Những điểm mới về quyền và nghĩa vụ của người đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp

VOH - Chính phủ Việt Nam vừa ban hành Nghị định 167/2024/NĐ-CP, sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định 91/2015/NĐ-CP về đầu tư vốn Nhà nước vào doanh nghiệp và quản lý, sử dụng vốn, tài sản tại các DN.

Nghị định 167/2024/NĐ-CP bổ sung và làm rõ một số quy định về quyền lợi và nghĩa vụ của người đại diện phần vốn Nhà nước tại các doanh nghiệp, cụ thể là việc tham gia vào các quyết định phân phối lợi nhuận sau thuế.

Người đại diện phần vốn Nhà nước tại các doanh nghiệp có cổ phần hoặc vốn góp của Nhà nước phải xin ý kiến của cơ quan đại diện chủ sở hữu trước khi tham gia vào các cuộc họp Đại hội đồng cổ đông hoặc Hội đồng thành viên để quyết định phương án phân phối lợi nhuận.

Một trong những điểm mới nổi bật trong Nghị định là quy trình phân phối lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp có vốn Nhà nước.

Đối với các doanh nghiệp mà Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ, phương án phân phối lợi nhuận phải được thực hiện theo thứ tự ưu tiên, bao gồm: bù đắp các khoản lỗ chưa được trừ vào lợi nhuận trước thuế, trích tối đa 30% vào quỹ đầu tư phát triển và trích lập các quỹ khen thưởng, phúc lợi cho người lao động.

Phần lợi nhuận còn lại sẽ được chia cho các cổ đông, trong đó phần lợi nhuận tương ứng với phần vốn Nhà nước sẽ được nộp vào ngân sách Nhà nước.

doanh-nghiep
Công ty cổ phần dụng cụ cơ khí xuất khẩu - Ảnh: TTXVN

Nghị định này cũng quy định rõ việc chia cổ tức bằng cổ phiếu chỉ áp dụng với các công ty cổ phần có vốn Nhà nước tham gia đầu tư vào các dự án quan trọng quốc gia được cấp thẩm quyền phê duyệt. Đặc biệt, việc chia cổ tức bằng cổ phiếu sẽ được giám sát chặt chẽ để tránh các lỗ hổng có thể dẫn đến tham nhũng hay lợi dụng tài sản Nhà nước.

Nghị định cũng yêu cầu cơ quan đại diện chủ sở hữu thực hiện đầy đủ quyền và trách nhiệm của mình trong việc giám sát và quản lý nguồn vốn Nhà nước tại doanh nghiệp. Cơ quan này phải đảm bảo rằng việc sử dụng vốn Nhà nước từ cổ tức chia bằng cổ phiếu phải đạt hiệu quả cao và không gây lãng phí.

Đối với các doanh nghiệp có vốn Nhà nước nắm giữ từ 36% đến 50% vốn điều lệ, cơ quan đại diện chủ sở hữu phải chỉ đạo người đại diện tham gia vào các quyết định phân phối lợi nhuận sau thuế, tương tự như đối với các doanh nghiệp Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ.

Một quy định quan trọng khác trong Nghị định này là yêu cầu người đại diện phần vốn Nhà nước phải định kỳ báo cáo tình hình sản xuất, kinh doanh, tài chính của doanh nghiệp mà mình đại diện.

Báo cáo này sẽ gửi tới cơ quan đại diện chủ sở hữu và cơ quan tài chính cùng cấp, đồng thời phải thực hiện trong thời gian tối đa 15 ngày kể từ ngày kết thúc mỗi quý và 30 ngày sau khi kết thúc năm tài chính.

Đối với các ngân hàng thương mại cổ phần có vốn Nhà nước, phương án phân phối lợi nhuận sau thuế sẽ thực hiện theo quy định của Nghị định 93/2017/NĐ-CP về chế độ tài chính đối với các tổ chức tín dụng và ngân hàng nước ngoài.

Đồng thời, việc giám sát tài chính và hiệu quả đầu tư vốn Nhà nước tại các tổ chức tín dụng sẽ được thực hiện nghiêm ngặt để đảm bảo tính minh bạch và hiệu quả của các khoản đầu tư này.

Bình luận