Những ký ức về các chiến sĩ Gạc Ma ngày ấy và bây giờ

(VOH) - Ngày 27/7 hàng năm được dành để tri ân, tưởng vọng đến những người con ưu tú đã ngã xuống vì sự bình yên của tổ quốc. Trong số hàng triệu vong linh những người lính đã chết trận, không thể không nhắc tới 64 liệt sĩ đã ngã xuống trong trận hải chiến Trường Sa ngày 14/3/1988 trước hàng loạt đạn pháo của Trung Quốc. Sự hy sinh anh dũng của các anh đã biến địa danh Gạc Ma trở thành bất tử.

Đối với bất cứ người dân Việt Nam nào, mỗi khi ra đảo đều không khỏi ngậm ngùi, xúc động. Đảo Gạc Ma đẹp lắm, nơi ấy là nơi mà máu huyết, tinh thần chiến đấu của những người lính hải quân hòa quyện vào lòng biển cả quê hương. Chị Trần Hoàng Khánh Vân - Ủy viên Ban thường vụ Thành Đoàn - Trưởng Ban Quốc tế Thành Đoàn TPHCM, có dịp ra thăm đảo và thả những bông hoa đỏ thắm xuống biển nơi các anh ngã xuống chia sẻ: "Khi đi ngang đảo Gạc Ma những đại biểu đi tàu cùng với anh em chiến sĩ trên tàu tổ chức một buổi lễ để tưởng niệm các anh. Cảm xúc khi được dự buổi lễ tưởng niệm đó thật sự rất khó diễn tả thậm chí trong đoàn chúng tôi ngày hôm đó có nhiều anh chị đã rơi nước mắt, nhất là lúc thả vòng hoa xuống biển giống như cách để gửi những tình cảm của mình đến các anh. Một điều rất lạ là khi những bông hoa cuối cùng được thả xuống biển thì gần như trời tạnh mưa hẳn nên mọi người đều cảm nhận được là các anh vẫn còn đang ở đâu đó".

Chúng tôi đã tìm gặp những người anh hùng năm xưa, những người thân nơi quê nhà của họ để nhắc nhớ về cuộc chiến bi hùng này.

Anh Nguyễn Văn Thống, hiện ở xã Nhơn Trạch, huyện Bố Trạch, Quảng Bình, là thương binh loại 1 và là một trong 9 người sống sót trở về từ trận chiến năm ấy kể: Lúc anh đang chuyển hàng lên tàu HQ 604 thì bị Trung Quốc bắn bị thương ở chân, bị hư một mắt… Anh rơi xuống biển lạnh buốt, may mắn lúc ấy có một miếng cao su đang trôi nổi nên bám lấy. Nhưng sau đó, anh phải ra sức chống chọi với đàn cá mập tấn công. Vừa thoát khỏi hàm cá mập, thì tàu Trung Quốc xuất hiện, chúng kéo anh lên rồi đem về bắt giam tại nhà tù Trung Quốc. Gần 4 năm sau, anh mới được trả về nhà, nhưng do bị thương và thường xuyên bị bỏ đói nên sức khỏe yếu dần, anh đau ốm luôn, mất sức lao động không làm được gì, phải sống nhờ vợ con: "Đánh nhau thì tôi đứng ở mũi tàu quan sát ở trên đảo đã xảy ra tranh chấp, giành giật cờ, rồi nó bắn anh Phương, đâm lê vào anh Lanh.

Một lúc sau thì nó dập đạn pháo bắn vào tàu. Lúc bị thương, chìm tàu, tôi bị cuốn sâu xuống biển, một lúc sau nổi lên được thì tàu Trung Quốc điều cái thuyền nhỏ nhỏ đến, nó chạy lên thấy ai nổi lên là nó bắn nốt. Đến lượt tôi thì nó rút cờ ra hiệu nó không bắn nữa mà nó vớt lên đem về TQ".

Còn với anh Lê Minh Thoa ở Lê Lợi, Quy Nhơn - Bình Định không khỏi xúc động kể lại: Lúc đó sự việc xảy ra quá nhanh, vì tàu của ta không trang bị vũ khí, ngoài những khẩu tiểu liên AK nên nhanh chóng bị đạn pháo từ tàu chiến Trung Quốc bắn chìm. Lúc đó anh bị thương do mảnh đạn pháo bắn vào đầu, vào chân, tàu chìm nên anh ôm được mảnh ván, cứ lênh đênh mãi đến đến chiều hôm sau thị bị bắt. Sau 3 tháng ở tù đã sút hơn 20 kg, những người khác ai nấy cũng chỉ còn da bọc xương, anh bồi hồi nhớ lại: "Đầu tiên thì anh em bơi vào đảo tranh giành lá cờ, lúc đó hai bên chỉ xô xát đánh tay ba với nhau thôi. Khi tranh giành lá cờ thì Trung Quốc đâm người lính mình ngã xuống, lúc đó hai bên mới bắt đầu nổ súng. Cảm giác về trận chiến này rất ghê gớm bởi vì Trung Quốc quá ác khi bắn tàu chìm, còn một số lính nổi trên đảo Trung Quốc tiếp tục dùng sáng AK bắn tỉa các anh cho đến chết".

