Nối đôi bờ vui tại "cổng trời" Tây Nguyên

(VOH) - Đường lên "cổng trời" thôn Ea Rớt, xã Cư Pui, huyện Krông Bông, tỉnh Đắk Lắk cheo leo, gập ghềnh nay đã sắp có cây cầu nối đôi bờ vui.

Câu chuyện về những người mẹ địu con, những em học sinh hàng ngày qua sông bằng chiếc bè cũ nát đã được chương trình Sát cánh cùng gia đình Việt - VOH giới thiệu hồi tháng 5/2018. Và thật may mắn, tại khúc sông ấy sắp hiện hữu một cây cầu vững chãi, người dân sắp có nhịp cầu nối những bờ vui.

Thôn Ea Rớt, xã Cư Pui, huyện Krông Bông, tỉnh Đắk Lắk được mệnh danh là cổng trời của cả vùng Tây Nguyên vì thiên nhiên đã tạo cho nơi đây một dốc núi dựng đứng, nhìn ra cả một khoảng trời hun hút. Đường lên cổng trời cheo leo, gập ghềnh và cũng là độc đạo để kết nối bà con nơi đây với thế giới bên ngoài. Khó khăn như vậy chưa phải là tất cả, người dân ở đây hàng ngày phải qua sông bằng một chiếc bè mục rỗng được kết bằng cây lồ ô.

Đánh cược với tử thần

Từ TP. Buôn Ma Thuột về trung tâm H.Krông Bông mất gần 70km. Sau đó, đoàn khảo sát của chương trình phải băng 20km đường rừng, đất đỏ trơn trượt; vừa đi xe máy vừa đi bộ, qua biết bao dốc núi quanh co, nhỏ hẹp, mới đến được xã Cư Pui – xã nghèo nhất của huyện Krông Bông. Người dân Krông Bông không còn xa lạ với cách đu cáp trên sông, chèo ghe hay kéo bè để qua bên kia bờ. Người dân cả nước đã nhiều phen rúng động với những tai nạn thương tâm tại nơi này, khi người dân phải hằng ngày chọn cách đánh cược với tử thần để qua được bờ bên kia sông.

Ba mẹ con chênh vênh trên chiếc bè.

Lúc chúng tôi đến khúc sông thuộc thôn Ea Rớt, một người mẹ địu con trên lưng, hai tay ghì chặt sợi dây cáp để kéo chiếc bè giữa dòng nước, trên bè còn một đứa con nhỏ đang quỳ bám lấy thân bè. Có cả một nhóm học sinh đang đứng đợi đến lượt qua sông. Cô bé Pơ Lang – học sinh trường Tiểu học Cư Pui 2, trả lời thắc mắc của PV VOH: “Đông nhất là đến 9 người”. “Thưa cô có chen lấn, để đến lớp sớm”. “Có rất nhiều em nhỏ không biết bơi”.

"Con có sợ không?" - PV hỏi. Pơ Lang trả lời: "Con sợ rơi xuống không ai cứu, con sẽ không thể về nhà nhìn thấy ba mẹ nữa".

 PV VOH trò chuyện cùng em Pơ Lang.

Sợ là vậy, nhưng ngày nào các em cũng phải đối mặt với nỗi sợ. Hay đúng hơn, những trái tim bé bỏng kia luôn phải đương đầu với nỗi ám ảnh thường trực.

Là một xã nghèo của một huyện nghèo vùng sâu, chính quyền chưa có kinh phí để xây dựng một cây cầu, cũng chẳng thể vận động nguồn lực từ nhân dân, bởi đồng bào ở đây còn quá đỗi khó khăn, thiếu thốn. Và như vậy, chẳng trừ ai, từ những người mẹ địu con lên rẫy, đến những đứa trẻ trên hành trình đi tìm con chữ, tất thảy đều phải vượt qua cửa ải may rủi của thủy thần. Sự sống thật nhọc nhằn, chênh vênh khi hoàn toàn phó mặc vào sự may rủi.

