Những người thầm lặng vì cộng đồng

(VOH) - Trong suốt năm Quý Tỵ 2013 vừa qua chuyên mục “Sống đẹp” của Sài Gòn buổi chiều- Đài TNND TPHCM đã giới thiệu đến thính giả nghe đài hơn 50 tấm gương thầm lặng có nghĩa cử cao đẹp “Sống vì mọi người” luôn chia sẻ với những khó khăn vất vả mà những người kém may mắn không có được. Còn rất nhiều và rất nhiều những việc làm ý nghĩa khác đã và đang xen trong cuộc sống còn nhiều bộn bề hôm nay, và chính họ đã góp phần tô điểm thêm những giá trị nhân văn cho cuộc sống, tôn vinh giá trị truyền thống tốt đẹp của người Việt Nam chúng ta. Trong chương trình Sài Gòn buổi chiều đặc biệt ngày mùng 1 tết hôm nay, phóng viên Ngọc Phong mời bạn đọc cùng lắng động lại với 1 số chia sẻ từ những nhân vật mà Sài Gòn buổi chiều đã từng giới thiệu trong năm qua như 1 lời tri ân với họ trong ngày đầu năm này.
Xuất thân trong 1 gia đình nông dân nghèo ở Cai Lậy- Tiền Giang, khi mới 18 tuổi anh Nguyễn Văn Phúc đã một mình lặn lội lên TPHCM tìm kế sinh nhai. Hơn 20 năm trôi qua anh Phúc đã làm đủ thứ nghề lương thiện để kiếm sống như phụ việc nhà, đạp xích lô, vá xe vỉa hè…và sống lang thang khắp nơi. Thế nhưng bằng nghị lực phi thường, không đầu hàng số phận, tự mày mò học lấy nghề sửa xe, dần dần lành nghề rồi mở tiệm sửa xe và làm ăn ngày càng khắm khá. Từng đi lên từ hai bàn tay trắng, anh Phúc luôn đồng cảm và hiểu được những khó khăn vất vả của những người kém may mắn. Cũng từ sự đồng cảm ấy, mấy năm trở lại đây khi cuộc sống của mình đã ổn định anh Phúc bắt đầu tìm đến những việc làm từ thiện, với mong muốn chia sẻ bớt phần nào những khó khăn cho những người kém may mắn: "Năm 2013 đã qua tôi đã tạo công ăn việc làm cho nhiều người. Trong đó có những người cơ nhỡ, lang thang. Trong năm mới 2014 sẽ làm thêm 1 số việc như: phát thẻ bảo hiểm y tế, người khuyết tật, phát thêm nhiều phần cơm cho người nghèo…".

Ngoài việc dạy và sửa xe miễn phí có lương cho người nghèo, khuyết tật, mỗi ngày gia đình anh Phúc còn tặng 30 suất cơm miễn phí cho người nghèo với mong muốn những người khó khăn được no bụng hàng ngày.

Rất đông người nghèo tới nhận cơm trưa trước tiệm sửa xe của anh Phúc.Ảnh: SGGP

Chia tay gia đình anh Nguyễn Văn Phúc ở quận 8, chúng ta đến với 1 nghĩa cử cao đẹp khác, đó là Bà Trần thị Mỹ Hiền- chủ nhà hàng Ngọc Thủy trước đây trên đường Nguyễn Trãi quận 1. Nhắc đến bà út Hiền thì mọi người hàng xóm xung quanh điều nhận định rằng đó là người phụ nữ Nam bộ chân chất, thật thà và đam mê việc thiện. Cách làm việc của bà Hiền rất đơn giản là khi đọc báo, nghe đài, xem đài hay tình cờ bắt gặp được 1 hoàn cảnh nào đó khó khăn trên đường phố mà Bà cảm nhận được cần giúp đỡ là quyết tâm giúp đến cùng. Cách đây khoảng 5 năm, trong 1 lần tình cờ đọc báo biết được 1 người phụ nữ chẳng may bị tai nạn giao thông bị cụt 2 chân nhưng không được bồi thường, lặp tức bà Hiền đã tìm cách liên lạc với địa phương để tiếp cận và giúp đỡ cho người phụ nữ tật nguyền ấy 100 triệu đồng. "Lên TP tôi không nghĩ mình có được 100 triệu, mừng lắm không nói nên lời chỉ biết khóc", bà Hiền kể.

