Những người làm nên sáng kiến!

(VOH) - Trong không khí náo nức kỷ niệm ngày sinh Bác Tôn (20/8), Liên đoàn Lao động TP tổ chức tôn vinh những người thợ giỏi qua việc xét chọn và trao giải thưởng Tôn Đức Thắng lần thứ 13 năm 2013. 9 cá nhân đạt giải thưởng Tôn Đức Thắng lần thứ 13 năm 2013 - họ đều là những kỹ sư tài ba, dù mỗi người làm việc ở một nơi khác nhau, công việc khác nhau, chuyên môn khác nhau nhưng lại có cùng chung một điểm đó là say mê nghiên cứu, sáng tạo, làm nên nhiều sáng kiến có lợi không chỉ cho doanh nghiệp, đơn vị nơi mình công tác mà mang lại lợi ích to lớn cho xã hội.
Các đồng chí lãnh đạo chúc mừng các cá nhân nhận Giải thưởng Tôn Đức Thắng 2013. Ảnh: SGGP

Người đầu tiên mà chúng tôi muốn nói đến đó là kỹ sư Bạch Thị Vững với 24 năm công tác tại Công ty Cổ Phần Giống cây trồng Miền Nam. Là mẫu người hết lòng vì công việc, đam mê tận tụy với nghề, dấu chân của bà đã hằn in qua nhiều cánh đồng, sát cánh cùng nông dân từ Bắc chí Nam chỉ với một mục tiêu duy nhất là giúp họ có những hạt lúa giống tốt, chống chọi được với sâu bệnh, đạt năng suất chất lượng cao và mang lại lợi nhuận cho người nông dân, giúp họ vươn lên thoát nghèo từ đồng ruộng. Trong suốt ngần ấy năm, người kỹ sư nông học này đã cho ra đời hàng chục giống lúa lai, được nhân trồng phổ biến trên các cánh đồng của cả nước. Chỉ tính riêng việc lai tạo và khảo nghiệm giống lúa lai 3 dòng Bắc ưu 903 khán bạc lá vào năm 2008 đã giúp mang lại lợi nhuận cho bà con nông dân vùng Đồng bằng sông Hồng mỗi năm từ 13,5 đến 42 tỷ đồng. Đây cũng là đứa con tinh thần mà kỹ sư Vững lưu giữ và trân trọng mãi cho đến tận bây giờ. 

Từ đam mê, dấn thân vì công việc, vì sự phát triển của nganh nông nghiệp nước nhà, kỹ sư Vững đã không ngừng nỗ lực nghiên cứu lai tạo thêm nhiều giống lúa mới. Có thể kể đến như dòng HR 182 cho các tỉnh phía Nam, dòng Nam ưu 603 cho các tỉnh phía Bắc, dòng PAC 807… chỉ tính ước lượng số tiền mà bà làm lợi được cho công ty thôi cũng đã lên đến 30 tỷ đồng và làm lãi đến 16 tỷ đồng. Ngoài ra, bà cũng đã tận tình dìu dắt đào tạo nhiều thế hệ đàn em trở thành những người thợ giỏi, kỹ sư giỏi kế tục sự nghiệp. Bà nhận được nhiều bằng khen, giấy khen từ trung ương đến địa phương cho những cống hiến của mình và giờ đây được vinh danh với giải thưởng Tôn Đức Thắng. Nói về công việc của mình, bà bộc bạch: "Mục tiêu của mình là làm sao để có một giống lúa đạt tiêu chuẩn xuất khẩu vì nước của mình là nước xuất khẩu lúa gạo, thứ hai nữa là để bà con có giá trị kinh tế cao thì giống lúa đó phải kháng được sâu bệnh chính, ví dụ ở miền Bắc là chống chịu được bệnh bạc lá, ở Đồng bằng sông Cửu Long là bệnh rầy nâu, vàng lùn, đạo ôn,.. còn việc sao cho giống lúa cần đạt năng suất cao là chuyện đương nhiên rồi. Phải có sự đam mê, đặt mọi niềm tin vào công việc và sự chịu cực chịu khó".

Cũng với mục tiêu vì bà con nông dân, vì sự phát triển của ngành nuôi trồng thủy sản nước nhà, kỹ sư Đặng Hồng Đức hiện đang công tác tại Công ty Liên doanh Bio - Pharmachemie đã tham gia nghiên cứu nhiều đề tài ứng dụng sản phẩm phòng ngừa bệnh thay thế trên thủy hải sản, giúp người chăn nuôi thiết giảm nhiều chi phí, gia tăng lợi nhuận. Những thành công trên cũng chưa phải là đích đến cuối cùng của người kỹ sư thủy sản này khi mà mới đây, kỹ sư Đức đã tham gia vào các hoạt động của chương trình xây dựng nông thôn mới mà cụ thể là tham gia Câu lạc bộ “Bác sĩ tình nguyện nông nghiệp” của Tổng công ty Nông nghiệp Sài Gòn. Từ câu lạc bộ này, anh đã tổ chức nhiều  lớp tập huấn kỹ thuật nuôi tôm thẻ chân trắng cho bà con nuôi trồng thuỷ sản huyện Nhà Bè, chuyển giao kỹ thuật nuôi tôm thẻ chân trắng cho các hộ nuôi trồng thủy sản tại Cần Giờ và phối hợp với Hội Nông dân Thành phố đã mở được 4 lớp tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật nuôi cá điêu hồng, cá rô phi, cá chép, cá lóc, tôm càng xanh cho nông dân huyện Bình Chánh, tư vấn kỹ thuật nông nghiệp cho các hộ dân nuôi trồng thủy sản trong cả nước. Nói về  việc tham gia chương trình xây dựng nông thôn mới, kỹ sư Đặng Hồng Đức chia sẻ: "Mình làm việc với tính chất tự nguyện để giúp bà con vùng ven Cần Giờ, Nhà Bè. Có hai mục đích: một là giúp bà con chăn nuôi cho đạt lợi nhuận cao hơn, thứ hai là tìm hiểu thêm chất đất vùng hạ Sài Gòn này, vì vùng hạ là vùng nhận chất thải, thế thì mình làm thế nào để cải thiện chất lượng nước ở vùng này lên thì thủy sản mới phát triển được, giúp chương trình xây dựng nông thôn mới và góp một viên đá để giúp chương trình thành công".

