Nơi đó là Nhân Ái

(VOH) - “Căn bệnh thế kỉ”, “cái chết được báo trước”…là những cụm từ mà khi được nhắc đến người ta đều nghĩ ngay đến HIV/AIDS với cảm giác lo sợ và cảnh giác cao độ.

Phản ứng đó không có gì là thái quá, bởi kể từ khi ca nhiễm HIV đầu tiên trên thế giới được phát hiện vào năm 1959, đại dịch HIV/AIDS đã nhanh chóng lan rộng toàn cầu và đến tận bây giờ, y học vẫn chưa tìm được cách tiêu diệt triệt để loại virus này, mà chỉ có thể học cách sống chung với nó.

Tuy không sự kỳ thị đối với bệnh nhân AIDS đã vơi đi ít nhiều nhưng xã hội không thể xóa bỏ ác cảm với các bệnh nhân nhiễm “H”. Ấy vậy vẫn có một chốn dừng chân mở rộng vòng tay đón lấy những phận đời hẳm hiu ấy. Nơi mà các bệnh nhân tưởng chừng tuyệt vọng lại được điều trị tận tình hoàn toàn miễn phí,  nơi mà những con người bị xã hội và gia đình chối bỏ được sống chan hòa trong vòng tay yêu thương của các y bác sĩ. Nơi đó được gọi tên là “Nhân Ái”.

Nghe bài viết:

 

BS Đức Minh Nhất đang thăm khám cho bệnh nhân

Một buổi sáng mùa Xuân, cuối con dốc nhỏ, từng mảng lá vàng nhuộm rực sắc vườn cao su bên hồ nước yên ả khiến người ta tưởng rằng đang đặt chân đến một thắng cảnh du lịch thơ mộng nào đó giữa đất trời Bình Phước. Cũng nằm cuối con dốc ấy, đối diện đường mòn vào vườn cao su là một cánh cửa mở toang trong ngôi nhà tĩnh lặng chỉ có 2 cỗ máy điện loại lớn hình chữ nhật nằm chính giữa, im ắng đến gai người. Hỏi ra mới biết, đó là nơi để hỏa thiêu thi thể bệnh nhân HIV/AIDS qua đời tại bệnh viện Nhân Ái, tọa lạc tại huyện Bù Gia Mập, tỉnh Bình Phước.

Cách đó không xa là nhà đại thể và nhà lưu giữ cốt của các bệnh nhân đã qua đời nhưng không có người đến nhận. Đây cũng chính là một điểm khác biệt của chốn này so với các bệnh viện khác. Không chỉ khám, điều trị cho bệnh nhân AIDS giai đoạn cuối, hay bệnh nhân lao đa kháng thuốc, bệnh viện Nhân Ái còn kiêm nhiệm cả việc lo hậu sự cho họ. Thỉnh thoảng vẫn có thân nhân người bệnh đến nhận tro cốt mang về, nhưng số đó không nhiều, do vậy, bệnh viện phải dành ra một gian phòng nhỏ để lưu giữ tro cốt người quá cố và đều đặn hàng tháng, các nhân viên y tế vẫn đến đây nhang khói cho họ xem như chút an ủi sau cùng với những phận đời bất hạnh.

Chỉ nghĩa cử đó thôi với người đã khuất cũng đủ để mường tượng ra, với những bệnh nhân còn đang điều trị nơi này, các y bác sĩ còn tận tình chăm sóc đến nhường nào!

“…Khi đã vướng vào căn bệnh này thì tụi em cũng đã chuẩn bị tâm lí sẵn, do đó có buồn nhưng cũng nhanh chóng lấy lại tinh thần để sống…” Đó là những phút trải lòng của chị Phạm Thị Kim Loan, một nữ bệnh nhân đang được điều trị tại khoa “Săn sóc đặc biệt” – nơi phải tiếp nhận những ca bệnh nặng nhất của bệnh viện Nhân Ái.

Cách đây đúng 10 năm, chị Loan phát hiện mình mang trong mình căn bệnh thế kỉ khi vừa sinh đứa con đầu lòng. May mắn em bé không nhiễm H, và đó chính là động lực mãnh liệt nhất để chị Loan chiến đấu với HIV đến tận bây giờ. Nhìn nét mặt tươi tỉnh của chị, ít ai có thể hình dung được khi cách đây không lâu chị phải nhập viện trong tình trạng suy kiệt, phải đặt ống thở để hỗ trợ.

