Nhìn lại sau một quý thực hiện cấp một giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và tài sản khác gắn liền trên đất

(VOH) - Nghị định 88/2009 của Chính phủ về việc cấp một giấy có tên gọi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất đã bắt đầu có hiệu lực kể từ ngày 10-12-2009.

Theo đó, từ ngày 10/12/2009 để được cấp GCN người dân chỉ phải làm thủ tục 1 lần tại 1 cơ quan cho cả đất và tài sản gắn liền với đất, mà 4 loại giấy cũ không đáp ứng được. Với Nghị định mới này, sau 3 ngày nhận hồ sơ của người dân, Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất phải thông báo nếu phải bổ sung, hoàn thiện hồ sơ. Thời gian cấp giấy chứng nhận không quá 50 ngày làm việc với trường hợp cấp lần đầu , không quá 30 ngày với trường hợp cấp đổi quyền sử dụng đất có nhu cầu bổ sung quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất hoặc cấp lại giấy chứng nhận bị mất. Các trường hợp cấp đổi còn lại không quá 20 ngày làm việc. Sau một quý nhìn lại, tìm hiểu các quận, huyện, ghi nhận của chúng tôi là việc cấp giấy mới đã đi vào ổn định.

 Người dân vẫn gặp nhiều khó khăn khi làm giấy mới trong nhiều trường hợp. Trong ảnh: Làm thủ tục nhà đất tại UBND quận Tân Bình, TP.HCM - Ảnh: HTD- Tuổi Trẻ

Những ngày đầu tiên khi Nghị định có hiệu lực, tại nhiều quận, huyện, việc cấp giấy mới còn diễn ra chệch choạc. Chỉ có vài quận thực hiện suôn sẻ, như quận Gò Vấp, Tân Phú. Số người được cấp giấy chứng nhận mới theo đúng trình tự, thủ tục của Nghị định 88 chỉ lên đến con số hàng trăm. Còn lại, đa phần bị vướng lỗi kĩ thuật phần mềm nên phải thực hiện theo quy định cũ.


Tuy nhiên, sau 3 tháng triển khai, mọi vướng mắc dần đi vào ổn định. Ông Trần Văn Ba - người dân đi chứng giấy ở quận Tân Phú phấn khởi cho biết:
Còn chị Nguyễn Thị Hiền, quận Bình Thạnh vui vẻ bảo “ Trước đây, khi nộp hồ sơ xin cấp giấy chứng nhận, tôi phải lên xuống nhiều lần, rồi chờ nộp kiểm tra bản vẽ. Còn bây giờ việc cấp giấy theo nghị định mới không cần bước này nữa, chỉ cần đợi ngày đến nhận giấy thôi”.
Tại quận Gò Vấp, tính từ đầu năm đến nay đã thực hiện cấp trên 1.300 giấy mới và cấp mới trên 2.400 giấy.
Việc cấp một giấy duy nhất đã từng thực hiện trước đây. Tuy nhiên do sự không thống nhất giữa 2 Bộ Tài nguyên Môi trường và Bộ Xây dựng mà người dân phải gặp phiền hà cho hai thủ tục giấy đỏ và giấy hồng. Chính vì vậy mà ngay khi nghị định 88/2009 có hiệu lực, ai ai cũng phấn khởi. Một số nơi như quận Tân Phú còn tranh thủ thực hiện cấp giấy mới cho người dân chỉ trong vòng 30 ngày, thay vì 50 ngày theo quy định mới. Nhận xét về thủ tục mới này, luật sư Nguyễn Đăng Liêm nói:

Về thủ tục cấp giấy mới theo nghị định 88 hoàn toàn suôn sẻ và thuận lợi cho người dân. Tuy nhiên, đối với những đối tượng có nhu cầu chuyển nhượng chủ sở hữu mà giấy chứng nhận được cấp trước năm áp dụng bản đồ địa chính số thì nhiều quận yêu cầu người dân phải bổ sung bản vẽ mới. Người dân phàn nàn vì phải tốn thêm tiền và thời gian cho các thủ tục.
Ông Nguyễn Văn Điều - Phó phòng Tài Nguyên Môi Trường quận Tân Phú giải thích vì bản vẽ cũ không thể hiện tọa độ ranh đất như yêu cầu của nghị định 88. Việc làm này nhằm góp phần chỉnh sửa lại hiện trạng ranh đất có thể bị thay đổi theo thời gian. Ông Điều nói thêm:
Quận Gò Vấp cho biết trên địa bàn mình các bản đồ địa chính số đã áp dụng 11/12 phường từ năm 2001. Những giấy chứng nhận nào đã có cấp theo tài liệu mới nếu hiện trạng không thay đổi thì không yêu cầu người dân vẽ lại. Tình trạng phải vẽ lại bản đồ mới ở quận không nhiều, chỉ chiếm tỉ lệ 20%.
Nhìn chung hiện nay mọi thủ tục cấp giấy mới đều do cán bộ đảm nhận lo toàn quy trình, người dân chỉ chờ đến ngày lên nhận giấy. Ông Trần Anh Tuấn - Trưởng phòng Tài nguyên Môi trường quận Gò Vấp cho biết quy trình thực hiện:

Như vậy, dù còn vài chi tiết của thủ tục mới chưa thuận lợi hoàn toàn cho người dân nhưng nhìn tổng thể sự ra đời của Nghị định 88 đã góp phần giảm tải các thủ tục hành chính rườm rà trong việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và tài sản khác gắn liền trên đất. Người dân chỉ cần đi một cửa duy nhất. Đó chính là lợi ích thiết thực của công tác cải cách hành chính.
 

Ngọc Lê