Những điểm son trong chính sách dành cho lao động nữ tại doanh nghiệp

(VOH) - Trong gần 20 năm qua, tinh thần của Nghị định 23/CP của Chính phủ ban hành ngày 18/4/1996 đã có tác động tích cực đến việc thực hiện các chính sách dành cho nữ công nhân lao động tại doanh nghiệp. Điều này được khẳng định thông qua những kết quả đạt được tại từng doanh nghiệp trong từng ngành, từng lĩnh vực, đặc biệt là trong những ngành nghề có đặc thù sử dụng nhiều lao động nữ.

Mới đây, tại TPHCM, tổ chức Công đoàn Việt Nam đã tổ chức hội thảo chia sẻ kinh nghiệm trong việc thực thi pháp luật lao động, đặc biệt là pháp luật lao động đối với lao động nữ đã xuất hiện những cách làm hay, những cách vận dụng luật một cách sáng tạo để chăm lo cho lao động nữ ngày một tốt hơn.

Câu chuyện 1.560 nhà vệ sinh riêng biệt chỉ dành cho nữ được xây dựng tại các lô cao su là kết quả nỗ lực lớn của Tập đoàn cao su Việt Nam trong việc cải thiện, nâng cao các dịch vụ, tiện ích dành cho nữ lao động trong toàn Tập đoàn. Toàn ngành cao su có gần 40.000 lao động nữ, với đặc thù làm việc trong ngành cạo mủ cao su là phải đi làm từ 4 giờ sáng, dễ bị côn trùng cắn, dễ bị tai nạn lao động, môi trường làm việc ẩm thấp. Do đó, chuyện vệ sinh của những nữ công nhân nếu không được quan tâm sẽ ảnh hưởng lớn đến sức khỏe và tỷ lệ mắc bệnh nghề nghiệp sẽ càng cao. Vì vậy, ngoài chuyện xây nhà vệ sinh sạch sẽ, kiên cố, Tập đoàn cao su Việt Nam còn hỗ trợ băng vệ sinh hằng tháng cho các nữ công nhân, khám sức khỏe và khám phụ khoa mỗi năm đến 2 lần cho các chị em, thực hiện chế độ nghỉ 60 phút trong giờ làm việc cho chị em có nuôi con nhỏ dưới 12 tháng, giảm 1 giờ làm cho nữ công nhân mang thai từ tháng thứ 7 trở lên, đặc biệt là thực hiện nghỉ 30 phút để vệ sinh.

Nhờ các chính sách chăm sóc như trên mà tỷ lệ nữ lao động mắc bệnh phụ khoa đã giảm đáng kể trong nhiều năm qua. Song, ấn tượng nhất là trong 20 qua, Tập đoàn cao su VN đã chi 150 tỷ để thực hiện 12 nhóm chính sách dành cho lao động nữ. Bà Huỳnh Thị Hảo, Trưởng Ban Nữ công - Công đoàn ngành cao su cho hay: "Cho lao động nữ được hưởng các chế độ ưu đãi này không chỉ tạo điều kiện cho họ yên tâm công tác, chăm sóc con nhỏ mà còn tạo thêm sự gắn bó giữa người lao động và doanh nghiệp ngày càng bền vững hơn. Do đó, quan trọng là cán bộ nữ công chúng ta phải kiên trì trong việc tham mưu đề xuất chế độ dành cho nữ lao động nhưng cũng là ưu tiên cho cả doanh nghiệp khi thực hiện, thì doanh nghiệp cũng có lợi".

Nữ công nhân cạo mủ cao su - Ảnh minh họa - Nguồn: Zing.

Cũng liên quan đến chuyện nhà vệ sinh dành cho nữ công nhân lao động tại doanh nghiệp, ông Nguyễn Tùng Vân, Chủ tịch Công đoàn ngành Dệt may Việt Nam vui mừng cho biết, trong toàn ngành Dệt may hiện đã có nhiều đơn vị xây dựng nhà tắm, nhà vệ sinh dành cho nữ đạt chuẩn khách sạn hoặc sân bay. Câu nói này không hề phô trương mà là một thực tế cho thấy lãnh đạo doanh nghiệp đã ngày quan tâm tốt hơn đến điều kiện làm việc, sức khỏe của lao động nữ. Và có chăm sóc tốt thì doanh nghiệp sẽ ổn định về lực lượng lao động khi mà đặc thù ngành dệt may chiếm hơn 80% là lao động nữ.

Ngoài chuyện nhà vệ sinh, tiền lương, thưởng, các khoản trợ cấp dành cho nữ cũng từng bước được cải thiện. Ông Nguyễn Tùng Vân cho biết thêm: "Có nhiều điều khoản mà chúng tôi thực hiện ở mức cao hơn, có lợi hơn so với quy định cho lao động nữ. Chúng tôi đưa vào thỏa ước lao động tập thể ngành các tiêu chuẩn của nhà tắm, nhà vệ sinh phụ nữ ở mức độ trang bị rất cao, tức là phải ngang bằng với sân bay hoặc ở khách sạn. Có một nửa số đơn vị đã thực hiện được điều này. Đồng lương thực tế cũng đã tăng được 1,4 lần".

Theo ngành Lao động - Thương binh và Xã hội TPHCM, việc tham gia tuyên truyền về các chính sách đối với lao động nữ, hỗ trợ các doanh nghiệp trong việc lập thủ tục hồ sơ xác nhận đơn vị có nhiều lao động nữ, xem xét và góp ý thỏa ước lao động tập thể trong đó quan tâm về những quy định đối với lao động nữ ngày càng chặt chẽ phù hợp với quy định của pháp luật. Một vài con số cụ thể cho thấy vấn đề giải quyết việc làm cho lao động nữ đã ngang bằng với lao động nam, chẳng hạn như trong năm 2014, có hơn 60.000 việc làm dành cho nữ trong tổng số 121.000 việc làm mới được tạo ra, tiền lương, thưởng của lao động nữ được trả ngang bằng lao động nam.

Tại các KCX-KCN của TP, các doanh nghiệp đã quan tâm thực chất đến hiệu quả công việc, tiền lương, các khoản phúc lợi, an toàn vệ sinh lao động đều tạo sự bình đẳng giữa lao động nam và lao động nữ. Ông Phạm Huy Thông, Phó Ban quản lý các KCX-KCN TPHCM nhìn nhận: "Tổng số lao động nữ làm việc trong các KCX-KCN chiếm tỷ lệ là 60%, do đó việc thực hiện chính sách dành cho lao động nữ được đặc biệt quan tâm và nghiêm túc, không có sự phân biệt đối xử giữa lao động nam và nữ. Lao động nữ được tạo điều kiện trong học tập và nâng cao trình độ chuyên môn. Tiền lương được thực hiện dựa trên kết quả hiệu quả công việc, do đó tạo được sự bình đẳng giữa nam và nữ".

Rõ ràng, chăm lo cho nữ lao động là việc mà các doanh nghiệp nên quan tâm thực hiện. Đó không chỉ là ý thức chấp hành quy định của pháp luật lao động mà con là trách nhiệm của doanh nghiệp trong việc thúc đẩy thực hiện bình đẳng giới.