Đây cũng không phải lần đầu tiên chị bị căn bệnh giày vò phải đứng trước ngưỡng thập tử nhất sinh. Nhưng có ai dám chắc được liệu may mắn có còn mỉm cười với chị trong cuộc chiến với “tử thần”. Bởi khi đã là hầu hết các bệnh nhân AIDS đều hiểu “án tử” luôn treo lơ lửng trên đầu.

Chỉ có tinh thần lạc quan mới có thể đẩy lùi bệnh tật và giúp họ tận hưởng đến phút cuối cùng giá trị của sự sống. Chỉ cần chị Loan không bỏ cuộc thì các y bác sĩ của bệnh viện Nhân Ái cũng chẳng bao giờ buông tay khỏi chị, họ đã và sẽ cùng chị tiếp tục chiến đấu với HIV.

“Ở ngoài tụi em bị kì thị nhưng ở đây thì không. Các thầy cô ở đây chăm sóc rất tận tình, không có sự phân biệt đối xử nào cả…Bị bệnh như vầy mà còn được bệnh viện chăm sóc thì quả là tụi em còn có phước lắm…”

Tại khoa “Săn sóc đặc biệt” này, ngoài những bệnh nhân AIDS giai đoạn cuối còn có cả đối tượng nghiện ma túy trong diện quản thúc đang điều trị. Nếu may mắn qua khỏi cơn nguy kịch và khỏe lên, họ lại trở thành những hạt nhân tích cực hỗ trợ ngược lại cho những người yếu hơn, giúp các cán bộ y tế chăm sóc những người bệnh cùng khoa.

Anh Nguyễn Vũ Minh Công một đối tượng bị quản thúc như thế đang điều trị tại khoa “Săn sóc đặc biệt” cho biết:

“Mình vô đây bệnh rất nặng, cũng may nhờ có thầy cô nên đã đỡ hơn nhiều…Mình quý nhất là các thầy cô ở đây ai cũng đối xử rất quan tâm, gần gũi với bệnh nhân, khi mình khỏe thì mình cũng phụ giúp thầy cô chăm sóc những người khác, cũng giống như khi mình vào đây, mọi người cũng chăm sóc cho mình…”

Không cần biết họ đã từng có quá khứ bất hảo như thế nào, nhưng khi đã vào đây, trong mắt các y bác sĩ của “Nhân Ái”, họ chính là bệnh nhân đang cần được quan tâm, chăm sóc, dẫu cho căn bệnh họ mang trong mình là nỗi ám ảnh của cả nhân loại. Không hẹn mà gặp, cả chị Loan và anh Công đều gọi các cán bộ y tế ở đây là “thầy, cô” chứ không phải là một danh xưng thường gặp trong ngành y như “bác sĩ, y tá”… bởi lẽ với  các bệnh nhân ở bệnh viện Nhân Ái, các y bác sỹ không khác gì người thân của họ. Bác sĩ Trầm Xuân Chánh – trưởng khoa “Săn sóc đặc biệt” chia sẻ:

“Các bệnh nhân đến đây rất tội nghiệp, có nhiều người bị gia đình bỏ rơi. Bệnh viện phải thay gia đình chăm sóc họ, yêu thương họ, chăm cho bệnh nhân từ miếng ăn, giấc ngủ, tìm mọi cách để xoa dịu nỗi đau của họ. Nghĩa tử là nghĩa tận, bệnh nhân HIV cũng là con người…”

Điều trị và chăm sóc cho bệnh nhân đó là thiên chức của những cán bộ ngành y. Thế nhưng đôi cụm từ giản đơn đó dường như chưa đủ để giúp người ta hình dung được tất cả những công việc mà các nhân viên y tế ở bệnh viện Nhân Ái đảm đương, và nhất là khi đối tượng họ chăm sóc quá đặc biệt.