Vào tháng 3/1988, sau khi chiếm giữ trái phép 5 đảo thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, Trung Quốc tiếp tục dã tâm chiếm các đảo: Gạc Ma, Cô Lin, Len Đao với mục đích kiểm soát cả khu vực cụm đảo Sinh Tồn. Trung Quốc đã huy động lực lượng của 2 hạm đội xuống khu vực quần đảo Trường Sa với 12 tàu chiến, 2 tàu hộ vệ pháo, hai tàu đổ bộ, 3 tàu vận tải LSM, tàu đo đạc và một poong-tông lớn để hỗ trợ. 

Trước tình hình đó, Bộ Tư lệnh Hải quân lệnh cho lực lượng sẵn sàng chiến đấu. Ngày 11/3/1988, tàu HQ-604 xuất phát từ Cam Ranh (tỉnh Khánh Hòa). Đến chiều tối 13/3, tàu đến sát bãi Gạc Ma. Khi tàu vừa thả neo, phía địch đã cho tàu chiến quần đảo xung quanh, bắc loa kêu gọi tàu ta phải nhổ neo. Nhưng các chiến sỹ vẫn bình tĩnh, tổ chức cắm cờ khẳng định chủ quyền của Việt Nam ngay trong đêm ở trên đảo. Khoảng 6 giờ ngày 14/3, phía Trung Quốc cho xuồng áp sát bãi Gạc Ma. Lính Trung Quốc lăm le vũ khí tiến vào đảo yêu cầu quân ta hạ cờ. Lúc đó, có 9 chiến sĩ trên đảo cùng cầm tay nhau kết thành vòng tròn, phía trước đối mặt với quân thù, sau lưng là cờ Tổ quốc. Lính Trung Quốc rất đông. Chúng lăm lăm súng AK, giương lê sáng quắc hăm dọa, còn phía Việt Nam không có vũ khí gì.

Sau trận giáp lá cà, phía Trung Quốc rút quân và cho tàu nã súng đại liên, pháo tầm xa về phía các chiến sĩ giữ cờ trên rạn đá san hô Gạc Ma. Cùng lúc đó, tàu chiến Trung Quốc dùng pháo bắn dồn dập vào tàu HQ-604, đồng thời cho các xuồng nhôm chạy quanh tàu HQ-604 chĩa súng vào tàu và đe dọa, buộc tàu của ta phải rời khỏi khu vực. Ngay sau đó, hàng loạt đạn cối 100 ly từ tàu chiến Trung Quốc bắn xối xả về phía tàu HQ-604. Tàu HQ-604 thủng nhiều chỗ bên mạn và đài chỉ huy, 3 chiến sĩ hy sinh tại chỗ, nhiều chiến sĩ cũng tử thương sau đó. Tàu HQ-604 chìm nhanh xuống biển mang theo thi thể của thuyền trưởng cùng nhiều chiến sĩ trên tàu. Một số chiến sĩ nhảy ra khỏi tàu bơi trên biển liền bị xuồng nhôm của Trung Quốc chạy quanh vây ép, dùng súng bắn vào các chiến sĩ. Có chiến sĩ bám vào thành tàu liền bị lính Trung Quốc dùng móc câu móc vào người dìm xuống biển.

Thả vòng hoa tưởng niệm các liệt sĩ hi sinh tại Gạc Ma. Đó là việc làm không thể thiếu của mọi chuyến tàu đi thăm quần đảo Trường Sa - Ảnh: TTO.

Vâng, đã 26 năm qua, xương cốt của 64 liệt sĩ vẫn nằm dưới đáy biển bên những rặng san hô trải dài. Và 26 năm, thời gian đủ dài để nhuộm trắng những mái đầu xanh, những người mẹ đã không thể chờ đợi để tìm thấy con mình nơi sóng nước, còn những người cha đã lặng lẽ về thế giới bên kia.

