Người khiếm thị có được làm thẻ ngân hàng?

(VOH) - Không ít người khiếm thị phàn nàn về việc bị làm khó khi làm thẻ ngân hàng, đặc biệt, họ còn bị “liệt” vào danh sách đối tượng… mất hoặc hạn chế năng lực hành vi dân sự.

Làm thẻ khó đủ đường

Mới đây, ca sĩ Hà Văn Đông (ca sĩ tham gia Giọng Hát Việt mùa đầu tiên) bày tỏ nỗi thất vọng về việc không làm được thẻ ngân hàng. Đông muốn làm thẻ ATM nhưng bị một chi nhánh Vietcombank ở TPHCM làm khó với lý do “phải có người giám hộ” vì Đông là người khiếm thị.

Trước tình thế này, Đông đã phải nhờ tới sự hỗ trợ của những người bạn khiếm thị như mình và mới biết được, nhiều người khiếm thị cũng từng bị làm khó.

Nguyễn Hoàng Giang – một người Việt khiếm thị đang làm việc tại Singapore kể, cậu làm thẻ ngân hàng tại Singapore khá dễ dàng và được hỗ trợ làm thẻ như tất cả mọi người bình thường. Ngoài ra, ngân hàng còn gửi máy Security Token cho Giang qua bưu điện. Đây là máy hỗ trợ người khiếm thị truy cập và thực hiện các giao dịch ngân hàng trực tuyến an toàn.

Giang chia sẻ thêm, khi còn là sinh viên ở VN, cậu đi làm thêm và cần làm thẻ ngân hàng để nhận lương. Tuy nhiên, khi tới ngân hàng ACB thì bị từ chối và yêu cầu phải có người giám hộ; tới ngân hàng Vietcombank thì được nhân viên “chia sẻ” tương tự - rằng người khiếm thị là người mất hoặc hạn chế năng lực hành vi dân sự nên phải được giám hộ hoặc có người ủy quyền.

Người khiếm thị được cho là dễ gặp rủi ro hơn khi sử dụng thẻ ATM và giao dịch ngân hàng trực tuyến (Ảnh minh họa: LH)

Ngoài ra, ngân hàng đưa ra các lý lẽ như người khiếm thị mở thẻ không an toàn, người khiếm thị không thể dùng internet banking, dễ bị mất hoặc lộ thông tin thẻ... Nơi đồng ý làm thì “gây khó”, bắt người khiếm thị phải tự điền mẫu hoặc phải tự viết được họ tên mới cho mở...

“Thường thì các ngân hàng yêu cầu người khiếm thị phải ký tên. Nhưng khổ là người khiếm thị như em rất khó có thể ký 2 lần giống nhau. Em có yêu cầu cho dùng vân tay nhưng họ bảo bên họ không có máy nhận dạng nên không được” – Giang chia sẻ.

Người bạn khiếm thị của Giang làm thẻ một ngân hàng ở Ngô Gia Tự thì không được phép dùng internet banking, tài khoản ngân hàng thì chỉ được dùng trong chi nhánh đó mà không được dùng ở chi nhánh khác.

Khi nói về việc làm thẻ, Giang cũng như nhiều người khiếm thị vẫn mong muốn các ngân hàng bớt “làm khó, làm dễ” và tôn trọng khách hàng khuyết tật để người khiếm thị nói riêng, người khuyết tật nói chung trong việc mở thẻ, mở tài khoản.

Chuyện dễ nói nhưng khó gỡ

Chuyện người khiếm thị bị làm khó khi làm thẻ ngân hàng không phải là chuyện hiếm khi cách đây không lâu Ngân hàng TMCP Ngoại thương (Vietcombank) từ chối mở thẻ ATM cho 4 trường hợp câm điếc bẩm sinh (làm việc tại Công ty Kym Việt) đều trên 18 tuổi tại Hà Nội vì cho rằng họ không đủ năng lực hành vi dân sự.

Sau khi NHNN yêu cầu Vietcombank kiểm tra lại thông tin này, Vietcombank mới tiến hành tiếp nhận hồ sơ phát hành thẻ của 4 nhân viên bị câm điếc bẩm sinh.

Mặc dù NHNN từng khẳng định việc một số chi nhánh ngân hàng từ chối làm thẻ cho người khuyết tật chỉ là ý kiến của cá nhân cán bộ làm thẻ chứ không phải là quy định của NHNN nhưng cho đến nay, việc người khuyết tật, đặc biệt là người khiếm thị bị từ chối làm thẻ vẫn chưa được cải thiện.

Theo khoản 1 Điều 4 Luật người khuyết tật 2010, người khuyết tật có quyền tham gia bình đẳng vào các hoạt động xã hội. Nghiêm cấm hành vi kì thị, phân biệt đối xử người khuyết tật.

Khoản 3 Điều 2 Luật người khuyết tật 2010 định nghĩa: “Phân biệt đối xử người khuyết tật là hành vi xa lánh, từ chối, ngược đãi, phỉ báng, có thành kiến hoặc hạn chế quyền của người khuyết tật vì lý do khuyết tật của người đó”.

Như vậy, người khuyết tật nói chung vẫn là người có năng lực hành vi đầy đủ và được tham gia vào các giao dịch dân sự một cách tự do và phải được đối xử một cách bình đẳng, kể cả trong việc mở tài khoản riêng.

Tuy nhiên, theo luật sư Huỳnh Phước Hiệp (Công ty Luật TNHH Huỳnh Phước Hiệp và cộng sự) – khoan xét đến năng lực hành vi của người khiếm khuyết tật, việc mở thẻ cho nhóm khách hàng này cũng có những “rủi ro” nhất định bởi ngay với những người bình thường, việc sử dụng thẻ ngân hàng còn được khuyến cáo là cần che tay khi sử dụng, tránh trường hợp bị lấy cắp mật khẩu – đối với các giao dịch trực tuyến cũng tương tự.

Giao dịch ngân hàng liên quan tới tài sản, do đó nếu ngân hàng xác định khả năng rủi ro cao (lộ mật khẩu, tài khoản dễ bị đánh cắp…) và từ chối cung cấp dịch vụ thì cũng khó có thể có lựa chọn khác cho người khuyết tật.

Như vậy, việc người khuyết tật làm được thẻ ngân hàng hiện vẫn còn tùy thuộc hoàn toàn vào “độ thân thiện” của nhân viên, của chi nhánh ngân hàng.

Ông Trần Bá Thiện – giảng viên khiếm thị  trường Đại học Văn Lang cho biết, thực tế vẫn có số ít nhân viên ngân hàng tận tình hướng dẫn người khiếm thị mở thẻ. Ông cũng đưa ra chỉ dẫn người khiếm thị về 2 chi nhánh ngân hàng tiếp cận tốt với người khiếm thị để họ có thể mở thẻ dễ hơn, đó là Ngân hàng Đông Á, 130 Phan Đăng Lưu (Q.Phú Nhuận) và ngân hàng ACB, 30 Phan Đăng Lưu.

Trong trường hợp khó khăn, người khuyết tật nên nhờ người giám hộ để mở tài khoản và thẻ ngân hàng được dễ dàng và tránh được những phiền toái liên quan đến rào cản hòa nhập của người khiếm thị.