Điều dưỡng Phan Thị Thủy – khoa nội 2 nhớ lại:

“Khác với các bệnh viện khác, điều dưỡng ở đây làm tất cả mọi thứ, từ miếng ăn, áo mặc đến thuốc cũng đưa tận miệng người bệnh, thậm chí có ca nặng ỵ tại giường, bọn e cũng xử lí luôn…Khoa nội 2 của em là bệnh nhân tâm thần, không làm chủ được hành vi nên phải theo sát bệnh nhân, còn như khoa cắt cơn nghiện thì cứ 5, 10 phút bệnh nhân lại lên cơn 1 lần, nhiều khi trực mà mình ngồi không yên luôn…”

Chăm sóc cho bệnh nhân chưa bao giờ là công việc đơn giản, chăm sóc cho bệnh nhân HIV/AIDS lại càng đòi hỏi sự cẩn trọng bởi nguy cơ lây nhiễm rất cao. Kể từ khi thành lập vào năm 2006 đến nay, đã có khoảng 20 ca nhân viên y tế tại bệnh viện Nhân Ái phơi nhiễm HIV nhưng may mắn điều trị kịp thời nên hoàn toàn “âm tính”.

Không chỉ các bệnh nhân mà cả các nhân viên y tế ở Nhân Ái, hầu như ai cũng có câu chuyện của riêng mình, đầy cảm xúc. Nếu như cô điều dưỡng nhỏ bé mà gan lì Phan Thị Thủy cương quyết không vâng lời cha mẹ bỏ nghề và chấp nhận xa chồng để tiếp tục ở lại bệnh viện chăm sóc bệnh nhân thì bác sĩ Đức Minh Nhất – Phó trưởng khoa Lao suốt 11 năm công tác tại bệnh viện thì cũng ngần ấy cái Tết không đoàn tụ cùng cha mẹ ở Thái Bình. Bác sĩ Nguyễn Phi Khanh – Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp, người đã gắn bó với Nhân Ái từ ngày đầu thành lập cũng ray rứt xúc động bởi mải mê gánh gồng sứ mệnh người thầy thuốc nhưng lại chưa tròn chữ hiếu với các đấng sinh thành.

Các bác sĩ trải lòng:

“Mười mấy năm rồi không ăn Tết cùng bố mẹ, nhưng vì nhiệm vụ mà, ai cũng vậy, nhiều lúc cũng thấy có lỗi lắm, không chăm sóc được bố mẹ…Cha mẹ ở quê cũng già yếu rồi, mỗi lần nhập viện lại phải nhờ bạn bè có gì chăm sóc giùm, mình thấy cũng buồn lắm…”

“Ở đâu cũng phục vụ cho bệnh nhân cả, huống hồ ở đây bệnh nhân rất đặc biệt, họ rất cần mình. Tâm nguyện là được gắn bó tiếp tục, giúp được càng nhiều càng tốt. Nếu được chọn lại, có lẽ vẫn chọn như vậy thôi, chưa bao giờ hối hận…”

Cách đây 13 năm, bệnh viện Nhân Ái hôm nay đã khang trang và hiện đại hơn rất nhiều. Từ chỗ chỉ có 4 bác sĩ, 5 phòng khoa, nay đã lên đến 18 phòng khoa chuyên trách với số lượng nhân viên y tế hơn 250 người.

Được sự quan tâm của Sở y tế, một khu nhà công vụ cũng được xây dựng cách bệnh viện không xa để các cán bộ y tế an cư và an lòng theo đuổi sứ mệnh của mình. Hơn 100 cặp uyên ương thầy thuốc cũng đã nên duyên trên mảnh đất Bình Phước nắng cháy da người này.

Tiếng trẻ bi bô nói cười ngày một nhiều hơn, chiều chiều lại quẩn quanh bên vườn rau, bầy gà, chuồng lợn được cha mẹ chúng tăng gia để bổ sung thêm nguồn lương thực cho chính mình và cho bệnh nhân. Một ngày không xa, ở nơi đây, một thế hệ mới sẽ kế thừa sự nghiệp y khoa của cha mẹ chúng để tiếp tục chăm sóc cho bệnh nhân HIV/AIDS.

Hành trình 13 năm đằng đẵng ấy là một hành trình đầy chông gai của bệnh viện Nhân Ái khi phải chiến đấu từng ngày để kéo dài sinh mệnh cho bệnh nhân AIDS giai đoạn cuối và hơn thế nữa chính là chiến đấu với định kiến của xã hội về căn bệnh thế kỉ này. Nếu cộng đồng ruồng rẫy bệnh nhân HIV/AIDS thì Nhân Ái sẽ đón nhận họ. Nếu gia đình lãng quên những đứa con ngỗ nghịch thì Nhân Ái sẽ trở thành gia đình thứ 2 cho họ sự ấm áp yêu thương.