Nhiều điểm mới trong dự án Luật đặc xá (sửa đổi)  

(VOH) - Sáng nay (7/11), Quốc hội nghe Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Đặc xá (sửa đổi) và thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án luật này.

Tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội đã thảo luận và cho ý kiến về dự thảo Luật Đặc xá (sửa đổi). Trên cơ sở ý kiến của đại biểu Quốc hội tại Kỳ họp và ý kiến góp ý của các cơ quan hữu quan, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã chỉ đạo Cơ quan chủ trì thẩm tra phối hợp với Cơ quan chủ trì soạn thảo và các cơ quan hữu quan nghiên cứu, tiếp thu chỉnh lý dự thảo Luật. Dự thảo Luật Đặc xá sửa đổi có nhiều điểm đáng chú ý, đặc biệt là quy định về điều kiện và đối tượng được đề nghị đặc xá.

Nhiều điểm mới trong dự án Luật đặc xá (sửa đổi)  

Ảnh: TTXVN

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga cho biết: "UBTVQH chỉnh lý dự thảo Luật theo hướng, ngoài 2 loại đối tượng được đề nghị đặc xá như quy định của dự thảo Luật thì bổ sung thêm đối tượng là người đang được tạm đình chỉ chấp hành hình phạt tù (người này phải đáp ứng đầy đủ các điều kiện như người đang chấp hành hình phạt tù, đồng thời phải nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật trong thời gian được tạm đình chỉ chấp hành hình phạt tù). Để bảo đảm đồng bộ với các luật về tư pháp mới được Quốc hội ban hành, đồng thời tạo động lực cho người chấp hành án phấn đấu cải tạo, dự thảo Luật được chỉnh lý theo hướng: đối với một số tội mà Bộ luật hình sự quy định không được tha tù trước thời hạn có điều kiện thì vẫn cho phép đặc xá nhưng điều kiện về thời gian đã chấp hành án để xét đặc xá phải dài hơn so với các tội phạm khác. Đồng thời, đối với những trường hợp này, Chủ tịch nước có quyền quyết định không đặc xá trong từng đợt đặc xá cụ thể, phù hợp yêu cầu thực tiễn đất nước đặt ra trong từng thời kỳ".

Thảo luận tại hội trường, đa số các đại biểu đều nhất trí với dự án Luật đặc xá sửa đổi. Về thời điểm đặc xá, các đại biểu cho rằng dự thảo Luật của Chính phủ trình đã kế thừa Luật đặc xá hiện hành, quy định 3 thời điểm đặc xá gồm: nhân sự kiện trọng đại của đất nước, nhân ngày lễ lớn của đất nước và trong trường hợp đặc biệt. Thực tiễn thi hành Luật đặc xá cho thấy Chủ tịch nước đã quyết định đặc xá ở cả 3 thời điểm nêu trên và không phát sinh vướng mắc về thời điểm đặc xá. 

Đại biểu Nguyễn Thị Hồng Hà, đoàn Ninh Thuận, cho rằng: "Cần quy định về thời gian thử thách đối với người được đặc xá nhân sự kiện trọng đại, ngày lễ lớn của đất nước và thời gian thử thách bằng thời gian chấp hành tù còn lại. Điều này trước hết đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật và đây cũng chính là khoảng thời gian rất cần thiết để người được đặc xá tiếp tục rèn luyện khi có sự thay đổi môi trường từ giam giữ sang tự do và vẫn còn điều kiện pháp lý ràng buộc thì sẽ giúp giảm thiểu tối đa khả năng tái phạm của người được đặc xá".

Về đối tượng được đặc xá, nhiều ý kiến cho rằng chỉ nên áp dụng đặc xá đối với một số đối tượng nhất định, đặc biệt như người đã lập công lớn trong thời gian chấp hành án phạt tù, người đang mắc bệnh hiểm nghèo, người bị kết án phạt tù là nữ đang có con nhỏ dưới 36 tháng tuổi… Về điều kiện phải đáp ứng các điều kiện: Phạm tội lần đầu, có ý thức cải tạo tốt, đã chấp hành xong hình phạt bổ sung là hình phạt tiền, bồi thường thiệt hại, án phí hoặc nghĩa vụ dân sự khác. Riêng điều kiện về thời gian đã chấp hành án thì quy định theo hướng ngắn hơn so với điều kiện của tha tù trước thời hạn.