Chia sẻ với chương trình, cô Trần Thị Duyên – Giáo viên Điểm trường Ea Rớt, Trường Tiểu học Cư Pui 2 không giấu được sự lo lắng trên nét mặt. “Hình ảnh các em đi bằng bè như vậy rất đau lòng, nhiều lúc sợ các em có vấn đề gì trên đường đi học, các cô luôn nhắc các em phải cẩn thận khi đi học và khi đi về. Xung quanh trường, các em đều phải đi bè hết. Các em tự đi học từ lớp 1 cho đến lớp 5 vì cha mẹ bận đi làm rẫy. Nhiều lúc nước ngập quá, các em không đi được, bữa được bữa không. Vì điều kiện kinh tế ở đây thì cũng khó khăn nên họ cũng chỉ tự chế những cái bè, chặt cây lồ ô trên rừng về làm thành bè rồi đóng một cái dây kéo qua vậy thôi”, cô Duyên chia sẻ.

Nhịp cầu từ sự đồng lòng

Hành trình đi tìm con chữ, hành trình tìm kế sinh nhai, hay bất cứ một hành trình nào ở những vùng sâu, vùng xa đều rất đỗi khó khăn. Chính vì vậy, chương trình Sát cánh cùng gia đình Việt sau khi thực hiện chuyến khảo sát đã phát đi những thông điệp yêu thương qua làn sóng của Đài Tiếng nói nhân dân Thành phố (VOH), vận động các nhà tài trợ, mạnh thường quân, quý vị thính giả để xây dựng cho thôn Ea Rớt một cây cầu trước khi mùa mưa lũ về. Một cây cầu để nối liền những bước chân của các em nhỏ đến trường, để những bước chân của đồng bào mình không còn cô độc giữa chốn núi rừng.

Một mình vượt sông Krông Bông.

Và thông điệp yêu thương ấy đã chạm đến trái tim của hàng ngàn quý vị thính giả. Chỉ sau một tháng, chương trình đã vận động đủ 1,2 tỷ đồng. Rất nhiều lượt thính giả đã đến Đài để ủng hộ chương trình xây cầu, đó là những cô, chú, bác, những em nhỏ; từ những tấm lòng với 50 ngàn đồng, vài trăm ngàn dành dụm được, cho đến những mạnh thường quân ủng hộ 100, 200 triệu đồng. Danh sách ủng hộ cứ dài thêm theo từng ngày, mỗi đợt ghi nhận hàng trăm lượt ủng hộ. Trong số đó, chị Huỳnh Thị Hương – một công nhân may đã chắt chiu khoảng lương ít ỏi để 2 lần đến Đài ủng hộ. Chị chia sẻ: “Nghe bà con mình qua sông nguy hiểm, có người mất, thấy thương lắm. Nghe chương trình xong trong lòng mình cũng thấy bứt rứt, khó chịu. Cuộc sống mình chẳng hơn ai nhưng thấy mọi người khổ như vậy cũng muốn giúp đỡ. Người dân ở đó vui thì thính giả cũng vui cùng, trong đó có mình nữa.”

Chắc chắn sẽ rất vui, bởi may mắn đã mỉm cười với đồng bào Cư Pui, hạnh phúc đã đến với những người thực hiện chương trình và quý vị thính giả. Ngày 29 tháng 6, bà con, chính quyền xã Cư Pui đã vui mừng vỡ òa trong buổi khởi công xây dựng cây cầu. Dự kiến chỉ ba tháng nữa thôi, cây cầu sẽ xây xong để kịp đưa vào sử dụng trước mùa mưa lũ.  

Phát biểu tại buổi khởi công, ông Nguyễn Văn Tâm – Chủ tịch UBND xã Cư Pui hồ hởi: “Mong ước mấy chục năm của chính quyền và nhân dân thôn Ea Rớt đã sắp thành hiện thực. Niềm vui của bà con ở đây không gì có thể tả nổi, mọi người đã tập trung ở đây từ sớm để dự lễ khởi công”.

Lễ Khởi công sáng ngày 29/6/2018.

Một mùa mưa lại về, những cơn mưa rừng ồ ạt, dai dẳng. Nhưng bà con mình rồi sẽ yên tâm ngày ngày lên rẫy canh tác. Sẽ bon bon trên những chuyến xe chở nông sản qua cầu mà không còn sợ rơi xuống nước. Những cô giáo sẽ chuyên tâm chở những con chữ đến buôn làng. Các em nhỏ sẽ cười giòn tan, rộn rã nhảy chân sáo đến trường trên cây cầu mới. Tất cả sẽ tiếp tục cuộc hành trình của mình tại cổng trời Ea Rớt, dù là ngày nắng hay ngày mưa, dù cho thủy thần có dữ tợn đến đâu. Có cầu mới rồi, đừng sợ nữa Pơ Lang!