Người tìm kiếm thông tin 5.000 đồng đội đã hy sinh

(VOH) - Những năm qua, cựu chiến binh - thương binh Lê Trường Giang, quận Tân Bình, TPHCM luôn đau đáu việc đi tìm thông tin về những đồng đội đã mất.

Ông là Trưởng ban liên lạc truyền thống của Trung đoàn 16, nay là Trung đoàn Đồng Nai, thuộc Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Đồng Nai; đảm nhiệm nhiều công việc khác trong các tổ, hội ở địa phương, nhưng vẫn dành thời gian để thực hiện tâm nguyện của mình. Người lính cụ Hồ - cựu chiến binh Lê Trường Giang xác định công việc của mình gồm hai mục đích: Thứ nhất, tìm kiếm thông tin phần mộ tại các nghĩa trang liệt sĩ rồi báo về cho gia đình và địa phương của liệt sĩ; Thứ hai, tìm phần mộ chưa được quy tập, đang nằm rải rác ở rừng núi, thôn, xóm, nơi từng diễn ra nhiều trận đánh mà các chiến sĩ Trung đoàn 16 đã hy sinh.

Phóng viên VOH phỏng vấn ông Lê Trường Giang, xung quanh câu chuyện đi tìm thông tin của các đồng đội ở chiến trường năm xưa.

nguoi-tim-kiem-thong-tin-5-000-dong-doi-da-hy-sinh-voh.com.vn-anh1
Cựu chiến binh - thương binh Lê Trường Giang, quận Tân Bình, TPHCM luôn đau đáu việc đi tìm thông tin về những đồng đội đã mất. (Ảnh: nhandan)

*VOH: Được biết nhiều năm nay ông vẫn tận tâm với việc tìm kiếm hàng ngàn phần mộ hài cốt liệt sĩ của đồng đội. Quá trình tìm kiếm ông bắt đầu như thế nào?

- Ông Lê Trường Giang: Điều thứ nhất, tôi phải tìm tài liệu của 5.000 liệt sĩ toàn đơn vị. Tôi tìm hiểu và sao y lại ở phòng chính sách của quân khu 7. Có danh sách 5000 liệt sĩ, việc đầu tiên là tôi đi lên Hội Cựu chiến binh thành phố xin giấy giới thiệu để đi về các phòng thương binh xã hội và các địa phương ở Tây Ninh, Bình Dương, Bình Phước, Củ Chi, Gia Định… Khi đi tôi có giấy tay đến nơi nhờ người ta giúp đỡ, cho mình vào các nghĩa trang, địa phương ngày xưa, chiến trường cũ ngày xưa tôi chiến đấu ở Tây Ninh chủ yếu, ở Sài Gòn Gia Định, Củ Chi, Trảng Bàng, Thanh An, Dầu Tiếng… là những nơi tôi chiến đấu nhiều năm nhất.

Thường thì tôi đi một mình, còn nghĩa trang nào có nhiều danh sách đồng đội thì tôi gọi một, hai đồng đội đi cùng. Còn bình thường, chủ yếu việc làm này tôi làm.

*VOH: Ông chia sẻ thêm là ông thực hiện việc tìm kiếm hài cốt liệt sĩ bằng cách nào?

- Ông Lê Trường Giang: Năm nay tôi đã 70 tuổi rồi, chiến đấu nhiều năm ở chiến trường nên sức khỏe cũng không tốt lắm. Già yếu rồi, đi xe máy không được, phải đi xe buýt. Đi xe buýt tôi đi Bình Dương, Bình Phước, Tây Ninh, tuyến nào có nghĩa trang tôi đi theo đó. Lên đó có khi tìm nhà trọ ở lại trên đó ở vài ngày để tìm về chiến trường xưa của đơn vị. Ví dụ như Dầu Tiếng, phải về đó thâm nhập vào nhà dân người ta mới chỉ cho phần mộ hồi xưa mà đơn vị sau khi chiến đấu ở đó, hoặc trong các nghĩa trang… tôi làm việc này hơi công phu, do đó mất nhiều thời gian.

*VOH: Điều gì thôi thúc ông không ngại vất vả và kiên trì suốt bao nhiêu năm tháng để thực hiện công việc khó khăn này?

- Ông Lê Trường Giang: Tôi làm theo trách nhiệm của người sống đối với người chết. Mình là người cũng từng bị thương nhưng còn sót lại. Thì bây giờ trách nhiệm của mình tìm lại những người đã hy sinh vì Tổ quốc, chiến đấu vì Tổ quốc để giành lại độc lập tự do, trong khi thân xác đồng đội còn nằm trong lòng đất, có khi gia đình chưa nhận được tin, còn tới 3000 người tôi tìm chưa được. Do đó tôi lúc nào cũng trăn trở là phải tìm cho được đồng đội mình. Tôi tìm theo tâm đức của mình, của người sống đối với người chết là phải tìm đồng đội về quê hương bản quán. Đó là tâm nguyện và trách nhiệm của người sống đối với người chết.

*VOH: Cảm ơn ông.