Ở một lĩnh vực khác, kỹ sư cơ khí Nguyễn Tấn Thành - Phó Phòng Kỹ thuật công ty cổ phần Bông Bạch Tuyết. Suốt 12 năm làm việc và gắn bó với công ty, ông đã cho ra đời 5 sáng kiến cải tiến làm lợi cho doanh nghiệp. Đó là cải tiến trục cấp bông trên máy bông viên LINK-PN4, giá trị làm lợi hàng năm cho công ty khoảng 350 triệu đồng. Sáng kiến phục hồi và cải tiến Máy Bông vệ sinh Tai ChinFu sang sản xuất sản phẩm Bông vệ sinh Tai Baby. Bên  cạnh đó, kỹ sư đã tích cực tham gia đào tạo thi nâng bậc lương cho 25 công nhân cả lý thuyết lẫn thực hành, trong đó có 8 công nhân đạt loại giỏi. Ngoài ra, ông còn hướng dẫn, chỉ bảo tận tình  những công nhân mới vào nghề để họ vận hành hệ thống trang thiết bị trong công ty một cách tốt nhất. Và kết quả sau cùng cho sự nỗ lực này chính là vì sự hồi phục, ổn định sản xuất, duy trì và phát triển thương hiệu bông Bạch Tuyết. Kỹ sư Nguyễn Tấn Thành nói: "Xuất phát từ nhu cầu kế hoạch sản xuất kinh doanh, cộng với việc phải có sản lượng ra cho nhanh để có hàng để bán, đồng thời phải cạnh tranh giá cả cho nên sản xuất giảm hư hao, giảm phế phẩm mà năng suất tăng, chi phí giảm xuống để góp phần cạnh tranh với thị trường. Cái sáng kiến cải tạo khuôn viên tròn thì tôi rất thích vì nó làm cho năng suất tăng gấp đôi".

Trong số 9 kỹ sư vinh dự được trao giải thưởng Tôn Đức Thắng năm nay, có  kỹ sư Nguyễn Đức Huy với tuổi đời còn khá trẻ hiện đang công tác tại Công ty TNHH Nissei Electric VN, đảm nhiệm chức vụ Trưởng bộ phận kỹ thuật hàng gia công. 9 năm vào làm việc tại công ty, người kỹ sư trẻ này đã cho ra đời đến 10 sáng kiến làm lợi rất nhiều cho tập thể. Trong quá trình chia sẻ với chúng tôi, kỹ sư trẻ Nguyễn Đức Huy cho rằng, tất cả những gì mà anh làm được trước hết là vì tập thể công nhân tại doanh nghiệp. Anh nói: "Mình muốn cho công ty ngày càng ổn định, công ty ổn định thì cuộc sống công nhân cũng ổn định theo, thứ hai là trong công việc phải có những cải tiến để thuận tiện trong quá trình sản xuất, đảm bảo chất lượng cũng như an toàn cho người thao tác, vì thế cho nên tôi cố gắng tìm tòi, tận dụng những gì mình có được. Làm được một đề tài mình cảm thấy rất vui vì nó tạo cho mình động lực để làm tiếp những đề tài tiếp theo".

Song song với những sáng kiến, anh còn đào tạo, tổ chức thi tay nghề cho công nhân, trung bình 20 công nhân/tháng. Đến nay số lượng công nhân được chứng nhận thao tác, đặc biệt là về hợp chất hàn công nghiệp lên đến 940 người. Hiện tại kỹ sư trẻ này đang ấp ủ nhiều hoài bão cho nghề nghiệp của mình, đặc biệt là khi vinh dự nhận được giải thưởng Tôn Đức Thắng thì những hoài bão đó càng có thêm động lực để thực hiện đến cùng với mục tiêu duy nhất là vì sự phát triển của doanh nghiệp vì đời sống người lao động.

Những điển hình mà chúng tôi vừa nêu chỉ đại diện cho 9 gương mặt xuất sắc được nêu gương. Để làm được những thành tích này đòi hỏi những người làm kỹ thuật luôn phải chú tâm, suy nghĩ về công việc của mình ngay cả khi ăn, khi ngủ. Mục đích cuối cùng nhằm tiết kiệm chi phí sản xuất, tăng năng suất lao động. Và hơn bao giờ hết, kết quả đó có được chính là nhờ ngọn lửa đam mê sáng tạo của tất cả mọi người.