Trong danh sách các chiến sĩ có mặt tại đảo Gạc Ma năm 1988, tỉnh Quảng Trị có 3 người thì có 2 liệt sĩ hy sinh ở trận đánh năm đó. Người đầu tiên mà chúng tôi gặp là bà Nguyễn Thị Hằng, ở 24 Kim Đồng, Đông Hà, Quảng Trị. Bà là mẹ của liệt sĩ Trần Ánh Đông. Khi hỏi đến 2 người con trai đã hi sinh bà không khỏi nghẹn ngào, gạt nước mắt nói: cả nhà có ba đứa con trai thì một đứa mới chết do đột tử, chồng bà vì đau ốm rồi cũng qua đời cách đây 1 năm. Anh Hoàng Ánh Đông là đứa con khỏe mạnh nhất nhà thì đã hy sinh. Mặc dù đã hơn 20 năm trôi qua nhưng bà vẫn không thôi hy vọng một ngày nào đó sẽ nhận lại xương cốt của con mình: "Vì con ra đi không có hồn không có xác nên bác đau khổ lắm, bác đau khổ hai mươi mấy năm rồi, còn bác trai cũng đau yếu vì trông con mỏi mòn từ năm này qua năm khác. Bác trai cũng bệnh mới mất được một năm.

Đứa con bác coi như hi vọng đi lo việc nước nhà về sẽ chăm sóc cha mẹ già, lo lắng cho cha mẹ nhưng giờ ra đi không có ngày về. Bác trông nhưng con bác càng ngày càng vắng càng xa, hai mươi sáu năm rồi giờ bác cũng đau khổ nhiều rồi".

Cụ Hoàng Thị Giỏ, ở số 4, Bùi Dục Tài, TP Đông Hà, Tỉnh Quảng Trị, thân mẫu liệt sĩ Tống Sỹ Bái năm nay đã ngoài 80 tuổi đang sống với người con cả, cũng là một cựu binh, vẫn còn nhớ như in cái ngày anh Bái xung phong vào bộ đội: "Hắn là con út, chưa đến nghĩa vụ nhưng đi Hải quân, hắn xung phong tự nguyện đi, hắn nói trước sau gì hắn cũng đi, thanh niên mà, đi rồi chết ở ngoài đó luôn, chết rồi nằm dưới nước không có tấm chăn chi hết".

Anh Tống Sỹ Kỳ, anh trai của liệt sĩ Tống Sỹ Bái kể, ngay sau khi nghe thông báo anh Bái hy sinh, mẹ anh ngày nào cũng đợi tin con, với hy vọng sẽ mang được thi hài về. Nhưng rồi thời gian cứ đằng đẵng trôi đi, niềm hy vọng ấy ngày càng xa… khó có thể trông mong gì nữa, gia đình làm một cái lễ cầu siêu rồi xây cho anh Bái một ngôi mộ gió ngay trong nghĩa trang của dòng tộc. "

Ngày mà Tống Sỹ Bái lên đường cả nhà đều tiễn đưa, lúc đi em có nói rằng: con làm xong nghĩa vụ về con lập gia đình. Sau đó đi ngày trước, ngày sau là bị mất tích. Lúc đó gia đình mới nghe trên đài thôi chứ đơn vị chưa báo tử nhưng gia đình đã hoảng hốt, mẹ già cũng khóc rồi xỉu nữa. Tôi cũng an ủi bà là chỉ nghe trên đài thôi chứ chưa chính xác, nhưng một tháng sau thì có tin báo tử về".

Với cụ Giỏ có lẽ câu nói của cậu con trai út ngày ấy cứ văng vẳng bên tai người mẹ: “Mạ đừng lo, con đi sớm về sớm. Rồi con sẽ lấy vợ rồi chăm sóc cho mạ”. Nhưng rồi anh Bái đã mãi mãi không về, dừng lại ở tuổi 21 sau trận chiến bảo vệ đảo Gạc Ma năm 1988. "Sau ba năm tôi cũng có đăng báo bên Trung Quốc tìm nhưng ba năm sau không thấy rồi sau đó tôi có mần cho cháu một cái tang, đem cháu đi chôn, thì mộ to lắm. Nói chi mà khi hắn ra đi, một năm rưỡi ra đi rồi chết luôn không gặp lại tôi lần nào, tôi lúc nào cũng thương nhớ".

Vòng hoa từ đất liền mang theo hơi ấm, tình cảm của nhân dân cả nước đối với những chiến sĩ hy sinh bảo vệ lãnh thổ - Ảnh: BTGCP.

Cũng như liệt sĩ Hoàng Ánh Đông, Tống Sỹ Bái - những người lính đi đảo năm ấy đến từ nhiều vùng quê khác nhau, đều còn rất trẻ và phần nhiều chưa có vợ, thậm chí người yêu. Không ai ngờ, những chàng trai tuổi xuân còn phơi phới, xung phong lên đường nhập ngũ giữa thời bình, lại có một ngày vĩnh viễn nằm lại trong lòng biển, dệt nên huyền thoại nơi vùng đảo thiêng liêng mang tên Gạc Ma. Máu xương các anh đổ xuống hôm qua như tiếp thêm sức lực để hôm nay chúng ta giữ biển, giữ đảo bằng sức mạnh của toàn dân tộc.