Nhớ chú Hai: Trần Trọng Tân

(VOH) - Chú hai Trần trọng Tân đã đi xa, song những lời nói và những lý luận của chú còn mãi trong tôi; Góp phần giác ngộ và định hướng cho chúng tôi - những nhà báo trẻ của những năm tháng cầm bút sau ngày giải phóng, thêm vững tin trên con đường mới...

Tôi là người hậu sinh, mới tập tễnh làm báo cách mạng những năm cuối thập niên 70 của thế kỷ trước. Phải thành thực mà nói, nhận thức về tình hình xã hội lúc ấy của bản thân còn rất là ngu ngơ, nhưng đã qua năm thứ nhất, thứ hai đại học Sai Gòn cũ, bập bõm vài lý thuyết triết học tư sản, nên lúc nào cũng tưởng mình là trí thức, thông thuộc “đông tây kim cổ” nói nôm na là thành phần “tiểu tư sản”.

Lúc ấy chúng tôi lại rất hăng đi nghe các nhà báo “tiền bối” như Thanh Nho, Lưu Quý Kỳ, Tân Đức...nói chuyện về tình hình trong nước và thế giới sau chiến thắng của quân và dân ta trước “tên sen đầm quốc tế” hay những chủ thuyết về triết học Mác Lênin ở nhà Văn hóa Thanh Niên. Nghe xong thì nhận xét diễn giả nầy thế nào, diễn giả kia ra sao? Một anh bạn thân mới giới thiệu bữa nào chú hai Tân mà đăng đàn, bảo đảm ông mê luôn. Tôi hỏi chú hai nào, có phải chú hai Trần Trọng Tân, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng ban Tuyên huấn không? anh bạn gật đầu lia lịa “Ừ ông đó đó, nói chuyện nghe đã lắm…”.

Năm 1979-1980 báo Sài Gòn Giải Phóng có tổ chức lớp học chính trị trình độ “sơ trung” cho một số nhà báo của thành phố. Tại buổi khai giảng lớp học, sau lời phát biểu của chú bảy Võ Nhân Lý, Phó ban tuyên huấn Thành ủy, Tổng biên tập báo SGGP là phần quán triệt yêu cầu lớp học của chú hai Trần Trọng Tân, Trưởng ban Tuyên huấn Thành ủy. Tôi nhớ hoài câu nói đầu tiên của chú: “Nhiệm vụ báo chí cách mạng về lý thuyết là cơ quan tổ chức, tuyên truyền cách mạng, là người dẫn đường về tư tưởng, chính trị, hướng dẫn tuyên truyền về đường lối chính sách của Đảng và Nhà nước…”. Thấy anh em chúng tôi ngơ ngác chú nói tiếp: mấy cháu là dân ở thành phố, tiếp xúc với chế độ mới chưa nhiều, có lẽ chưa tiếp thu được lý thuyết nầy, để dễ hiểu chú nói nôm na thế này: “Nhà báo cách mạng là chiếc cầu nối giữa Đảng và nhân dân, là phản ánh đời sống và tâm tư nguyện vọng của dân đến với Đảng và ngược lại truyền đạt chủ trương của Đảng và nhà nước đến với người dân một cách ngắn gọn, dễ hiểu nhất để người dân thực hiện tốt chủ trương đường lối đó”.

Sau đó ít tháng, tôi có dự buổi nói chuyện của chú hai Trần Trọng Tân về công tác tuyên huấn với những người làm công tác tuyên huấn Sở ngành quận huyện. Chú nhắc đi nhắc lại: “Công tác tuyên huấn là phải từ thực tiễn đúc kết, rút ra lý luận để từ lý luận đả thông tư tưởng con người”. Chú dẫn chứng bằng câu thế này: “Khi tư tưởng chưa thông, con người không thể vác nổi 10kg, khi tư tưởng thông suốt thì một cô gái thanh niên xung phong trọng lượng cơ thể chưa tới 40kg có thể vác 100kg đi một đoạn đường dài”.


Đồng chí Trần Trọng Tân - Ảnh: Vannghe.

Đầu những năm 1990, khi Đảng cộng sản Liên Xô và một số Đảng anh em các nước Đông Âu thoái trào. Trước diễn biến phức tạp của tình hình, khi mà khủng hoảng lý luận, giữa lý luận và thực tiễn có khoảng cách, Đảng ta chủ trương - Từ danh xưng là Ban Tuyên huấn Trung ương - đã chuyển, cải danh là ban Tư tưởng Văn hóa Trung ương - và Đảng bộ TPHCM mình cũng chuyển là Ban Tư tưởng Văn hóa Thành ủy. Chính sự cải danh đúng thời điểm này, nên công tác tư tưởng của Đảng đã kịp thời uốn nắn những lệch lạc trước sự tác động của tình hình phức tạp trong Đảng và ngoài xã hội, góp phần vượt qua cuộc khủng hoảng một cách khéo léo. Trong công tác tuyên giáo của đồng chí Trần Trọng Tân, nguyên Trưởng ban Tuyên huấn Thành ủy TPHCM, Nguyên trưởng Ban Tư tưởng Văn hóa Trung ương, Nguyên Phó bí thư Thành ủy TPHCM và nguyên Chủ tịch Hội đồng lý luận Trung ương vào thời điểm tình hình lý luận cực kỳ phức tạp – đã đề ra phương châm “4 phục” là - Lý phục, Tâm phục, Đức phục và Khẩu phục.

