Nguy cơ cho đất nông nghiệp TP – Bài 1: Đất nông nghiệp đang bị “teo tóp”

(VOH) - Theo thống kê của Sở NN & PTNT TPHCM, mỗi năm diện tích đất nông nghiệp của TP bị mất khoảng 1.400 hecta, tập trung ở 5 huyện ngoại thành như Bình Chánh, Hóc Môn, Củ Chi, Nhà Bè, Cần Giờ cùng một phần các quận Thủ Đức, quận 9 và quận 12.
 

Đất nông nghiệp đang bị “teo tóp”

Từ năm 1996 đến nay diện tích đất nông nghiệp của thành phố giảm tổng cộng khoảng 18.000 ha, và hiện chỉ còn lại gần 116.000 hecta. Phần lớn đất nông nghiệp bị mất được chuyển sang phục vụ cho việc xây dựng các khu dân cư mới, khu đô thị, và khu công nghiệp. Điều này phù hợp với quy luật phát triển của TP lớn, đông dân, là đầu tàu kinh tế của cả nước. Tuy nhiên, bên cạnh những lợi ích đem lại từ cơ sở hạ tầng được hiện đại, phục vụ cho những ngành kinh tế mũi nhọn thì việc mất đất nông nghiệp lại gây ra không ít khó khăn cho lĩnh vực sản xuất nông nghiệp. Mặc dù chỉ chiếm chừng 1% GDP kinh tế thành phố, nhưng nông nghiệp, nông thôn ngoại thành có tầm quan trọng đặc biệt. Ðây là nơi sinh sống của gần hai triệu người làm nông, và cũng là nơi tạo ra những mảng xanh cần thiết cho một thành phố đông đúc, sầm uất. Ông Nguyễn Hữu Hoài Phú – Chi cục trưởng Chi cục Phát triển Nông thôn TPHCM cho biết:

Dù có vai trò quan trọng như thế, nhưng hàng năm đất nông nghiệp của TP cứ tiếp tục bị thu hẹp để nhường chỗ cho các nhà máy, xí nghiệp, nhà ở và phát triển hạ tầng giao thông. Đáng chú ý những huyện như Bình Chánh, và Nhà Bè đang là những địa phương nổi cộm về tình trạng mất đất nông nghiệp. Tại huyện Nhà Bè, trong 5 năm trở lại đây, diện tích đất nông nghiệp của huyện bị mất rất nhiều. Ông Nguyễn Văn Tiến – Phó Chủ tịch UBND huyện Nhà Bè nói:

Còn ở Bình Chánh, theo thống kê của UBND huyện, bình quân mỗi năm huyện phải thu hồi khoảng 200 hecta đất nông nghiệp để phục vụ cho tiến trình đô thị hóa. Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến chương trình chuyển dịch cơ cầu kinh tế cây trồng vật nuôi của huyện theo quyết định 97 của TP. Ông Nguyễn Văn Tươi – Phó CT UBND huyện Bình Chánh trăn trở:

Đô thị hóa đang diễn ra từng ngày, và áp lực đó đang đè nặng lên những địa phương còn đất nông nghiệp của TP. Ngay cả một huyện vốn có thế mạnh để sản xuất nông nghiệp như Củ Chi cũng bị tác động của đô thị hóa “thay mác” gần 1.000 hecta đất nông nghiệp trong vài năm gần đây. Hầu hết số đất này được chuyển sang xây dựng khu công nghiệp Tân Phú Trung, Tây Bắc và cụm công nghiệp Samco. Riêng huyện Cần Giờ, dù nằm tách biệt với khu trung tâm TP, và ít chịu tác động của đô thị hóa, nhưng đất nông nghiệp của huyện cũng bị nhiều người dân rao bán khắp nơi. Không khó nhận ra là vừa qua phà Bình Khánh, dọc theo con đường Rừng Sác đã thấy nhan nhản các bảng hiệu ghi dòng chữ “bán đất liên hệ số điện thoại…”. Theo điều tra của chúng tôi, từ năm 2005 đến nay, đã có 500 hecta đất nông nghiệp của huyện Cần Giờ rơi vào tay một số nhà đầu tư từ nơi khác đến. Họ mua xong bỏ đó, để chờ qui hoạch, nhằm sau này khai thác dịch vụ hoặc sang tay kiếm lời. Đây cũng là 1 nguyên nhân kéo lùi sự phát triển nông nghiệp của huyện suốt một thời gian dài. Ông Đoàn Văn Sơn – Phó Chủ tịch UBND huyện Cần Giờ thừa nhận:

Vẫn biết rằng hiện nay ngành nông nghiệp TP đang đi theo hướng phát triển một nền nông nghiệp đô thị. Tức là tập trung khai thác các loại hình cho giá trị kinh tế cao nhưng không cần phải tốn quá nhiều đất. Nhưng nói gì thì nói, nếu không có qui hoạch và tính toán kỹ càng, chắc rằng sự khó khăn và chông chênh của con đường ấy là rất lớn. Bởi đất đai dù ít dù nhiều cũng phải có, và điều quan trọng chính là phải sử dụng hợp lý. Liệu TP có dám khẳng định đất nông nghiệp hiện nay dù ở hình thức nào cũng đều sử dụng hiệu quả?

Minh Phước – Trường Duy