sức lưu tâm trong việc phòng bệnh… Vấn đề này đã được giám đốc bệnh viện bệnh Nhiệt đới bác sĩ Nguyễn Văn Vĩnh Châu khuyến cáo:
Hình ảnh amip ăn não được tìm thấy trong dịch não tủy của hai ca tử vong (ảnh : Dantri)

Nghe nội dung phỏng vấn:




PV: Thưa bác sĩ (BS), vừa qua có 1 bệnh nhi đã tử vong cũng vì nhiễm amip ăn não. Vậy thì đến nay trên cả nước đã có 2 bệnh nhân tử vong vì nhiễm amip này. Bệnh này thực sự nguy hiểm như thế nào thưa BS?

 Tiến sĩ - Bác sĩ Nguyễn Văn Vĩnh Châu., Giám đốc bệnh viện bệnh Nhiệt đới. Ảnh: vnn

Bác sĩ Nguyễn Văn Vĩnh Châu: Đây là loại amip hiếm khi gây bệnh ở người, cách gây bệnh của amip này là qua đường xoang sàng, không phải amip nào cũng xâm nhập, trừ khi bệnh nhân có bất thường về xoang sàng. Khi xâm nhập vào não gây viêm não, viêm màng não. Bình thường thì nó sống trong tự nhiên, ăn vi sinh vật. Trên thế giới ghi nhận gần 100% bệnh nhân nhiễm amip này đều tử vong

PV: Theo khuyến cáo của ngành y tế phòng nhiễm amip, người dân nên hạn chế tiếp xúc, bơi trong sông hồ. Riêng tại các đô thị lớn như TP.HCM việc phòng bệnh được thực hiện như thế nào thưa bác sĩ?


Bác sĩ Nguyễn Văn Vĩnh Châu: Tôi nghĩ với những hồ bơi bà con không nên quá lo ngại vì amip này khó sống trong hồ bơi với nồng độ flo cao người ta pha vào hồ để tiệt trùng. Nó chỉ sống trong ao hồ dơ trong tự nhiên, thường nó chỉ gây bệnh cho những người bơi lặn nhiều. Cũng xin nhấn mạnh rằng tuy rằng amip sống trong ao hồ nhưng không phải người nào bơi trong ao hồ cũng bị nhiễm. Việt Nam cho đến nay chỉ có 2 trường hợp, tại Hoa Kỳ số ca ghi nhận cũng không nhiều. Trên toàn thế giới cho đến nay chỉ có vài trăm trường hợp nhiễm amip này thôi.


PV: Ngoài amip ăn não thì vừa qua tại phía Bắc cũng có 1 bệnh nhân tử vong do nhiễm liên cầu khuẩn lợn, vậy bệnh này có nguy hiểm như thế nào thưa bác sĩ?

Bác sĩ Nguyễn Văn Vĩnh Châu: Bệnh nhiễm liên cầu khuẩn lợn thì ở khu vực phía Nam thỉnh thoảng cũng ghi nhận, ở bệnh viện bệnh Nhiệt đới cũng đã có bệnh nhân mắc bệnh này. Những người tiếp xúc gần với heo bệnh, ví dụ như những người chăn nuôi heo, những người làm trong lò mổ heo nếu không được bảo vệ sẽ dễ nhiễm vi khuẩn này. Liên cầu khuẩn lợn thường có sẵn ở vùng hầu họng, vùng sinh dục của heo nhất là với heo tai xanh, heo bệnh người tiếp xúc sẽ rất dễ nhiễm vi khuẩn liên cầu khuẩn lợn .


PV: Phòng bệnh này nên ăn chín uống sôi nhất là không nên ăn tiết canh heo. Việc này đã được ngành y tế khuyến cáo từ nhiều năm nay. Vậy một lần nữa, bác sĩ cho biết cụ thể hơn về phòng bệnh nhiễm liên cầu khuẩn lợn?

Bác sĩ Nguyễn Văn Vĩnh Châu: Bệnh này chủ yếu xảy ra ở người chăn nuôi heo, nhân viên lò mổ vì thế nên khi chăn nuôi heo hay giết mổ phải mang trang thiết bị bảo hộ. Với người tiêu dùng nên cẩn thận với món dồi trường vì vi khuẩn này thường trú ẩn ở tử cung của heo, nhất là với heo bệnh. Bên cạnh đó, tiết canh lợn cũng là nguồn lây nếu không được làm chín./

PV: Xin cảm ơn bác sĩ.