Nhìn lại tuần làm việc thứ 3 của kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIII

(VOH) - Trong tuần làm việc thứ 3 của kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIII, Quốc hội dành 2 ngày để thảo luận về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội năm 2015 và kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội năm 2016. Đa số ý kiến đại biểu Quốc hội đều thể hiện sự đồng tình cao với Báo cáo của Chính phủ về tình hình kinh tế - xã hội năm 2015 và dự kiến Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2016 trình Quốc hội.

Toàn cảnh kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIII. Ảnh: VGP

Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát

Với sự nỗ lực, cố gắng, quyết tâm cao của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân, sự chỉ đạo tập trung, quyết liệt của Chính phủ, Việt Nam đã ứng phó kịp thời, có hiệu quả với những biến động kinh tế, chính trị khó lường trong năm 2015 và đạt được những kết quả đáng khích lệ về kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại.

Nổi bật là kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, nền kinh tế tiếp tục phục hồi rõ nét; lạm phát được kiểm soát ở mức thấp; tỷ giá hối đoái tương đối ổn định, cán cân thanh toán quốc tế thặng dư, dự trữ ngoại tệ tăng nhanh, đạt mức cao nhất từ trước tới nay; mặt bằng lãi suất tương đối ổn định. Tốc độ tăng trưởng GDP đạt mức cao nhất trong 5 năm trở lại đây.

Tán thành với các nhóm giải pháp mà Chính phủ đưa ra, nhiều đại biểu Quốc hội đã đi sâu phân tích những mặt còn hạn chế, yếu kém của kinh tế nước ta. Cụ thể nền kinh tế vẫn đứng trước nhiều khó khăn, thách thức lớn. Năng suất lao động, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh còn thấp. Cân đối ngân sách khó khăn, bội chi còn cao; nợ công tăng nhanh, áp lực trả nợ lớn, nợ xấu còn lớn và xử lý nợ xấu còn nhiều vướng mắc; doanh nghiệp trong nước và khu vực nông nghiệp, xuất khẩu nông sản đang rất khó khăn; nhập siêu tăng trở lại. Thể chế kinh tế thị trường chậm được hoàn thiện, còn nhiều hạn chế, các loại thị trường vận hành chưa thông suốt. Thất nghiệp, thiếu việc làm vẫn đang là vấn đề xã hội bức xúc; chất lượng nguồn nhân lực thấp...

Kết thúc phiên thảo luận, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đánh giá cao những đóng góp ý kiến của các đại biểu và nhìn nhận “bên cạnh những đóng góp KT-XH cho năm 2015, các đại biểu cũng liên hệ trong những năm tới. Tất cả những vấn đề về kế hoạch 5 năm Quốc hội sẽ tiếp tục thảo luận cho ý kiến và xem xét quyết định tại kì họp lần thứ XI vào tháng 3/2016.

Tăng trưởng kinh tế dự báo vượt mục tiêu Quốc hội

Còn thảo luận về kết quả thực hiện ngân sách Nhà nước năm 2015 của Chính phủ. Đa số ý kiến đều nhất trí rằng trong bối cảnh nền kinh tế trong nước phục hồi tích cực, tăng trưởng kinh tế dự báo đạt 6,5%, vượt mục tiêu Quốc hội đề ra (là 6,2%), một số chỉ tiêu kinh tế vĩ mô khá ổn định, tổng thu ngân sách Nhà nước năm 2015 ước vượt dự toán 16.400 tỷ đồng là kết quả đáng ghi nhận. Điều này thể hiện sự quyết liệt trong điều hành của Chính phủ, tinh thần trách nhiệm cao của các bộ, ngành Trung ương và địa phương.

Về kết quả thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2011-2015, xây dựng và đề xuất chủ trương đầu tư chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016-2020, qua thảo luận đa số ý kiến bày tỏ nhất trí cao với Báo cáo của Chính phủ về kết quả thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2011-2015 và cho rằng: Các chương trình mục tiêu quốc gia đã góp phần quan trọng vào quá trình thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế xã hội của đất nước cũng như của từng địa phương; xóa đói giảm nghèo, nâng cao dân trí, nâng cao thu nhập và góp phần thực hiện chủ trương của Đảng về nông nghiệp, nông dân và nông thôn. Tuy nhiên, theo các đại biểu, chương trình mục tiêu quốc gia thời gian qua là quá nhiều, trong khi nguồn lực lại hạn chế; không có trọng tâm, trọng điểm và ít chú ý đến các yếu tố khác biệt ở từng vùng, địa phương.

Nhiều ý kiến tán thành việc ghi âm, ghi hình khi hỏi cung bị can

Thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Bộ luật tố tụng hình sự (sửa đổi) trước khi biểu quyết, thông qua toàn văn dự thảo Bộ luật tố tụng hình sự (sửa đổi) tại kỳ họp này, nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội tán thành với dự thảo về quy định bắt buộc ghi âm, ghi hình hoạt động hỏi cung bị can và đề nghị quy định chặt chẽ về trình tự, thủ tục, về bảo quản, sử dụng kết quả ghi âm ghi hình trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử.

Tuy nhiên để phù hợp với thực tiễn hiện nay, một số đại biểu đề nghị Bộ luật chỉ nên quy định ghi âm, ghi hình trong các trường hợp tội phạm đặc biệt nghiêm trọng, các trường hợp có dấu hiệu oan sai, bị can không nhận tội để tránh bức cung nhục hình, bảo đảm khách quan minh bạch cho quá trình điều tra.

Thảo luận việc phát hành trái phiếu Chính phủ, sử dụng vốn trái phiếu...

Ngoài ra, Quốc hội còn thảo luận việc cho phép đa dạng hóa kỳ hạn phát hành trái phiếu Chính phủ; việc phát hành trái phiếu Chính phủ ra thị trường vốn quốc tế; về phương án sử dụng vốn trái phiếu Chính phủ còn dư của các dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ IA và đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên.

Thảo luận một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật thống kê (sửa đổi); dự thảo Luật khí tượng thủy văn; dự án Luật ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế (sửa đổi); việc phê chuẩn Nghị định thư sửa đổi Hiệp định thành lập Tổ chức thương mại thế giới (WTO). Quốc hội cũng đã nghe Bộ trưởng Bộ thông tin và truyền thông Nguyễn Bắc Son trình bày tờ trình về dự án Luật báo chí (sửa đổi).

Hôm nay Quốc hội nghỉ, ngày mai 9/11, Quốc hội nghe Báo cáo và báo cáo thẩm tra Báo cáo tổng kết việc triển khai tiếp tục thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại theo Nghị quyết số 36 năm 2012 của Quốc hội và Tờ trình dự thảo Nghị quyết về thực hiện chế định Thừa phát lại. Sau đó, Quốc hội thảo luận ở tổ về Tổng kết việc triển khai tiếp tục thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại theo Nghị quyết số 36 năm 2012 của Quốc hội và dự thảo Nghị quyết về thực hiện chế định Thừa phát lại.