Lý phục là vận dụng lý luận đúng để phân tích, bác bỏ lý luận sai với lý lẽ sắc bén có chứng cứ xác thực; Tâm phục là làm cho sức thuyết phục về tư tưởng thấm sâu vào lòng người thành lương tâm, để khi đã biết điều xấu thì không ai dám làm vì sợ lương tâm cắn rứt; Khẩu phục là nói đúng không chê oan, khen oan, bình tĩnh phân tích, trao đổi, không đao to búa lớn, không quy kết, chụp mũ; Đức phục là làm cho nhân dân tin phục Đảng vì thấy rõ Đảng là đạo đức - là văn minh, có lãnh tụ là Bác Hồ nêu gương sáng về đạo đức, thấy rõ những người lãnh đạo phần lớn là người có đạo đức, thấy gương người tốt việc tốt mà xã hội tôn vinh. Phương châm “4 phục” đó đã giúp Đảng ta vượt qua cuộc khủng hoảng về lý luận một cách tài tình. Nhà nước ta vượt qua thử thách “chỉ mành treo chuông”.

Trong nhiều lý luận lẫn thực tiễn mà Chú hai Trần Trọng Tân để lại dấu ấn trong đầu tôi là phân tích về đạo đức cách mạng, Chú nói: Ở Việt Nam ta, văn hoá truyền thuyết trong thời đại các vua Hùng với sự ra đời của nước Văn Lang, đã tiềm ẩn những chuẩn mực về đạo đức Việt Nam. Nổi lên là đạo yêu nước, quyết chí chống giặc ngoại xâm trong truyền thuyết về Thánh Gióng, và đạo cố kết nghĩa đồng bào trong truyền thuyết về trăm con được sinh ra từ một bào thai. Thời chế độ phong kiến cho rằng nước do vua làm chủ, đạo làm dân là phải một lòng trung thành với vua. Đến thời giặc Pháp xâm lược, vua đầu hàng, thì đạo yêu nước là quyết chống ngoại xâm, không chịu đầu hàng, như Trương Định, được dân phong là Bình Tây Đại Nguyên Soái. Đến thời có Đảng Cộng sản lãnh đạo thì yêu nước, quý trọng dân, xây dựng đại đoàn kết dân tộc là chuẩn mực đạo đức của Đảng. Khi Đảng đã trở thành Đảng cầm quyền thì chuẩn mực đạo đức của Đảng là biết tôn trọng quyền làm chủ của dân, tôn trọng Quốc hội, cơ quan quyền lực Nhà nước do dân trực tiếp bầu ra. Trong thời kháng chiến, yêu cầu bức xúc về đạo đức, lối sống đối với cán bộ, Đảng viên là hoà mình với dân, vận động dân tham gia kháng chiến, thực hiện Đảng viên đi trước làng nước theo sau, vượt qua khó khăn gian khổ và mưa bom bão đạn. Khi lọt vào tay giặc thì giữ gìn khí tiết của người chiến sỹ cộng sản. Nay trong thời bình, thì yêu cầu bức xúc về đạo đức, lối sống của cán bộ, Đảng viên là giữ mối liên hệ mật thiết với dân, nêu gương về cần kiệm, liêm chính, chí công vô tư, có lối sống lành mạnh, ra sức vận động dân, giáo dục cho dân biết những việc dân phải làm vì lợi nhà, ích nước, hướng dẫn dân bàn và lắng nghe ý kiến của dân, tạo điều kiện cho dân tham gia phản biện và giám sát việc thực hiện các chủ trương của Đảng và Nhà nước, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước trong sạch, vững mạnh.

Chú hai Trần trọng Tân đã đi xa, song những lời nói và những lý luận của chú còn mãi trong tôi. Góp phần giác ngộ và định hướng cho chúng tôi - những nhà báo trẻ của những năm tháng cầm bút sau ngày giải phóng, thêm vững tin trên con đường mới... Có lẽ nhờ vậy mà cho tới tận bây giờ khi đã nghỉ hưu, những điều dạy bảo của chú vẫn còn nằm lòng. Nhớ lại những lời nói của chú như những lời dạy dỗ, nhắc nhở với cán bộ Đảng viên trước diễn biến phức tạp về tư tưởng như hiện nay.

Xin được thắp lên nén hương lòng gởi đến hương hồn Chú Hai TRẦN TRỌNG TÂN.