Đây chỉ là 1 trong số hàng trăm người từng được mình giúp đỡ mà bà Hiền nhớ được, vì trường hợp này quá đặc biệt. Ngoài ra đều đặn hàng tháng gần 10 năm nay bà Hiền còn gửi tiền về quê để nuôi hơn 100 người già neo đơn với số tiền 300 ngàn/1 người. Điều đáng quý ở người phụ nữ này là dù hiện tại công việc làm ăn của mình không còn thuận lợi như trước. Do làm ăn thất bại từ chủ nhà hàng giờ đây bà đang vất vả bán bánh canh vỉa hè trên đường Nguyễn Trãi với giá 10 ngàn/ 1 tô để ổn định cuộc sống. Nhưng sự khó khăn ấy vẫn chưa khiến bà có ý định từ bỏ việc làm từ thiện của mình: "Mỗi người có có 1 niềm đam mê, đam mê của tôi là giúp người khác, cho nên bây giờ dù tôi bán banh canh vỉa hè 10 ngàn 1 tô rất vất vả nhưng tôi cảm thấy vui khi giúp được người ta. Mỗi tháng tôi giúp 100 người với 30 triệu, tôi cảm thấy mình luôn luôn có trách nhiệm, dù không ai bắt buộc tôi nhưng mà trong tình thương tôi không thể bỏ người ta".

Bà Trần thị Mỹ Hiền đang vất vả bán bánh canh vỉa hè trên đường Nguyễn Trãi với giá 10 ngàn/ 1 tô để ổn định cuộc sống.

Của cho không bằng cách cho- câu nói của người xưa luôn luôn ý nghĩa, vì trên thực tế không chỉ có những người có nhiều tiền mới có thể giúp đỡ mọi người. Ngay cả những người đang lâm vào hoàn cảnh khó khăn, hay cả những người công nhân với mức thu nhập chỉ vài triệu đồng/ 1 tháng vẫn sẵn sàng chia sẻ 1 phần cho người khác: "Quan niệm sống em rất đơn giản, em cảm thấy mình may mắn hơn người ta, dù thu nhập không khá giả nhưng thấy giúp được người khác là giúp…", Đó là những lời chia sẻ của bạn Nguyễn Thị Út Em- nhân viên công ty Anh Hoa ở Dĩ An, Bình Dương và còn rất nhiều những tấm lòng thơm thảo như thế. Không kể giàu hay nghèo, già hay trẻ, đang là công chức, hay là công nhân, học sinh, sinh viên, kể cả những người đã về hưu…họ sẵn lòng dành một phần thu nhập của mình để ủng hộ cho các hoàn cảnh khó khăn. Cụ bà Trần Thị Hoa- 66 tuổi nhà ở quận 12 là 1 trong những điển hình ấy, khi điều đặn hàng tháng bà đón xe buýt đến Đài để trao số tiền lương hưu cho những mảnh đời khó khăn của chương trình “Sát cánh cùng gia đình Việt”. "Được làm vậy tôi vui lắm, giúp đến mảng đời thôi, còn tiền thì còn giúp...", bà Hoa chia sẻ.

Ngoài việc ủng hộ giúp đỡ bằng vật chất, thì cũng không thể không nhắc đến những công việc ý nghĩa của những thầy giáo, cô giáo đã cống hiến gần như cả cuộc đời của mình cho sự nghiệp trồng người, nhất là những thầy cô trong các lớp học tình thương. Cô Nguyễn Thị Thiền ở phường Phú Thuận, quận 7 là một trong những bông hoa đẹp ấy, 71 tuổi đời và 50 tuổi nghề, cô Thiền đã dạy dỗ miễn phí cho hàng ngàn em học sinh khó khăn biết chữ và thành người. Bà Thiền nói: "Tôi cũng giống như các cháu mình rất khó khăn, bây giờ được làm cô giáo, nên tôi muốn đem hết khả năng để cống hiến cho các cháu nghèo. Việc dạy học này sẽ làm đến khi nào nhắm mắt thôi".

Còn nhiều và rất nhiều những tấm lòng nhân ái khác mà trong chương trình hôm nay chúng tôi không thể chuyển tải hết được. Bước sang năm mới Giáp Ngọ- Chúng tôi những người làm chuyên mục “ Sống đẹp” xin trân trọng những nghĩa cử cao đẹp, những việc làm mang ý nghĩa nhân văn mà quý vị đã mang đến cho mọi người. Chính việc làm ấy của quý vị sẽ góp phần làm cho cuộc sống ngày càng tươi đẹp hơn, mọi người người yêu thương nhau nhiều hơn, đồng thời làm cho những mảng tối trong xã hội hiện đại dần dần bị lu mờ để cuộc đời mãi mãi là mùa xuân.